Trình Quốc hội phát hành trái phiếu Chính phủ để mở rộng quốc lộ 1

Chính phủ đã đồng ý phương án trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp bảo lãnh Chính phủ.

Về dự án mở rộng quốc lộ 1 (QL1), tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5 diễn ra trưa nay (26/5), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, công trình QL 1A đã được đưa vào Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương, coi đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của cả nước.

Theo Bộ trưởng, vì QL 1A là đường xương sống dọc đất nước với gần 2000 km, do vậy không phải đoạn nào cũng có nhiều xe đi để thuyết phục nhà đầu tư đầu tư để thu phí.

Do vậy một số đoạn có thể sẽ kêu gọi nhà đầu tư, hoặc xây dựng- khai thác- chuyển giao hoặc công - tư cùng làm tuy nhiên vẫn có một số đoạn không kêu gọi được nhà đầu tư thì buộc phải dùng ngân sách.

Bộ trưởng cho biết thêm rằng, từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã bàn, thông qua Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ. Trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, được Chính phủ bảo lãnh thực chất là nợ công.

Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành các công việc chuẩn bị để phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ. Nhưng khi tính toán, thời điểm này rất khó khăn với doanh nghiệp và khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cộng với lãi suất ngân hàng hiện hữu, chi phí phát hành sau cùng tính vào chi phí làm đường sẽ rất cao.

Do vậy, Chính phủ từ kỳ họp tháng 4 đã bàn và kỳ họp này, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các Bộ trưởng liên quan đề xuất và đồng ý phương án báo cáo, trình Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện xây dựng QL 1A, thực hiện các dự án trên QL 1A và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đoạn Hà Nội - Cần Thơ dài 1.887 km (đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh 554 km, đang mở rộng 73 km, chưa mở rộng khoảng 1.260 km), một số đoạn tuyến đã quá tải, thường xảy ra tình trạng ùn tắc trên diện rộng, đặc biệt các đoạn từ Hà Nam - Ninh Bình - Thanh Hóa - Hà Tĩnh và một số đoạn qua đô thị lớn, một số đoạn sắp quá tải như Cần Thơ - Phụng Hiệp, Đồng Nai - Phan Thiết.

Theo tính toán, trong khoảng 986 km từ Hà Nội - Cần Thơ cần được nâng cấp mở rộng, có 639 km dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, 374 km đầu tư theo hình thức BOT.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tuyến khoảng 89.300 tỷ đồng, nhu cầu kêu gọi vốn tư nhân thực hiện các DA BOT là 34.500 tỷ đồng.

Theo Dân Việt

Nguồn Gafin.vn: http://gafin.vn/20130526012638158p0c33/trinh-quoc-hoi-phat-hanh-trai-phieu-chinh-phu-de-mo-rong-quoc-lo-1.htm