Trình Quốc hội dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)

Sáng nay (31/10), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung nhiều chính sách để phát triển đường sắt

Khẳng định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại Luật Đường sắt 2005 vốn đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: Việc sửa đổi là cần thiết để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi như: Phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt; nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; hướng dẫn thực hiện tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt….

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, một số quy định của Luật chưa phù hợp, cần sửa đổi như: Quản lý đất dành cho đường sắt; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và phí điều hành giao thông vận tải đường sắt.

Đặc biệt, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng nêu rõ, một số nội dung chưa được quy định trong Luật Đường sắt 2005 cần phải bổ sung phù hợp với thực tiễn như: Ưu đãi trong hoạt động đường sắt; nội dung công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; niên hạn sử dụng đối với phương tiện giao thông đường sắt; quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh đường sắt; chính sách phát triển công nghiệp đường sắt; đường sắt tốc độ cao.

Dự thảo Luật sửa đổi cũng bổ sung một số chính sách phát triển đường sắt như: ưu đãi phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt; chính sách, ưu đãi về giá thuê đất đối với đất dùng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và đất dùng để xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ thương mại trong phạm vi đất dành cho đường sắt; chính sách, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư... Bổ sung quy định về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt trong đó có việc phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và xác định chủ thể đại diện quyền sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Dù còn có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tuy nhiên hồ sơ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu , đầy đủ, đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật .

“Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 10 năm việc thực hiện Luật Đường sắt năm 2005; tham khảo chính sách, pháp luật về đường sắt của một số quốc gia; đánh giá tác động thủ tục hành chính của việc ban hành Dự thảo Luật”, ông Dũng nói và nhẫn mạnh: Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường nhất trí cho rằng, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

T.Bình-H.Thu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/trinh-quoc-hoi-du-an-luat-duong-sat-sua-doi-d174423.html