Triều Tiên 'không sợ' lệnh trừng phạt?

Lệnh trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc áp đặt cho Triều Tiên có thể gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước này, nhưng dường như không thể khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un kìm lại tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân.

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi đây là "gói trừng phạt kinh tế riêng lớn nhất của LHQ đối với Triều Tiên và khiến quốc gia này thiệt hại hơn 1 tỷ USD".

Tuy nhiên, giới chuyên gia lại tỏ ra nghi ngờ về mức độ ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với các mặt hàng xuất khẩu gồm than đá, quặng sắt và hải sản của Triều Tiên. Nói cách khác, ngay cả khi các lệnh trừng phạt mới khiến doanh thu xuất khẩu của Triều Tiên bị giảm mất 1/3, liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thay đổi chiến lược phát triển các thế hệ tên lửa đạn đạo mới?

Lệnh trừng phạt mới không thể khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ tham vọng phát triển năng lực hạt nhân.

Theo Giáo sư John Delury tại Đại học Yonsei Hàn Quốc, câu trả lời "chắc chắn là không". "Bởi chịu đau là điều mà Triều Tiên làm rất tốt", ông Delury nhận định.

Kể từ năm 2016, Hội đồng Bảo an đã áp đặt "chồng chồng lớp lớp" lệnh trừng phạt lên Triều Tiên nhưng lại không đạt được hiệu quả ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thậm chí hồi tháng trước, Triều Tiên đã cho phóng hai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn được cho là vươn tới nhiều thành phố lớn của Mỹ.

"Trong lịch sử phát triển từ thập niên 40, Triều Tiên hiện đang đạt được thành tựu lớn khi chứng minh khả năng tồn tại dưới mọi áp lực kinh tế", CNN dẫn lời ông Delury.

Có thể nói, lệnh trừng phạt mà LHQ mới áp đặt với Triều Tiên có quy mô lớn hơn so với những lệnh cấm trước đây nhằm tạo ra sự thâm hụt ngày càng lớn trong nền kinh tế Triều Tiên. Tuy nhiên, cũng theo giới phân tích, khả năng Trung Quốc sẽ không hoàn toàn thi hành đầy đủ các yêu cầu liên quan tới lệnh trừng phạt của LHQ bởi lâu nay Bắc Kinh vẫn là đồng minh và đối tác kinh tế chính của Bình Nhưỡng.

"Con số 1 tỷ USD chỉ đạt được khi Trung Quốc chịu thi hành theo lệnh trừng phạt mà LHQ áp đặt với Triều Tiên. Chúng ta đã có 11 năm chứng kiến và Trung Quốc vẫn sẽ không làm như vậy", cựu quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Anthony Ruggiero chia sẻ trên Twitter.

Ngay cả bản báo cáo hồi đầu năm nay của LHQ cũng đã thừa nhận việc các nước thi hành lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên "vẫn không đạt hiệu quả và có những mâu thuẫn lớn".

Hôm 7/8, chia sẻ trước giới phóng viên, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã thừa nhận tình trạng trên và khẳng định Mỹ sẽ cùng với tất cả quốc gia "giám sát chặt chẽ cũng như sẽ tiến hành đối thoại với bất cứ quốc gia nào không tôn trọng tinh thần của lệnh trừng phạt và thi hành nghị quyết của LHQ".

Về phần mình, trong hoàn cảnh hiện tại, Trung Quốc đang bị kẹt giữa một bên là yêu cầu của Tổng thống Trump trong việc gia tăng sức ép với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, với một bên là duy trì Triều Tiên làm vùng đệm chiến lược nhằm ngăn Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Nhưng với việc đồng thuận với LHQ trong việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên, trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tránh được việc Mỹ trừng phạt những công ty của Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ làm ăn với chính quyền Triều Tiên.

Hồi tuần trước, ông Trump còn ký một dự luật mới cho phép Tổng thống Mỹ có thêm quyền trừng phạt những công ty như trên. Nhiều nhà phân tích từng cho rằng, ông Trump sẽ sớm "ra tay". Tuy nhiên, đó là chuyện trước khi LHQ thông qua lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên.

"Nhiều quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump hiện tranh luận về việc Nga và Trung Quốc cần có thêm thời gian để thi hành các nghị quyết của LHQ. Đây là chuyện mà mọi chính quyền Mỹ đều phải đối mặt và là một phần trong chính sách trừng phạt Triều Tiên thất bại, dẫn Mỹ vào mớ bòng bong", ông Ruggiero viết.

Còn theo nhà nghiên cứu Tong Zhao tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình hiện mong muốn duy trì mối quan hệ Bắc Kinh – Washington ở mức ổn định đặc biệt là vào mùa thu này, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, ông Tập cũng sẽ không chấp nhận những biện pháp mang tính rủi ro cao đẩy nền kinh tế Triều Tiên vào cảnh sụp đổ và gây ra những bất ổn chính trị ở biên giới Trung – Triều.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trieu-tien-khong-so-lenh-trung-phat-post233917.info