Triệu phú… không dám tiêu tiền

Hình ảnh những tờ tiền giấy cũ với màu sắc đặc trưng đã trở thành kỷ niệm với nhiều người. Và “trào lưu” trong ví có một tờ tiền “độc - lạ”, hay đơn giản với mong muốn lì xì tiền mà… không tiêu được. Nắm bắt nhu cầu đó, Nguyễn Đình Long - sinh viên Đại học Công nghiệp TPHCM - đầu tư vào một nghề đầy mới lạ: Nghề bán tiền… hết đát.

Nguyễn Đình Long - anh chàng kinh doanh... tiền hết đát.

Nghĩa cũ… tiền xưa

Học tài chính, có chút kiến thức kinh doanh, hằng ngày lên mạng, thấy bạn bè hay tặng nhau những tờ tiền độc - lạ. Ý tưởng kinh doanh tiền của Long bắt đầu từ đó. Dành dụm số tiền làm thêm, xin “u thầy chi thêm” một ít, Long lập website shoptiensuutam.com, tìm nguồn hàng… bắt đầu kinh doanh.

Có những khách hàng gặp Long mua tiền xưa để tặng người quen cũ, mong có một “món quà độc”. Những tờ tiền giấy ngày xưa như 100 đồng, 10.000 đồng… dường như trở thành ký ức với nhiều người. Họ đến mua để tặng bạn bè người thân và cho cả chính họ như… để gợi lại kỷ niệm” - Long chia sẻ.

Câu nói của Long khiến tôi nhớ lại thuở nhỏ cứ tết đến được lì xì vài tờ 100 đồng, chúng tôi hay gọi là “100 kem” - vì thời đó chỉ mua được đúng một cây kem đá bán rong. Về mặt tiền tệ, bây giờ không còn giá trị lưu thông, nhưng theo Long thì nó vẫn nguyên giá trị tinh thần với rất nhiều người nên bán ra có thể lên đến tiền triệu.

“Nếu tết này bạn lì xì bằng tiền polymer thì ra tết họ sẽ… tiêu ngay, nhưng nếu nhận được những đồng tiền này họ sẽ lưu giữ như một kỷ niệm. Hơn nữa, với nhiều người đó còn là điều may mắn nên họ sẽ không tiêu đâu. Ví dụ như tờ 2 USD chẳng hạn” - Long chia sẻ thêm.

Long lấy ra mấy tờ có seri là những dãy số tứ quý, phát tài lộc, một dãy số giống nhau, số tiến lên… Theo Long - “Những tờ tiền này bán khá chạy vào dịp tết. Người phương Đông rất coi trọng những con số nên những tờ tiền có số đẹp thường được người mua ưu ái.

Rồi người ra cũng thích mua những tờ tiền theo năm, như năm nay là năm con ngựa thì những tờ tiền có in hình ngựa bán rất chạy. Bên cạnh đó là bộ tiền long-lân-quy-phụng cũng được mua rất nhiều”.

Cũng có tờ tiền còn mang ý nghĩa lịch sử, kinh tế, xã hội của một đất nước. “Như hai tờ tiền của Việt Nam thời kỳ phân chia đất nước hai miền, ở miền Bắc tiền có in hình Bác Hồ, trong khi đó miền Nam in hình con người lao động. Rồi mỗi thời kỳ hoa văn in trên tiền cũng khác nhau. Với những nhà sưu tầm lâu thì họ nhìn vào đồng xu cũng biết được kinh tế thời gian đó như thế nào. Hay nhìn tờ tiền cả tỉ đô của zimbabue mới thấy thời gian đó đất nước Zimbabue khủng hoảng đến mức nào...” - Long nói.

Với những người sưu tầm, bán tiền xưa như Long thì những tờ tiền bên cạnh “độ cổ”, số đẹp thì nhiều người vẫn đề cao màu sắc của tờ tiền. Người ta thường nhớ đến màu xanh ghi của những tờ 20.000 cũ, 100.000 cũ. Và trong số những màu sắc ấy tờ giấy 10.000 với màu đỏ đặc trưng được xem là “hoa hậu tiền giấy đương đại”. Tờ tiền màu đỏ này khá đắt hàng trong dịp tết bởi nhiều người tâm niệm màu đỏ là màu may mắn.

Long lấy ra mấy tờ tiền 100 đô được làm từ vàng nhập khẩu từ Mỹ về, đây là những tờ cho khách víp đặt trước, họ là những giám đốc các doanh nghiệp. Với những tờ như thế bán ra 4.500.000 đồng nhưng mỗi năm chỉ lấy về được dăm ba tờ.

Triệu phú…không dám tiêu tiền

Mặc dù cầm trong tay hàng chục tờ tiền, của nhiều đất nước, có cả tiền vẫn còn lưu hành nhưng Long có hôm vẫn ăn mỳ tôm. Long chia sẻ -“Những xấp tiền ấy đã có khách đặt mua hoặc là tiền mới lấy từ “đại lý” nên không được tiêu xài”.

Phi thương bất phú - Sưu tầm, bán tiền cũng là một nghề thuộc kinh doanh, tưởng “ngon ăn” mà hóa ra không đơn giản. Trước hết phải hiểu luật: Việc sưu tầm và bán tiền như thế này không hề bị cấm, đây là một thú vui bình thường. Và việc kê giá bán lên cao hơn giá trị thật cũng là điều pháp luật không cấm bởi quyết định là ở người mua và đó cũng là một loại mặt hàng và có giá của nó. Nhưng nếu buôn bán ngoại tệ từ 1.000 đô trở lên là vi phạm luật và bị phạt hành chính”.

Từ việc tìm hiểu cung cầu trên thị trường đến việc trao đổi với khách hàng rồi chuyển tiền cho khách. Điện thoại di động trở thành “đường dây nóng”, nhất là dịp lễ tết này mỗi ngày có đến mấy chục cuộc gọi.

Nghề “bán tiền” đòi hỏi phải online thường xuyên: Quản lí website nhận thông tin từ khách hàng, lân la mạng xã hội để tìm khách hàng mới, đưa những mẫu tin quảng cáo lên các trang rao vặt… Có những khách hàng ở dạng “tiềm ẩn” tức là họ cũng muốn sở hữu những tờ tiền độc lạ nhưng phân vân. Thế nên cần chủ động trò chuyện… với họ. Cứ thế theo mô hình “đa cấp”: Một người mua thấy hay giới thiệu với bạn bè họ, thấy hay hay lại giới thiệu thêm…

Để có được niềm tin từ khách hàng, chữ tín được đặt lên đầu: “Hiện nay cũng có nhiều tờ tiền cổ làm giả, nếu không phải người trong nghề thì khó nhận biết được. Hơn nữa ngoài thị trường đôi khi thổi giá quá cao” - Long chia sẻ.

Về thu nhập, Long cho biết: “Nghề này thu nhập không ổn định, phải theo từng mốc thời gian. Ngày mới vào nghề, mỗi tháng chỉ kiếm đươc 1 đến 2 triệu, rồi từ từ tăng lên 4-5 triệu. Còn bây giờ, dịp lễ tết thu nhập nhiều hơn, tầm từ 20-30 triệu. Tiền thì ai cũng mê, nhưng sưu tầm và kinh doanh thì không phải ai cũng dám dấn thân”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/trieu-phu-khong-dam-tieu-tien-174475.bld