'Triệt tiêu' mùi hôi thối nhờ đệm lót sinh học

Ở Quảng Nam, lúc đầu tỉnh mới làm thí điểm một vài mô hình đệm lót sinh học nhưng sau hơn 4 năm, đã có hàng trăm gia đình sử dụng đệm lót. Tại sao nó có sức hút lớn đến vậy? Bởi đệm lót giảm thiểu ô nhiễm chăn nuôi, dịch bệnh vật nuôi thuyên giảm mạnh.

Đầu tư ít, hiệu quả cao

Thăm gia trại chăn nuôi 3.000 con gà của ông Lê Văn Sơn, thôn 2, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) nằm trong khu dân cư. Bước vào có cảm nhận rất rõ là mùi hôi, thối trong các chuồng gà gần như không có. Cả 3 dãy chuồng gà của ông Sơn đều lót nền chuồng bằng đệm lọt sinh học.

Ông Sơn cho biết, xã Tam Lộc là “thủ phủ” chăn nuôi gà đã nhiều năm nay ở Quảng Nam. Trong đó, ông là một người tiên phong đầu tư mô hình đệm lót. Trước đây, ông dùng trấu làm nền cho gà nằm, cứ 1 tuần thay trấu một lần. Mỗi lần tốn rất nhiều tiền, công... nhưng mùi hôi vẫn còn, phát tán ra các hộ dân xung quanh. Nhất là quy mô chăn nuôi lên đến vài ngàn con, khâu môi trường càng nan giải.

Ông Lê Văn Sơn chăn nuôi gà bằng đệm lót sinh học

Năm 2013, ông được Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam hỗ trợ men vi sinh và phương pháp làm đệm lót sinh học. Ông mua trấu về đổ một lớp dày 20cm quanh chuồng nuôi. Sau đó thả gà vào, khi phân xuất hiện rải rác trên nền trấu, ông bắt đầu rải chế phẩm lên trên lớp phân.

“Một lứa gà nuôi 3 tháng thì mới dọn chuồng một lần. Một lần làm đệm lót khoảng 100.000 đồng men vi sinh, cộng với 40 bao trấu, hết 400.000 đồng, nuôi được 1.000 con gà. So với trước đây giảm được công sức rất nhiều, phần nữa giảm chi phí mua trấu. Đúng là một công đôi việc”, ông Sơn bày tỏ.

Theo ông Sơn, nuôi gà bằng đệm lọt sinh học “loại bỏ” được một số bệnh. Trước đây gà thường bị bệnh cầu trùng, hô hấp. Từ ngày sử dụng đệm lót, kết hợp với dùng thuốc phòng bệnh thì dịch bệnh tật ít hẳn. “Mỗi lứa gà 3 tháng, với giá bán 70.000 đồng/kg, lãi khoảng 60 triệu đồng. Ở đây, tất cả các hộ có quy mô nuôi trên 1.000 con gà đều dùng đệm lót sinh học”, ông Sơn nói thêm.

Cũng chăn nuôi gà, ông Lê Duy Đức ở thôn Tịnh Yên, xã Bình Nam (Thăng Bình) mỗi năm nuôi trên 30.000 con gà, thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Tất cả các chuồng gà của ông đều áp dụng đệm lót sinh học.

Ông Đức chia sẻ, ban đầu ông được chính quyền huyện Thăng Bình đưa đi tham quan mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học ở một số tỉnh phía Bắc. Ở đó, họ nuôi vài chục ngàn con gà nhưng mùi hôi thối rất ít. Ông học hỏi tỷ mỹ rồi về mở rộng quy mô chăn nuôi và áp dụng cách làm này.

Trên phần đất 2ha được huyện Thăng Bình cho thuê, ông đầu tư chăn nuôi gà kiểu gối đầu. Theo ông Đức, nuôi gà bằng đệm lót sinh học, tiết kiệm được khá nhiều thời gian, chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và gà nhanh lớn hơn.

“Nếu nuôi thường, gà từ lúc nhỏ đến xuất chuồng phải thay trấu 3 - 4 lần, nếu không chuồng nuôi hôi thối, dịch bệnh xuất hiện gây hại cho gà. Còn dùng đệm lót sinh học, gà từ lúc thả nuôi đến khoảng 1 tháng, dùng men vi sinh Balasa trộn với trấu 2 đêm rồi thả đều vào nền chuồng.

Men này sẽ diệt vi khuẩn, khử mùi hôi, đồng thời sau khi bán gà, hỗn hợp trấu - phân gà có thể bán cho bà con nông dân làm phân bón cho cây trồng rất có hiệu quả”, ông Đức nói.

Người dân làm đệm lót chăn nuôi heo

Cũng theo ông Đức, gà từ khi nuôi đến khi bán là 3 - 3,5 tháng với trọng lượng 1,5 - 2 kg/con, giá giao động từ 50.000 - 75.000 đồng/kg, tùy thuộc vào thời điểm bán. Cứ một tháng ông xuất bán trên 2.000 con với khoảng 3,5 tấn gà lông, trừ chi phí ông thu về gần 50 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, ông cũng nuôi thêm 20 con heo siêu nạc bằng đệm lót sinh học, hiện có 15 con đang trong thời kỳ sinh sản, giúp ông thu về hơn 100 triệu đồng/năm.

Tương tự, năm 2013, chị Lê Thị Cẩm, ở thôn Triều Châu, xã Duy Phước (Duy Xuyên) được hỗ trợ men vi sinh và cách làm đệm lót sinh sinh học. Chị biến diện tích chuồng nuôi 20m2 nuôi 15 con heo thịt nền tráng xi măng sang sử dụng đệm lót. Sau 3 tháng xuất chuồng, heo đạt trọng lượng bình quân 75kg.

Theo chị Lê Thị Cẩm, nuôi heo bằng đệm lót sinh học tiết kiệm được khoảng 80% chi phí điện nước do không phải tắm heo và dội chuồng, giảm được 60% công lao động. Đồng thời giảm chi phí thức ăn, các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp không xảy ra nên giảm chi phí thuốc men.

Trong thời gian nuôi, heo không bị bệnh hô hấp và tiêu chảy, không còn mùi thối của phân, nước tiểu, không tốn thời gian tắm rửa cho heo, chi phí tiền điện giảm mà heo vẫn tăng trọng tốt.

Lan tỏa nhanh, rộng

Ông Võ Văn Nghi, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, năm 2013, tỉnh sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi. Trung tâm thực hiện các mô hình đệm lót sinh học đối với gà và heo.

Trung tâm đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cho nông dân với quy mô 1.800 con heo/2.400m2 chuồng trại (bình quân 15 con/20m2) và 55.000 con gà/11.000m2 chuồng trại (bình quân 5 con/m2). Đây là mô hình có sức lan tỏa rất nhanh với hiệu quả rõ rệt.

“Ở Quảng Nam chăn nuôi gà quy mô lớn gần như 100% sử dụng đêm lót sinh học. Tuy nhiên, áp dụng đối với con heo đang gặp trục trặc, bởi vào mùa nắng nóng đang ở giai đoạn heo lớn, chất thải ra nhiều. Trong khi nhiệt độ tăng cao khiến vi sinh bị chết. Nhiệt độ chuồng nuôi tăng. Hiện chúng tôi đang tìm giải pháp chống nóng để khắc phục nhược điểm này”, ông Nghi nói.

Áp dụng lót sinh học trong chăn nuôi giảm ô nhiễm môi trường, vật nuôi ít dịch bệnh

Theo kết quả theo dõi của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam nhiều năm qua, việc áp dụng đệm lót trong chăn nuôi khiến mùi hôi thối gần như không còn, phân được xử lý triệt để, môi trường chăn nuôi sạch sẽ, giảm ruồi nhặng từ đó giảm được một số bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa cho vật nuôi.

“Tại các điểm triển khai cho thấy, tỷ lệ gà nuôi sống từ 90 - 95%. Chất đệm sau khi sử dụng được một số hộ dùng làm phân bón, chăn nuôi giảm 60% công lao động, hằng ngày chỉ tốn công cho đàn gà ăn uống, không phải dọn vệ sinh liên tục như trước, chỉ 2 ngày dùng cào đảo đều lớp phân trên bề mặt giúp men vi sinh hoạt động tốt hơn”, ông Nghi nói.

Huyện Thăng Bình là địa phương áp dụng đệm lót sinh học rộng rãi. Theo Phòng NN-PTNT, huyện đã khuyến khích, tập huấn người dân mở rộng mô hình. Đây là hướng đi chủ đạo của huyện nhằm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học giảm được nhiều chi phí

Ông Đinh Long Toàn, Phó phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh cho biết: Phương pháp này sẽ tạo cơ hội phát triển chăn nuôi gà ngay cả ở khu dân cư đông đúc. Gà được sinh trưởng khỏe mạnh, giảm rõ rệt công lao động cũng như tỷ lệ gà bị mắc bệnh, chi phí thuốc thú y; phù hợp với việc phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp sạch, bền vững.

“Bởi ứng dụng đệm lót sinh học sẽ giúp tiêu hủy hết chất thải, do đó sẽ không tạo ra mùi hôi thối, khí độc trong chuồng cũng như ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”, ông Toàn nói.

Hỗ trợ 50% chi phí làm đệm lót sinh học

Tháng 4/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định hỗ trợ 50% chi phí làm đệm lót sinh học cho các hộ gia đình để xử lý chất thải chăn nuôi.

Theo đó, quy mô chăn nuôi thường xuyên không ít hơn 200 con gia cầm sinh sản hoặc 500 con gia cầm thịt và tương đương, diện tích chuồng nuôi làm đệm lót sinh học tối thiểu 30m2. Mức hỗ trợ 25.000 đồng/m2 đệm lót nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/1 chuồng/1 hộ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/triet-tieu-mui-hoi-thoi-nho-dem-lot-sinh-hoc-post180643.html