Triệt tiêu động lực tham nhũng

Chống tham nhũng là cuộc chiến gay go, phức tạp. Có lẽ vì thế mà có lúc, có nơi do mất niềm tin nên người ta đã “né” tham nhũng, cho rằng không thể chống nổi. Tuy nhiên, xã hội đã được truyền cảm hứng, lấy lại niềm tin khi các vị lãnh đạo cao cấp của đất nước đưa ra những thông điệp mạnh mẽ đối với quốc nạn này. Cụ thể là sẽ tịch thu tài sản do tham nhũng mà có. Như vậy sẽ khiến cho tham nhũng mất động lực.

Huỳnh Thị Huỳnh Như trước tòa trong một vụ án tham nhũng lớn.

Trong nhiều phát biểu tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải có cơ chế và đấu tranh quyết liệt để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng. Chống tham nhũng không phải là việc “tắm từ vai trở xuống”, có nghĩa là tham nhũng ở bất cứ vị trí nào cũng sẽ bị trừng trị; người chống tham nhũng không chịu bất cứ áp lực của cá nhân, tổ chức nào; người tố cáo tham nhũng sẽ được bảo vệ. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bên cạnh việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo thì cũng chính là một Chính phủ liêm chính.

Tuy nhiên, các biện pháp để chống quốc nạn, chống giặc nội xâm mang tên tham nhũng hình như vẫn chưa đủ mạnh, nên tham nhũng vẫn tồn tại, biến tướng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tiếp tục làm nghèo đất nước, gây bức xúc xã hội. Bản chất của tham nhũng là chiếm đoạt tài sản của đất nước làm giàu cho cá nhân. Nói dễ hiểu thì đó là việc đục khoét tiền dân, tiền nước.

Kẻ tham nhũng vì thế bị gọi là giặc- giặc nội xâm. Khi giặc ngày một đông lên sẽ thành quốc nạn. Một người dẫu quyền cao chức trọng đến đâu, dù có tinh khôn đến đâu, ham hố đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể tự mình tham nhũng, mà phải có dây, có êkíp, tập hợp lại vì chung mục đích đục khoét, rút ruột công quỹ. Từ đó hình thành “nhóm lợi ích”. Lợi ích quá lớn nên chúng tạo ra những vỏ bọc kĩ lưỡng, khó bị phát hiện cũng như xử lý.

Khi bị phát hiện, điều đáng nói là những kẻ tham nhũng đã kịp thời tẩu tán tài sản. Vì thế, dù có bắt được kẻ tham nhũng, loại bỏ ra khỏi đội ngũ, hoặc bỏ tù đi chăng nữa thì tài sản của nước, của nhân dân vẫn bị mất. Kẻ tham những ít khi đứng tên mình về tài sản, tài khoản mà “chia” ra, “xé lẻ” số tiền chiếm đoạt được cho vợ/chồng, con cái, họ hàng, bạn bè, người thân, kể cả đã sang tên cho “bồ bịch” dưới nhiều hình thức.

Làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng công quỹ nhưng khi ra tòa thì trần ra cái người không, tiền bạc, tài sản không thấy đâu. Đã từng có trường hợp một giám đốc nọ bị kết án tù giam hơn 10 năm nhưng không có nhà, cũng không có nổi một triệu đồng trong nhà. Vậy, số tiền như núi kia biến đi đâu? Không lẽ đó là tiền ảo?

Cũng chính vì tài sản do tham nhũng mà có đã bị tẩu tán, xé lẻ, sang tên nên khó thu hồi. Vì thế, điều đặc biệt quan trọng là không làm cho kẻ tham nhũng run sợ. Mục đích đầu tiên và sau cùng của tham nhũng là tiền bạc. Tiền bạc không bị tịch thu cũng có nghĩa là mục đích ấy vẫn đạt được, động lực tham nhũng vẫn tồn tại. Không chỉ kẻ tham nhũng chấp nhận ngồi tù để bảo vệ tài sản bất minh có được, mà những kẻ có ý định tham nhũng cũng không biết sợ. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, nếu không giải quyết triệt để thì nạn tham nhũng vẫn hoành hành.

Về việc này, thiên hạ vẫn nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con”- một người bị mất chức, bị đi tù thì cả nhà vẫn sống khỏe, có khi còn sống khỏe đến mấy đời. Vì thế, tịch thu tài sản tham nhũng cần phải được làm mạnh mẽ, như một giải pháp đặc biệt trong cuộc đấu tranh cam go này.

Ngày 5/8, tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ, trả lời ý kiến cử tri về một số vụ tham nhũng cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đang chỉ đạo điều tra, làm rõ vụ việc, cùng với đó cũng sẽ xem xét lại những công trình gây lãng phí, đang “đắp chiếu”, việc sản xuất gây thua lỗ vốn nhà nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sẽ truy cứu trách nhiệm những cá nhân, tổ chức gây ra, “sẽ làm đến nơi đến chốn, không nửa chừng”.

Ngày 12/8 mới đây, làm việc với cán bộ chủ chốt Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch nước Trần Đại Quang- Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh: ngành Tòa án cần tập trung đổi mới các mặt công tác, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, bảo đảm xét xử chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng và mong muốn Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần kiên quyết trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, trả lại cho đất nước, cho nhân dân.

Trước đó, ngày 20/7, làm việc với Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, phải thu hồi triệt để tài sản tham nhũng để sung công quỹ; có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Như vậy có thể thấy, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Cuộc chiến ấy dù khó khăn, phức tạp nhưng sẽ thành công khi có những giải pháp đúng đắn, mạnh mẽ, trong đó có việc kiên quyết thu hồi tài sản do tham nhũng mà có- một cách triệt tiêu động lực tham nhũng.

Hà Trọng Nghĩa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/triet-tieu-dong-luc-tham-nhung/115649