Triển vọng sản xuất và xuất khẩu máy nông nghiệp

Quá trình xuất khẩu máy nông nghiệp ở Việt Nam chưa lâu, nhưng phát triển khá mạnh mẽ. Hai doanh nghiệp chủ lực trong xuất khẩu máy động lực và máy nông nghiệp ở Việt Nam là Công ty Vikyno và Vinapro.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam xuất qua đường chính ngạch mạnh nhất vào các nước: Philipin, Inđônêxia, Malaixia, Mianma. Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vào Thái Lan, Campuchia, Lào. Tại Nam Á, Việt Nam đã chiếm lĩnh được 50% thị trường máy kéo 2 bánh của Xrilanca. Sản phẩm này cũng đã tạo dựng được thương hiệu ở các nước: Iran, Iraq, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam đang kiến tạo thị trường mạnh mẽ tại nhiều nước châu Phi, châu Mỹ: Nigieria, Madagasca, Goatêmala, Panama, Chilê. Không chỉ hướng vào các nước đang phát triển, Việt Nam cũng đã thâm nhập vào nhiều nước phát triển: Mỹ, Canada, Pháp và đầu năm nay đã xuất 1 lô hàng vào Hàn Quốc. Đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng năm của VEAM (Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp) đạt hàng chục triệu USD, năm 2008 dự kiến đạt 80 triệu USD. Riêng máy nông nghiệp xuất khẩu luôn có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình là Công ty Vikyno: năm 2006 đạt 3,3 triệu USD; năm 2007 đạt 4,2 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2008 đạt 1,5 triệu USD. Những loại sản phẩm do Việt Nam sản xuất đang được ưa chuộng tại nước ngoài chủ yếu là động cơ diezen để gắn vào các máy nông nghiệp cỡ nhỏ, các loại máy phục vụ trong nông nghiệp: máy bơm nước, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, máy cày, máy xới, máy kéo, máy phát điện, máy xay xát... Các loại máy nông nghiệp cỡ nhỏ đang là thế mạnh của Việt Nam. Đó là các động cơ 1 xi lanh, công suất 10-50 mã lực, động cơ Diesel RV 165-2, máy bơm nước, máy phát điện, máy cày tay có công suất từ 7 đến 12 CV (mã lực)... đã được xuất khẩu trực tiếp sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất là Xrilanca. Đặc biệt, động cơ diezen RV 145 thế hệ mới công suất 14 CV có khả năng chịu tải lớn, sử dụng hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp, hệ thống tản nhiệt hiệu suất cao, kết cấu gọn, dễ dàng kiểm tra nhớt mà không cần mở nắp, đang được rất nhiều nước đặt hàng. Tại miền Bắc, thị trường máy nông nghiệp vẫn bị thất thế bởi các loại máy của Trung Quốc. Máy của Trung Quốc tuy chất lượng kém, nhưng giá bán thấp hơn nhiều, lại có mẫu mã đẹp. Đảm nhiệm thị trường phía Bắc là Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp Bông Sen hoạt động kém hiệu quả, mẫu mã chưa đẹp nên rất khó cạnh tranh. Trên thị trường quốc tế, những nước mà người dùng các loại máy chất lượng tốt, nguồn gốc từ Nhật Bản, đều ưa thích máy của Việt Nam. Trong tâm lý tiêu dùng sản phẩm máy nông nghiệp của các nước đang phát triển, có 3 dòng máy: Máy Trung Quốc là sản phẩm rẻ tiền, chất lượng thấp; Máy Nhật Bản là sản phẩm chất lượng cao, đắt tiền; Máy Việt Nam có chất lượng cao hơn máy Trung Quốc, nhưng lại rẻ hơn máy của Nhật Bản. Việt Nam đã chọn hướng đi giữa 2 loại máy, nhờ vậy mà đang chiếm lĩnh được thị phần trên thế giới. Thị trường sản phẩm máy nông nghiệp thế giới vô cùng rộng lớn, tuy Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, nhưng thị phần còn quá nhỏ. Các nước châu Âu đã có trình độ và quy mô vượt xa, họ sản xuất và kinh doanh những máy động lực cỡ lớn, đa năng, hiện đại, công suất hàng trăm đến hàng ngàn mã lực. Các nhà máy của Trung Quốc cũng có quy mô khổng lồ, mỗi nhà máy sản xuất hàng triệu chiếc máy/năm. Theo quy hoạch ngành đến năm 2015 (Quyết định số 02/2008/QĐ-BCT), ngành sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp sẽ cơ bản hình thành mạng lưới sản xuất lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho ngành trên cả 3 miền; tập trung giải quyết những khâu cơ bản là đúc, rèn phôi, nhiệt luyện, kiểm tra chất lượng sản phẩm; đầu tư đúng mức cho công nghiệp sạch. Ngành phấn đấu giành lại phần lớn thị phần trong nước đối với các loại động cơ diesel cỡ trung và nhỏ, động cơ xăng công suất nhỏ, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Sau năm 2015, có thể sản xuất được các sản phẩm trình độ cao như bơm dầu, vòi phun cao áp và động cơ đa hệ nhiên liệu. Đối với máy nông nghiệp, sản xuất đủ nhu cầu trong nước loại máy kéo 2 bánh 12 CV, bước đầu sản xuất loại máy kéo 4 bánh từ 18 - 25 CV. Sau năm 2015, sẽ hiện đại hóa phần lớn sản phẩm máy nông nghiệp, chuẩn bị đủ điều kiện sản xuất máy có ứng dụng cơ điện... Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, đưa sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp thành ngành sản xuất mạnh của Việt Nam và trong khu vực, quy hoạch đã đưa ra 7 nhóm giải pháp chính. Trong đó, đối với giải pháp về thị trường, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường, lựa chọn một số sản phẩm mũi nhọn để có kế hoạch nhập mẫu, chế tạo thử nghiệm, đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu mạnh. Về đầu tư, sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn cũng như các dự án sản xuất máy nông nghiệp thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn. Trong khuôn khổ quy định và lộ trình hội nhập cho phép, có giải pháp ưu tiên cho các cơ sở sản xuất trong nước được nhận các hợp đồng cung cấp máy nông nghiệp theo hình thức tổng thầu đối với các dự án xóa đói giảm nghèo, thuộc vùng sâu vùng xa, trồng và chăm sóc rừng trồng... Để tiến tới thành lập tập đoàn sản xuất - kinh doanh máy động lực, máy nông nghiệp đa ngành, giải pháp đưa ra là củng cố các Tổng công ty nhà nước để có thể đảm nhiệm tốt vai trò định hướng chủ đạo; phát triển mô hình công ty mẹ-công ty con, chuyển dần một số doanh nghiệp sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp thuộc địa phương thành công ty con hoặc doanh nghiệp vệ tinh của các công ty lớn; đồng thời, đẩy mạnh việc cổ phần hóa để đa dạng hóa nguồn vốn sở hữu.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/xuat-nhap-khau/tin-tuc/12157-trien-vong-san-xuat-va-xuat-khau-may-nong-nghiep