Triển lãm nghệ thuật tái chế “NGƯỚC 1980s”: Ai cũng có một nơi để về

Ai cũng có một nơi để quay trởvề, và có ít nhất một khoảng thời gian trong đời để muốn trở lại, đó chính là tuổi thơ. Triển lãm Tái chế Nghệ thuật 1980s của dự án Ngước chính là cỗ máy thời gian sẽ đưa người xem về với tuổi thơ thời bao cấp giản đơn, mộc mạc mà đầy ắp những kỉ niệm khó phai mờ.

Vào ngày 1/10 vừa qua, Triển lãm Tái chế Nghệ thuật 1980s đã chính thức diễn ra tại Rạp Công Nhân – 42 Tràng Tiền (Hà Nội).

Sau suốt 3 tháng miệt mài với tình yêu nghệ thuật, triển lãm đã chính thức mở cửa đón khách đến tham quan các sản phẩm tái chế từ những đồ phế liệu, giấy báo vụn… mà chính thành viên của dự án làm ra. Những sản phẩm: xe đạp khung, máy đánh chữ, ti vi đen trắng, đèn ông sao, con lật đật, khay bánh mứt kẹo ngày tết, chiếc quạt con cóc, đài radio, chiếc diều khung tre tự làm… gợi nhớ về cái thời bao cấp những năm 80 (1976 - 1986).

Những hình ảnh tái hiện thời kỳ bao cấp

Không gian triển lãm được thu gọn trên mặt bằng khoảng 100 mét vuông, được chia thành ba không gian chính, gồm các “khu phố” Ngoảnh, phố Ngước và phố Ngóng – tựa như quá trình lãng quên, sực nhớ và khắc khoải về một thời kỳ xưa cũ đã qua.

Khu phố mang tên Ngóng – nơi trưng bày những kỉ vật gắn liền tuổi thơ trẻ em cùng những ngày lễ đặc trưng trong năm

Phố Ngước – khoảng không gian trưng bày các sản phẩm được chế tác vô cùng đẹp mắt từ các vật liệu phế thải.

Khu phố Ngoảnh

Điều bất ngờ là, những thành viên trong ban tổ chức lại chủ yếu là các bạn học sinh ở lứa tuổi rất trẻ, thuộc thế hệ “2k” – thế hệ may mắn sinh ra trong thời kì hòa bình, ấm no, kinh tế dư dả, khi tiếng súng đã không còn nổ, tiếng bom đã không còn rơi. Đối với các bạn, khái niệm “bao cấp” quả là một điều vô cùng khó mường tượng.

Trưởng ban truyền thông của dự án Ngước, bạn Thu Huyền, sinh năm 2000 cho biết: “Đều là những người còn rất trẻ, chúng em chỉ được nghe về thời kỳ này qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Đây cũng là thời kỳ không thể quên trong lịch sử. Chúng em muốn hướng về quá khứ, tìm hiểu về thời kỳ những thế hệ đi trước từng trải qua, và thể hiện những điều mình biết được qua triển lãm lần này”.

Quầy hàng trưng bày các sản phẩm đầu tay của các thành viên NGƯỚC

Các du khách nước ngoài thích thú khi được nghe thuyết minh về một thời đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

Các bạn học sinh chăm chú tham quan các sản phẩm tái chế

Với suy nghĩ đó, các bạn trẻ đã tìm cách tái hiện lại thời kỳ này qua một cái nhìn mới, nghệ thuật tái chế, đưa ra thông điệp tích cực đối với ý thức bảo vệ môi trường. Không chỉ có các sản phẩm trưng bày, tại triển lãm, khách tham quan còn có thể chọn mua một số sản phẩm thủ công, handmade thú vị, đáng yêu như sổ tay, mặt nạ giấy bồi, cốc nhựa, chậu hoa, khung tranh bằng báo cũ…cũng do chính các thành viên ban tổ chức tự tay làm ra. Ngoài ra, họ còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đậm chất Việt như bánh trung thu, tào phớ, sữa đậu nành…

Tuy nhiên, có một điều thú vị là nếu muốn mua hàng, quan khách sẽ phải đổi “tem phiếu” tại quầy bên ngoài, rồi dùng phiếu này để đổi lấy hàng hóa, giống như cách mua bán đặc trưng của thời bao cấp. Toàn bộ lợi nhuận thu được sẽ dành để giúp đỡ các trẻ em hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 3.

Không gian hàng quán xưa cũ được tái hiện qua Cửa hàng mậu dịch và gánh tào phớ thân thuộc

Các sản phẩm bày bán cho khách tham quan

Những chiếc tem phiếu ngày xưa được cách điệu để làm đơn vị mua hàng

Dẫu còn nhiều thiếu sót trong tổ chức,mộtsản phẩm làm ra vẫn còn vụng về, song triển lãm là một cái nhìn đầy lạc quan thay đổi định kiếnvề giới trẻ hôm nay, những người vốn bị coi là một thế hệ “được nuông chiều”, “dở” lịch sử, không hiểu quá khứ hay thấu đáo nỗi nhọc nhằn của thế hệ đi trước. Giới trẻ không lảng tránh cái chuyện “ngày xửa ngày xưa” ấy, chỉ có điều, cách “kể chuyện” của thế hệ trước dành cho thế hệ sau như thế nào cũng quyết định sự hứng thú và mối quan tâm liên kết quá khứ - hiện tại - tương lai của họ.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-sang-tao/trien-lam-nghe-thuat-tai-che-%e2%80%9cnguoc-1980s%e2%80%9d-ai-cung-co-mot-noi-de-ve