Triển lãm Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa

Chiều 4/9 tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Triển lãm "Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa Việt Nam" đã chính thức được khai mạc.

Buổi lễ do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; nhiều tướng lĩnh quân đội và công an; đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành hữu quan của Trung ương và Hà Nội. Triển lãm tập trung giới thiệu ba nội dung chính: Việt Nam - Đất nước và con người; Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa Việt Nam; Thăng Long-Hà Nội ngày nay. Với hơn 500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh; đặc biệt có nhiều hiện vật gốc quý hiếm, có giá trị phản ánh những nét khái quát về đất nước, con người Việt Nam, về lịch sử giữ nước và dựng nước hàng nghìn năm của dân tộc theo trình tự của không gian Triển lãm. Thời kỳ dựng nước (thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên) gắn với thời Hùng Vương xây dựng nhà nước Văn Lang; An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc được giới thiệu thông qua các hiện vật thời kỳ Văn hóa Đông Sơn như: trống đồng, thạp đồng, thồ đồng, các loại rìu, dao găm, mũi giáo… Thời kỳ đấu tranh chống Bắc thuộc, tiêu biểu với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40), cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (năm 248), khởi nghĩa của Lý Nam Đế dựng nước Vạn Xuân (thế kỷ thứ 6). Thời kỳ độc lập tự chủ và các triều đại phong kiến Việt Nam, mở dầu là chiến thắng Bạch Đằng năm 938 gắn với tên tuổi người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền thông qua giới thiệu một số hiện vật: Sắc phong của Vua Tự Đức năm 1880 ban sắc cho 17 xã và 6 tổng của Hải Phòng thờ Ngô Quyền. Triển lãm cũng dành một không gian trang trọng giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về thân thế và sự nghiệp của Vua Lý Thái Tổ; nổi bật là sự kiện mùa Thu năm 1010, Lý Thái Tổ viết Thiên Đô Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Triển lãm cũng đưa ra những nét khái quát nhất về thân thế, sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử bằng hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu như: Bản khắc gỗ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt; những câu văn bất hủ trong "Hịch tướng sĩ" của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; những chiếc cọc trên sông Bạch Đằng năm 1288; Bản dập văn bia Vĩnh Lăng thế kỷ 15 ca ngợi Lê Lợi… Đặc biệt, Triển lãm dành một không gian trang trọng giới thiệu những tư liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ chí Minh - Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam như: Bản gốc tập “Nhật ký trong tù”; bức tranh "Bác Hồ với thiếu nhi Bắc-Trung-Nam" vẽ bằng máu của họa sỹ Diệp Minh Châu năm 1947; bản thảo các bài viết của Người trên giấy tận dụng… Phần 3 của Triển lãm giới thiệu với người xem một số hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về những nét Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế; Hà Nội với con người thanh lịch; Hà Nội-Thành phố vì Hòa bình là lời kết của Triển lãm. Bên cạnh ý nghĩa là một trong những hoạt động chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Triển lãm như một lời tri ân của thế hệ hôm nay đến các bậc Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa Việt Nam trong lịch sử./. Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/trien-lam-anh-hung-dan-toc-va-danh-nhan-van-hoa/201010/62703.vnplus