Triển lãm '3 Phố': 'Khuôn phép' và tự do trong tình yêu

Triển lãm tranh - gốm chủ đề về phố của 3 họa sĩ Hà Nội (Lê Thiết Cương, Phạm Trần Quân, Phương Bình) với khoảng 20 tác phẩm ra mắt công chúng vào ngày 8.10.2016 tại Gallery 39, 39A, Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tranh của Lê Thiết Cương.

Khai thác một đề tài không mới (nếu không muốn nói là cũ) nhưng mỗi họa sĩ thông qua ngôn ngữ hội họa đã tạo ra những hình ảnh, màu sắc riêng cho phố của mình. 20 tác phẩm là những lát cắt thời gian và không gian Hà Nội được phơi lộ, chồng đè qua cách nhìn, lối cảm của từng họa sĩ. “3 phố” nhưng không giới hạn hay dừng chân ở một đường phố cụ thể nào, mà là ba lối phố “đi” bằng con đường hội họa. Các họa sĩ dành sự yêu mến cho Hà Nội, một cách lặng lẽ, song người xem cũng đủ thấy ở đó những bâng khuâng, hoài niệm, những khoảng lặng mơ hồ, dù rằng phố Hà Nội giờ đã khác nhịp, đổi thay.

Giấu tiếng thở dài bởi sự đổi thay của Hà Nội, vẽ sơn dầu hay vẽ trên giấy dó, phố của họa sĩ Phương Bình ẩn chứa trong đó cả sự mâu thuẫn, đối nghịch. Phố cũ trong tranh của chị, với lối vẽ loang nhòe, nhiều nét rơi chảy phóng khoáng vừa như bị che phủ, vừa như “đang chạy trốn” hiện tại, vừa như sắp tan biến trước hiện tại. Người xem luôn có cảm giác chị đang nhìn ngắm Hà Nội qua một ô kính, một khuôn cửa nào đó dây đầy vệt sơn trắng hay vệt nước mưa. Qua ô cửa đó, phía bên kia, những mái nhà thờ, những ngôi nhà mang gam màu trầm không rõ ràng đường nét hiện ra như một minh chứng, như một sự giằng xé đòi dứt phá.

Tranh của Phương Bình.

Khác với Phương Bình, họa sĩ Phạm Trần Quân có cái nhìn hiện thực hơn, cho dù tranh anh không đi theo lối tả thực. Anh gây ấn tượng thị giác bằng những đường nét chia cắt, đan xen, chồng chéo, những mảng màu trộn lẫn để làm nổi lên một chân dung phố khác: Đầy mảnh nối, mảng ghép, chật chội, bức bối. Cách giải quyết bằng hội họa của anh, một cách ngẫu nhiên tương đồng, khiến người xem liên tưởng đến hình ảnh một Hà Nội đang cơi nới từ bên trong từng ngôi nhà và bao phủ chúng là vô số những đường dây điện chằng chịt, lắt léo. Cho dù tạo hiệu ứng bóng đổ, nhưng phố anh vẽ không phải một sự soi gương thơ mộng, với anh nó “như một cái giật mình, có lúc mê mải, có lúc hoang đường” trừu tượng mà vẫn hiện thực trước mắt.

Nhất nguyên với hình thức tối giản, phố của họa sĩ Lê Thiết Cương thêm một lần tối giản nữa so với những bức tranh phố trước đây anh vẽ Hà Nội. Họa sĩ đã bỏ hết những nét vốn để người xem có thể tưởng tượng ra “đây cái cửa ra vào, kia cái cổng hay cái cửa sổ” chỉ giữ lại cái bóng căn nhà phố cổ với hai mẫu đấu nhà ở đầu hồi. Phố với anh, “gần như chỉ còn là cái cớ” để buồn, để nhớ những gì Hà Nội đã mất. Phố của anh là hoài niệm về một “thực tế của thời quá khứ”, là kỷ niệm, là vẻ đẹp, là sự níu kéo không gian Hà Nội xưa trong tâm tưởng đời sống hiện đại. Xét cho cùng, cái nhìn đó, tình yêu tưởng như “cực đoan” đó lại có lý lẽ riêng của chúng.

Tranh của Phạm Trần Quân.

Như vậy là, với những những lát cắt riêng - rời về Hà Nội, các bức tranh - gốm chủ yếu vẽ phong cảnh nhưng đặt cạnh nhau đã ít nhiều nói lên đời sống Hà Nội. Một đời sống đã khác đi ở bề mặt song người ta vẫn có thể cảm nhận sự thay đổi ở bên trong lòng nó. Chính con người đã tạo ra sự thay đổi đó, có thể do vô tình hay hữu ý, nhưng cũng có những con người khác, vì nặng lòng với vẻ đẹp đã từng có ở Hà Nội mà mang tình yêu đó vẽ lên tranh. Khó có thể nói thứ tình cảm đó “khuôn phép” hay tự do, giống như hội họa vậy, nhưng người ta được quyền chọn điều mà người ta yêu mến.

Triển lãm tranh - gốm chủ đề về phố của 3 họa sĩ Hà Nội (Lê Thiết Cương, Phạm Trần Quân, Phương Bình) với khoảng 20 tác phẩm ra mắt công chúng vào ngày 8.10.2016 tại Gallery 39, 39A, Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

HẢI AN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/trien-lam-3-pho-khuon-phep-va-tu-do-trong-tinh-yeu-600012.bld