Triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Theo ông Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên, hiện nay, trên địa bàn có 3.254 người nhiễm HIV còn sống; 9.432 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Điện Biên là một trong những tỉnh có lũy tích người nhiễm HIV cao nhất cả nước.

Người nhiễm HIV/AIDS được cấp phát thuốc điều trị methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: HB

Nhằm tăng cường can thiệp giảm thiểu lây nhiễm, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như Chương trình Trao đổi bơm kim tiêm và khuyến khích sử dụng bao cao su đối với các nhóm có hành vi nguy cơ cao… Trong năm 2016, Điện Biên sẽ cấp phát 3,65 triệu bơm kim tiêm, 1,2 triệu bao cao su cho các đối tượng trên.

Một giải pháp được ghi nhận đem lại hiệu quả thiết thực nhất đối với việc tiếp cận, vận động người nhiễm HIV, người nghiện ma túy tự nguyện đến các cơ sở y tế xét nghiệm, điều trị methadone là phát huy sức mạnh lực lượng y tế thôn, bản, đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhóm tự lực của dự án USAID/SMARAT TA. Đây là lực lượng gần gũi, thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người nhiễm HIV và nghiện ma túy, đồng thời là những người trực tiếp cấp phát, thu gom, tiêu hủy bơm kim tiêm bẩn.

Ngoài ra, Điện Biên đã phát huy hiệu quả Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn 130 xã, thị trấn.

Đặc biệt, ngành Y tế Điện Biên đã tập trung nhân lực, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động của 9 cơ sở điều trị, 27 cơ sở cấp phát thuốc methadone. Tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai 3 phòng xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Thường xuyên tổ chức truyền thông về tác hại của ma túy và hiểm họa của HIV/AIDS đến địa bàn các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực biên giới. Gắn với công tác tuyên truyền, Trung tâm đã thành lập nhiều lượt tổ công tác trực tiếp tư vấn xét nghiệm và điều trị ARV lưu động, trong đó ưu tiên địa bàn các xã khó khăn, có nhiều người nghiện ma túy, nhiễm HIV.

Ông Hoàng Xuân Chiến cho biết: Do triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đến nay, Điện Biên đã có trên 4.000 người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; gần 2.800/3.254 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV (đạt 85,8%); 3.200 người duy trì điều trị ARV ít nhất 12 tháng.

Thu gom bơm kim tiêm để tiêu hủy. Ảnh: HB

Huyện Tuần Giáo là địa bàn trọng điểm về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS của tỉnh Điện Biên. Theo số lũy tích, Tuần Giáo có gần 1.300 người nhiễm HIV, trong đó đã có 534 người chết do AIDS. Trên địa bàn huyện có trên 750 người tiêm chích ma túy, trong đó có khoảng 30% nhiễm HIV. Từ năm 2009, Trung tâm Y tế Tuần Giáo đã thực hiện cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV. Năm 2012 tổ chức triển khai chương trình điều trị methadone. Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện đang cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS cho trên 460 người. Phần lớn số người nhiễm HIV được điều trị methadone đã hồi phục sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.

Huyện Điện Biên, ngoài cơ sở điều trị methadone tại Trung tâm Y tế còn 11 điểm cấp phát thuốc vệ tinh tại 11 xã. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, phòng khám ngoại trú, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận gần 1.000 người nghiện đến cai nghiện bằng methadone. Đây là con số ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên trong công tác tuyên truyền, vận động cai nghiện.

Thực tế cho thấy, số người sau cai nghiện thành công, tái nghiện khá cao. Lý do, người cai nghiện không kiên trì, không uống đủ liều, có người trong thời gian điều trị methadone vẫn sử dụng ma túy. Yếu tố quan trọng nhất là môi trường sống của người cai nghiện không “sạch”.

Hiệu quả có khả quan, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Điện Biên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, kinh phí chương trình mục tiêu bị cắt giảm; các nguồn viện trợ nước ngoài hạn chế; ngân sách tỉnh đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn hẹp. Trong khi bệnh nhân HIV/AIDS phần lớn là nghèo, không có công ăn việc làm ổn định, vì vậy không có tiền để mua thuốc điều trị và thanh toán các khoản chi phí liên quan đến điều trị.

Được biết, từ ngày 1/6/2016, tất cả cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn Điện Biên bắt đầu triển khai khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT. Họ sẽ được hưởng nhiều lợi ích trong dịch vụ y tế, như: khám bệnh, mua thuốc ARV, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai.

Hồng Bài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/trien-khai-hieu-qua-hoat-dong-phong-chong-hivaids_t114c9n110560