Triển khai hiệu quả các D.A viện trợ nước ngoài

Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên - Huế Trần Công Phú, tỉnh đã tổ chức triển khai có hiệu quả các dự án (D.A) viện trợ nước ngoài.

Điển hình là D.A viện trợ không hoàn lại "Kết hợp sinh kế trong quản lý bệnh trầm cảm có hiệu quả tại tỉnh Thừa Thiên - Huế" do Tổ chức BasicNeeds (Vương quốc Anh) tài trợ với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng, thực hiện từ năm 2017 - 2019. Mục tiêu của D.A là tăng cường cung cấp và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân trầm cảm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các hoạt động chính của D.A là thành lập hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần và phát triển dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực cho đối tác (y tế, phụ nữ, bệnh nhân trầm cảm) để hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần và xã hội; nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho các bên liên quan, người dân trong cộng đồng; cung cấp dịch vụ có chất lượng cho bệnh nhân trầm cảm thông qua cách tiếp cận mô hình dựa vào cộng đồng; mô hình sức khỏe tâm thần và phát triển được đánh giá, chứng minh có hiệu quả và được giới thiệu rộng rãi.

Hiệp hội Bretagne - Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho tỉnh D.A "Xây dựng các công trình khí sinh học (hầm biogas) cho 23 hộ dân sống tại xã Vinh Phú và thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế". D.A có tổng vốn đầu tư gần 400 triệu đồng. D.A được thực hiện nhằm xử lý chất thải từ chăn nuôi góp phần cải thiện môi trường, phát triển kinh tế hộ gia đình; nâng cao năng lực quản lý D.A cho cán bộ cấp huyện và cấp xã được giao trách nhiệm theo dõi D.A, nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường sống.

Tổ chức rà phá bom mìn Đan Mạch (DDG) và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức ký biên bản ghi nhớ về D.A "Giảm thiểu nguy cơ bom mìn còn sót lại tại tỉnh Thừa Thiên - Huế". D.A do Đại sứ quán Nhật Bản và Quỹ A.P. Moller Support Foundation (Đan Mạch) tài trợ.

D.A có nguồn tài trợ khoảng 1,2 triệu USD (tương đương 27 tỷ đồng Việt Nam), thực hiện trong hai năm (2017 - 2019). Địa bàn triển khai tại 10 xã của huyện A Lưới và các khu vực được ưu tiên khác theo đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đó, DDG và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng thiết lập mối quan hệ hợp tác để xử lý các vật liệu nổ còn tồn đọng sau chiến tranh, góp phần nâng cao an toàn cho con người và phát triển kinh tế - xã hội tại các cộng đồng bị ảnh hưởng thông qua việc thực hiện chương trình rà phá bom mìn nhân đạo (HMA).

Quốc Việt

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/trien-khai-hieu-qua-cac-da-vien-tro-nuoc-ngoai_t114c1068n120680