Triển khai các giải pháp khởi kiện, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

Đến 15/11, kế hoạch thu hồi nợ bảo hiểm mới đạt 78%, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn làm cho các công cụ, biện pháp thi hành pháp luật chưa nghiêm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

“Đến nay, chưa có vụ kiện nào được tổ chức công đoàn khởi kiện” – đây là một thực tế được Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết tại Hội nghị triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức sáng 16/11.

Mặc dù, các công cụ pháp lý đã được trao đầy đủ cho tổ chức công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chỉ đạo các đơn vị trong ngành ký kết quy chế và triển khai công tác khởi kiện, tuy nhiên đến nay vẫn còn 16 địa phương chưa ký kết quy chế này và thực tế, việc khởi kiện chưa được thực hiện.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu, đến 31/10, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố là 14.237 tỷ đồng, (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước), chưa kể số nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ trốn, nợ của hai Tập đoàn Vinashin và Vinalines.

Đến 15/11, kế hoạch thu mới đạt 78%, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn làm cho các công cụ, biện pháp thi hành pháp luật chưa nghiêm. Ông Liệu cho rằng công cụ đã được nhà nước trao nhưng công tác triển khai muộn và chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

“Hơn 10 tỉnh chưa ký chương trình phối hợp là chưa chấp hành chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Trên tổ chức mà dưới chưa thực hiện được, phải phê bình” – ông Liệu thẳng thắn nói.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết đã ban hành hướng dẫn công đoàn tiến hành khởi kiện vi phạm về Luật công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật an toàn vệ sinh lao động; phối hợp với tòa án trong thụ lý các vụ án khởi kiện; phối hợp với Bảo hiểm xã hội ký kết chương trình liên tịch trong việc khởi kiện các vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn chọn 15 tỉnh, thành phố có đông lao động, quan hệ lao động phức tạp thí điểm xúc tiến phối hợp với Bảo hiểm xã hội tiến hành khởi kiện. Vừa qua, đoàn giám sát liên ngành gồm Thanh tra Chính phủ, MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Qua giám sát, Đoàn giám sát liên ngành yêu cầu Liên đoàn Lao động 3 địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện ngay những doanh nghiệp có số nợ lớn, dài ngày.

Tính đến 13/11, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ 91 đơn vị sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội cho công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (trong đó nhiều nhất là của Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên 51 hồ sơ, Nam Định 9 hồ sơ), tổ chức công đoàn đã tiếp nhận 71 hồ sơ. Tuy nhiên, tổ chức công đoàn chưa thực hiện vụ khởi kiện nào ra Tòa án.

Tại Hội nghị, nhiều địa phương đã giải thích các lý do chưa khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp vi phạm và khẳng định sẽ sớm triển khai việc khởi kiện ra tòa những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Ông Mai Đức Chính đề nghị các địa phương ngay trong tháng 12/2016 phải tiến hành khởi kiện từ 5-7 doanh nghiệp có số nợ đọng kéo dài./.

>>> Hà Nội sẽ khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trien-khai-cac-giai-phap-khoi-kien-thu-hoi-no-bao-hiem-xa-hoi/28833.html