Trị viêm da, lở loét mùa mưa lũ nhanh chóng nhờ bài thuốc phổ biến dưới đây!

Viêm da, lở loét thường do liên cầu trùng gây nên. Có thể chữa bệnh này bằng một số loại thảo dược dễ kiếm như lá trầu không, lá chó đẻ răng cưa, cây vòi voi...

Khi vào mùa mưa bão, tình trạng ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi để bệnh tật phát sinh, phát triển, trong đó phải kể đến một số bệnh lý thường gặp như nấm kẽ chân, viêm da, mẩn ngứa, tiêu chảy, đau mắt đỏ... do điều kiện vệ sinh kém, chủ quan bệnh.

Dưới đây là bệnh viêm da, lở loét thường gặp trong mùa mưa bão và bài thuốc điều trị để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

Viêm da, lở loét và bưng mủ.

Viêm da, lở loét là một trong những bệnh do liên cầu trùng gây nên. Những vết viêm da thường lan rộng, chảy nước khiến người bệnh đau đớn, khó chịu. Ngoài ra những vết thương này có thể để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tự tin của người bệnh.

Bên cạnh các loại thuốc kem bôi bên ngoài, thuốc uống từ các loại thuốc tân dược hiện tại. Bạn có thể tìm hiểu và chữa bệnh này bằng một số loại thảo dược quen thuộc, dễ kiếm như lá trầu không, lá chó đẻ răng cưa (diệp hạ châu), cây vòi voi, sài đất…

Thuốc rửa

Nước tắm rửa hàng ngày dùng một trong những thứ lá sau: Trầu không, lá sói, lá mỏ quạ, lá bồ giác, lá mần tưới, lá ba chạc. Rửa sạch, đổ ngập nước, cho thêm 20 g phèn chua, dùng nước này tắm rửa hết mủ nhớt ở chỗ viêm loét, sau đó thấm khô vết thương, bôi thuốc bên ngoài.

Thuốc bôi ngoài

Thồm lồm 20 g, lá trầu không, lá cóc mẳn, lá bồ cu vẽ, lá đuôi phượng, lá chó đẻ răng cưa, lá mỏ quạ mỗi thứ 10 g. Tất cả các loại lá rửa sạch, ngâm nước muối 1%. Sau đó cho vào cối giã nát, càng nhuyễn càng tốt, dùng gạc vải, vắt lấy nước. Dùng dung dịch hỗn hợp này bôi lên mụn loét ngày 10 lần. Trong bài thuốc này, cây thồm lồm, trầu không nhất thiết phải có vì nó có tác dụng làm mau lành vết loét.

Cây thồm lồm.

Thồm lồm còn có tên gọi khác là: Đuôi tôm hoặc Lá lồm, là cây bụi, sống dai, thân tròn nhẵn, phân cành nhiều. Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng, mặt trên lá thường có vết rám đen hình chữ V. Cụm hoa mọc ở đầu ngọn thành xim, các xim lại tụ họp thành chùy tròn. Hoa màu trắng hoặc hồng. Quả hình chóp, ba cạnh, khi chín có màu đen.

Toàn cây và lá được dùng làm thuốc, thành phần hóa học chính là Tinh dầu và flavonoid.

Xem thêm: Cẩn trọng bệnh viêm da, nổi mề đay, nấm chân tay do tiếp xúc nước mưa và lội nước ngập

Thuốc uống

Bài thuốc 1: Kim ngân hoa, cỏ chỉ thiên, dây thồm lồm, lá cối xay, sài đất mỗi thứ 16 g. Các loại lá rửa sạch, đổ 3 bát nước, sắc lấy 1 bát chia 2-3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc 2: Vòi voi, bồ cu vẽ, sài đất mỗi thứ 16 g; đơn mặt quỷ 12 g, đơn đỏ 12 g. Các loại lá rửa sạch, đổ 3 bát nước, sắc lấy 1 bát chia 2-3 lần uống trong ngày. Kết hợp điều trị với luộc quần áo khi thay. Trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa da liểu để có phác đồ điều trị kịp thời.

T/h

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/thuoc/tri-viem-da-lo-loet-mua-mua-lu-nhanh-chong-nho-bai-thuoc-pho-bien-duoi-day-73834