Tri ân những người có công với đất nước

Hội nghị người có công tiêu biểu toàn quốc năm nay quy tụ 700 gương mặt là thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công đại diện cho hàng triệu người có công trong cả nước. Họ biểu tượng cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó của những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu, mà còn đi đầu trong công cuộc làm giàu, xây dựng đất nước.

Những gương mặt người có công tiêu biểu của đất nước.

Hội ngộ những anh hùng

Trong sự kiện trọng thể tôn vinh những người có công tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7 tại Hà Nội, rất dễ gặp lại nhiều gương mặt anh hùng đến từ các vùng, miền của Tổ quốc.

Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu, 86 tuổi, người từng chặt đứt cánh tay để tham gia chiến đấu chống giặc Pháp tại trận chiến cứ điểm Đông Khê, chiến dịch Biên giới năm 1950. Người thanh niên dân tộc Tày từ tỉnh Cao Bằng 16 tuổi đã vào bộ đội, tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt. Trận nào cũng thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, dũng cảm, kiên quyết vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhân dân từ năm 1952, khi chỉ vừa 30 tuổi.

Đó là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thanh Tùng (bí danh Nguyễn Thị Điểm), 87 tuổi, cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng Gia Định - Sài Gòn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bố mẹ và tám người anh của Mẹ Tùng lần lượt hy sinh. Từ năm 11 tuổi, Mẹ đã làm giao liên cho các cơ sở cách mạng. Lớn lên, Mẹ tham gia vào Mặt trận Dân tộc giải phóng và công tác trong đội biệt động thành Sài Gòn. Rồi Mẹ lập gia đình, sinh được hai người con trai là Phạm Quốc Nam và Phạm Quốc Trung. Cuối năm 1967, chồng mẹ Tùng hy sinh. Đến tháng 4 năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Mẹ lại thêm muôn phần đau đớn khi cả hai người con trai đều hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc, nơi cửa ngõ Sài Gòn, khi giờ phút chiến thắng đang đến rất gần. Với ý chí và nghị lực phi thường, Mẹ nuốt nước mắt để tiếp tục cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, cùng tổ chức củng cố và xây dựng lực lượng, phát triển phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang chiến đấu trên các mặt trận để hướng tới Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thanh Tùng.

Ra Hà Nội lần này còn có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Văn Méo (bí danh Đinh Ka Méo), người dân tộc H'Rê, là xã đội trưởng tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã cùng đồng đội trực tiếp bắn rơi ba máy bay địch cùng nhiều chiến công xuất sắc khác. Ông là tấm gương tiêu biểu cho tình đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc anh em, là một trong 108 đại biểu người dân tộc thiểu số của Hội nghị năm nay.

Anh hùng Trần Trọng Can đến từ huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nhập ngũ khi 19 tuổi, ông vào chiến trường miền nam chiến đấu trong biên chế Trung đoàn 246 trực thuộc mặt trận Khe Sanh - Đường 9 Quảng Trị. Ông đã chiến đấu liên tục tại chiến trường Quảng Trị, tham gia nhiều chiến dịch như chiến dịch Khe Sanh năm 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch giải phóng Quảng Trị đầu năm 1972, chiến dịch 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 trên hướng Trị Thiên - Huế. Tháng 3 năm 1969, ông cùng đồng đội bắn rơi hai máy bay Mỹ, được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường. Ở chiến trường, ông là người chiến sĩ dũng cảm, nhiều thành tích, không ngại hy sinh gian khổ nên đã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày thống nhất Tổ quốc, ông trở về địa phương, là thương binh 2/4, với mức thương tật 61%.

Một điểm chung của những người anh hùng một thuở là họ trở về với cuộc sống hòa bình nhưng vẫn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trở thành người cựu chiến binh, thương binh gương mẫu, cùng gia đình đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.

Giữ mãi tinh thần tiên phong của người lính

Trong 700 tấm gương người có công được vinh danh hôm nay, có nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh, song đã vượt qua vết đau của thương tật, vượt qua tất cả những khó khăn để sống có ích, làm điểm tựa vững vàng cho con cháu. Nhiều người đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, thu hút tạo việc làm, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào công tác an sinh xã hội.

Tiêu biểu như thương binh 2/4 Phạm Thanh Xuân (tỉnh Lào Cai). Từng chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và bị thương nặng, trở về với cuộc sống đời thường, ông xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, chọn nghề nuôi ong mật với số lượng hơn 700 đàn ong ngoại, sản lượng hàng chục tấn mật ong; mang lại việc làm cho hàng trăm lao động có mức lương cao. Thu nhập mỗi năm của gia đình hàng chục tỷ đồng. Một phần trong đó, ông đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương. Thương binh Phạm Thanh Xuân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.

Thương binh Trần Văn Khánh tham gia cách mạng từ năm 1955 khi mới 12 tuổi. Trong quá trình hoạt động, ông đã không biết bao nhiêu lần bị địch bắt tù đày, tra tấn nhưng vẫn kiên quyết không khai báo, giữ bí mật cơ sở, liên lạc anh em trong tù tham gia đấu tranh và học tập chủ trương cách mạng, ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng và đạt được nhiều thành tích. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho Đảng, Nhà nước, được giao nhiều chức vụ quan trọng như Phó Bí thư, Bí thư thường trực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa I, II, III, Đại biểu Quốc hội khóa X, Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa II,III…

Thương binh Trịnh Xuân Tấn sinh năm 1950, quê xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ông vào chiến trường tháng một năm 1972, tham gia trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam và bị thương tại đây. Trong kháng chiến, ông là một chiến sĩ gan dạ, tham gia nhiều trận đánh ác liệt như trận đánh tại Nông Sơ Quảng Nam và trận đánh chiếm phi trường Đà Nẵng. Hòa bình lập lại, người thương binh hạng ¾, với 41% thương tật, bị phơi nhiễm chất độc da cam, trở về quê công tác trong lĩnh vực thương nghiệp, hiện là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại Thiệu Yên, Thanh Hóa.

Các đại biểu gặp gỡ bên lề hội nghị.

Là một thương binh - cựu chiến binh điều hành doanh nghiệp, ông Tấn đã chủ động đề ra phương án, chiến lược kinh doanh và quản lý nguồn vốn doanh nghiệp có hiệu quả. Doanh nghiệp của ông cũng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu nhập cho người lao động, tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện các chính sách xã hội khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 2012 đến nay, ông cùng doanh nghiệp tích cực tham gia các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ khuyến học, tặng quà cho các gia đình chính sách, góp phần thực hiện chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước.

Thương binh Ngô Văn Nguẩn đến từ huyện An Dương, Hải Phòng , từng tham gia chiến đấu tại Mặt trận biên giới Tây Nam năm 1978. Tháng 10 năm 1995, ông cùng anh em thương binh thành lập mô hình Hợp tác xã sản xuất dành cho đối tượng chính sách chuyên về sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón. Hiện ông Nguẩn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Thương binh An Hòa. Là chủ doanh nghiệp thương binh, ông Nguẩn luôn thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Hằng năm, ông đều tri ân đóng góp cho quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang Campuchia, nhiều bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và TP Hải Phòng.

Trong thời bình, vẫn có những người chiến sĩ vẫn đang ngày đêm vượt thác ghềnh hiểm trở, vượt qua bao hiểm nguy nơi non cao vực sâu để thực hiện nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt những người đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp quốc tế trên đất nước bạn Lào, Campuchia. Đó là anh Thái Bá Ngọc, hiện đang công tác tại Đội quy tập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An. Anh Ngọc đã bị thương trong một lần đi tìm kiếm quy tập đồng đội ở huyện Xiêng Khoảng, Lào nhưng vẫn không hề e ngại, tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 1996 đến nay, bản thân anh đã trực tiếp cất bốc hàng chục hài cốt liệt sĩ, góp phần cùng đơn vị từ năm 1984 đến nay đưa 11.781 hài cốt liệt sĩ về nước, được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bà Nguyễn Hà Thị Ẩn, quê ở xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tham gia kháng chiến từ năm 1968, là người hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Tháng 5 năm 1968, bà tham gia làm cơ sở cách mạng ở địa phương, từng bị địch bắt và giam tại Nhà lao Tuy Phước, Nhà lao Quy Nhơn và Trại giam tù binh Phú Tài. Sau khi giải phóng, bà thành lập Công ty TTHH Thương mại - sản xuất Hà An, đảm nhiệm vai trò Giám đốc. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón và vận tải hàng hóa, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động với doanh thu hằng năm hơn 100 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, bản thân bà tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ đối tượng người có công khó khăn trong cuộc sống, tham gia công tác xã hội, hỗ trợ xây nhà ở đơn sơ hộ nghèo, giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo, trao tặng nhiều học bổng cho trẻ em mồ côi, hộ nghèo vượt khó, học giỏi, hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2017, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảm phục với những tấm gương tiêu biểu của hàng triệu người có công với cách mạng.

Ông nhấn mạnh, mục tiêu cần phấn đấu trong thời gian tới là từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Do đó, cần động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động, sản xuất, quản lý… xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Bài: NGÂN ANH, Ảnh: ĐĂNG KHOA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33591402-tri-an-nhung-nguoi-co-cong-voi-dat-nuoc.html