“Treo niêu” vì nhà máy quặng

Nhiều năm qua, không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe mà hàng trăm hộ dân ở xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) còn đang phải đối mặt với nguy cơ mất ruộng canh tác do hoạt động khai thác, chế biến quặng của Công ty CP khoáng sản Hùng Vương và Công ty TNHH khoáng sản Thành Phương gây ra. Việc hai công ty này chỉ chăm chăm khai thác quặng mà “quên” bảo vệ môi trường khiến người dân bất bình gửi đơn kiến nghị khắp nơi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Nước thải đỏ quánh từ khu vực khai thác quặng rò rỉ ra ngoài môi trường.

Một cổ hai tròng

Mỗi khi mưa lớn là hàng nghìn khối bùn đất thải đỏ quánh tràn vào vườn tược và đồng lúa của người dân. Hàng chục ha đất nông nghiệp trước đây vốn màu mỡ nay bị sa mạc hóa với những lớp bùn đất đặc quánh không thể tiếp tục canh tác. Những cánh đồng xa hơn bị bùn tràn xuống ít hơn thì năng suất lúa, hoa màu cũng giảm sụt nghiêm trọng.

Bao đời nay, xã Dị Nậu rất yên bình với nhưng đồi cây bạt ngàn xanh tốt, đồng ruộng màu mỡ, phì nhiêu. Nhưng đùng một cái, Cty khoáng sản Hùng Vương và Cty khoáng sản Thành Phương “nhảy” vào khai thác quặng gây ra nhiều hệ lụy, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Có mặt tại mỏ quặng của Cty khoáng sản Hùng Vương ở khu 3 (xã Dị Nậu), chúng tôi nhận thấy Cty này khai thác rầm rộ, khiến những quả đồi bị cạo trọc, và cùng đó là những hố sâu nham nhở.

Theo lời giới thiệu thì Cty này đã đầu tư dự án khai thác, chế biến Kaolin, Fenspat… với công suất 131.000 tấn/ năm trên diện tích khoảng 3.000 m2. Các sản phẩm chính của Cty gồm: Kaolin, Fenspat, Mica… đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, do doanh nghiệp chỉ chăm chăm vì lợi nhuận mà quên các biện pháp bảo vệ an toàn trong khai thác nên mỗi khi mưa lớn là hàng nghìn khối bùn đất thải đỏ quánh tràn “ào ào” vườn tược và đồng lúa của người dân. Hàng chục ha đất nông nghiệp trước đây vốn màu mỡ nay bị sa mạc hóa với những lớp bùn đất đặc quánh không thể tiếp tục canh tác. Những cánh đồng xa hơn bị bùn tràn xuống ít hơn thì năng suất lúa, hoa màu cũng giảm sụt nghiêm trọng.

Tại Cty khoáng sản Thành Phương, tình hình cũng không khá hơn. Hoạt động khai thác quặng đã khiến cuộc sống, thu nhập của người dân xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề.

Bao đời nay, người dân xã Dị Nậu chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp nên giờ đồng ruộng không thể canh tác và có canh tác thì năng suất cây trồng cũng bị sụt giảm nên cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn. Có ruộng không thể cấy, lại không nghề phụ, nhiều người phải đi làm thuê khắp nơi để đong gạo ăn qua ngày. Theo chị Tạ Thị Anh (trú tại khu 1, xã Dị Nậu) cho biết, diện tích ruộng của gia đình bị ảnh hưởng từ việc khai thác quặng ngày càng nặng. Cty xả bùn thải khiến suối trước đây sâu hơn mặt ruộng nhưng bây giờ dòng suối bị vùi lấp cao hơn cả đồng ruộng. Chỉ cần mưa nhỏ là bùn đất, đá xô ào ào vào ruộng, ao cá.

“Mọi năm chúng tôi vẫn khắc phục để cấy nhưng năm nay thì không thể khắc phục được nữa. Bừa cũng không bừa được vì trâu, bò xuống ruộng là bị thụt chân. Đến trồng rau khoai nước cho lợn cũng không lên được. Năm nào cũng gửi đơn lên xã nhưng kêu lắm mỏi mồm mà không được giải quyết triệt để”- chị Anh bức xúc.

Không canh tác nông nghiệp được đã đành, việc xả thải không đảm bảo ra môi trường khiến nguồn nước xung quanh bị ô nhiễm trầm trọng. Từ khu vực khai thác, chế biến quặng của hai Cty, một khối lượng lớn nước thải độc hại rò rỉ ra suối, ra ruộng đồng. Nguy hiểm hơn, nước thải độc hại còn ngấm vào mạch nước ngầm khiến nguồn nước ngầm xung quanh bị ảnh hưởng. Theo phản ánh của người dân, họ lấy nguồn nước từ suối vào các ao thì cá, tôm chết hàng loạt. Gà vịt uống nguồn nước đó cũng còi cọc, chậm lớn và chết dần, chết mòn.

“Thỉnh thoảng đầu ngòi xả nước xuống thì đỏ au, có lúc thì trắng tinh màu quặng. Chúng tôi rất sợ nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng nhưng chưa có điều kiện đi kiểm nghiệm nên vẫn phải nhắm mắt dùng liều vậy”- bà Lê Thị Tươi lo lắng nói.

Không chỉ khốn đốn vì mất đất sản xuất, người dân xã Dị Nậu còn bị “tra tấn” bởi tiếng động cơ máy móc khai thác quặng, của hàng trăm xe tải hạng nặng ngày đêm gầm rú. Những con đường xung quang khu vực mỏ quặng thì bị băm nát như những hố trâu đằm. Nắng thì bụi bay mù trời, mưa thì nhão nhoét như ruộng mạ khiến việc đi lại của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Dọc khu vực xung quanh mỏ quặng và đường giao thông khu vực hai Cty khoáng sản thì từ nhà cửa, ruộng vườn đều nhuốm màu bụi vàng khè.

Bùn đất từ mỏ quặng tràn xuống khiến ruộng đồng không thể canh tác.

Phải đảm bảo quyền lợi cho dân

Là khu vực có diện đất đất đai bị ảnh hưởng lớn nhất, nhiều năm qua trong các cuộc tiếp xúc cử tri của huyện và tỉnh, ông Tạ Diên Hảo- Trưởng khu 5 đều phản ánh sự việc, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo ông Hảo, nguyên nhân gây ra hệ lụy là do hệ thống đập chắn lũ của Cty khoáng sản không đảm bảo. Mặt khác, Cty hoạt động khai thác ngày càng mở rộng nên diện tích đất đai bị ảnh hưởng càng lớn.

Theo người dân địa phương, họ đã nhiều lần kiến nghị với ngành chức năng về việc dừng hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực rừng đầu nguồn nhưng không hiểu sao những kiến nghị ấy vẫn rơi vào im lặng.

Đem những thắc mắc và bức xúc của người dân gặp chính quyền xã, chúng tôi được ông Hán Vinh Khánh- Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền xã đã tổ chức các đoàn kiểm tra xác định toàn xã có 87.897m2 diện tích bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác quặng của hai Cty trên. Vị Chủ tịch xã Dị Nậu cũng cho hay, sau khi kiểm tra thực tế, UBND xã đã tổ chức hội nghị với nhân dân rồi đưa ra biện pháp, trước hết là giao toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng cho Cty Khoáng sản Hùng Vương và Cty Khoáng sản Thành Phương có trách nhiệm khắc phục, trả lại mặt bằng cho người dân.

Sau khi trả lại mặt bằng thì Cty có trách nhiệm hỗ trợ một nguồn kinh phí nhất định nào đó để cho nhân dân mua thêm phân, cải tạo lại diện tích đó. Trong thời gian khắc phục, chậm vụ nào thì Cty phải đền bù sản lượng cho người dân vụ đấy.

“UBND Dị Nậu chỉ là trọng tài thôi, còn thỏa thuận là do Cty và nhân dân… Hai Cty phải đầu tư xây dựng hệ thống đập ngăn lũ để không làm ảnh hưởng tới đồng ruộng của nhân dân, chứ bây giờ người ta đầu tư hàng trăm tỷ mà bảo Nhà nước thu hồi, không cho hoạt động khai thác thì cũng hơi khó”- theo vị Chủ tịch xã.

Trả lời về trách nhiệm của Cty trong việc gây thiệt hại cho nhân dân xã Dị Nậu, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Giám đốc Cty khoáng sản Hùng Vương lý giải, trước khi làm Cty đã có biện pháp phòng chống, xây đập, đắp đập, xây mương, suối chảy, đầu tư kinh phí khơi mương rộng, có đập chắn chống lũ, nhưng thiên tai không thể lường trước được mức độ của nó. Những gì khắc phục được sẽ khắc phục ngay, Cty cũng tiếp tục có những biện pháp để khắc phục.

Về vấn đề môi trường, vị lãnh đạo Cty khoáng sản Hùng Vương hứa hẹn, Cty đã làm việc với lãnh đạo huyện và xã, nếu xuống cấp thì Cty sẽ phải khắc phục, xử lí ngay và trong quá trình vận chuyển sẽ tưới nước.

Phía doanh nghiệp hứa hẹn là vậy nhưng không biết khi nào mới thực hiện triệt để trong khi đó hàng ngày người dân nơi đây vẫn “gồng mình” chịu những hệ lụy do doanh nghiệp gây ra.

Vẫn biết, một xã còn khó khăn như xã Dị Nậu, việc hai doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng đã tạo được nhiều việc làm cho nhân dân địa phương. Nhưng với cách làm thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà hủy hoại nguồn sống và sức khỏe của hàng trăm hộ dân, là điều khó có thể chấp nhận. Ngành chức năng huyện Tam Nông và tỉnh Phú Thọ cần vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân địa phương.

Theo ông Hán Vinh Khánh- Chủ tịch UBND xã Dị Nậu, việc khai thác khoáng sản ở rừng đầu nguồn của 2 công ty đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Chính quyền xã đã tổ chức các đoàn kiểm tra xác định toàn xã có 87.897m 2 diện tích bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác quặng. UBND xã đã tổ chức hội nghị với nhân dân rồi đưa ra biện pháp, trước hết là giao toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng cho Cty Khoáng sản Hùng Vương và Cty Khoáng sản Thành Phương có trách nhiệm khắc phục, trả lại mặt bằng cho người dân. Sau khi trả lại mặt bằng thì Cty có trách nhiệm hỗ trợ một nguồn kinh phí để cho nhân dân mua thêm phân, cải tạo lại diện tích đó. Trong thời gian khắc phục, chậm vụ nào thì Cty phải đền bù sản lượng cho người dân vụ đấy.

Đức Sơn - Hoài Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/treo-nieu-vi-nha-may-quang/76292