Trèo đèo, lội suối đưa học sinh trở lại trường

Sau tết, nhiều trường vùng sâu, vùng xa đối diện với nguy cơ học sinh bỏ học, chậm đến trường. Để đưa học sinh trở lại trường lớp, thầy cô phải trèo đèo, đến từng nhà vận động…

Ngoài rằm mới tạm đủ học sinh

Theo cô Nguyễn Thị Huệ - giáo viên tại điểm trường thôn Nùng Mới (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khòa, Hoàng Su Phì, Hà Giang), trường trở lại học từ mùng 6.2 (tức 10 tháng Giêng), lớp cô chủ nhiệm có 13 học sinh, nhưng mới đến trường được 7 em. Còn sĩ số toàn trường trong ngày7.2 cũng mới được ½.

“Thời tiết trên này đang mưa rét nên nhiều phụ huynh chưa cho con đi học. Ngay hôm đầu tiên trở lại trường, giáo viên đã gọi điện đến tất cả các phụ huynh có số điện thoại để nhắc nhở họ cho con đi học. Những gia đình không có điện thoại giáo viên đến tận nhà để vận động” – cô Huệ nói.

Học sinh bỏ học đi lấy đót. ảnh: Ngọc Vũ

Cũng theo cô Huệ, hàng năm học sinh đến trường đầy đủ nhất vào sau ngày rằm tháng Giêng. “Mỗi lần nghỉ lễ dài, học sinh thường có tâm lý không muốn trở lại trường, giáo viên vừa phải vất vả vận động vừa phải tìm cách “lấy lại tinh thần” học tập cho các em” – cô Huệ chia sẻ.

Nói về lý do học sinh thường chậm trễ đến trường sau dịp tết, cô Trần Thu Hà, giáo viên một trường tiểu học tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cho biết: “Trước và sau tết đồng bào dân tộc thường có rất nhiều lễ hội và tết riêng của dân tộc mình. Không những thế, Tết Nguyên đán cũng là dịp nhiều gia đình có anh em, họ hàng đi làm ăn xa về, có tiền tiêu nên các gia đình có tâm lý muốn cho con nghỉ học đi làm”.

Ông Nguyễn Sỹ Huấn - Trưởng phòng GDĐT huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, những ngày đầu năm tỷ lệ học sinh đến trường ở hai cấp tiểu học và THCS trên toàn huyện chỉ đạt khoảng 90%. Lý do là vì đồng bào dân tộc ít người Vân Kiều, Pa Kô có phong tục đi khách, các em học sinh cùng bố mẹ đến chơi một gia đình khác xã, huyện thậm chí sang cả nước bạn Lào vui chơi nhiều ngày mới về. Thứ hai là ở vùng miền núi đã đến mùa đót, nhiều gia đình khó khăn cho con nghỉ học ít ngày đi bẻ đót đan chổi kiếm tiền.

Còn ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng GDĐT huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, sau kỳ nghỉ tết học sinh trên địa bàn đến trường đạt 95-97%. Hiện nay các thầy, cô trên toàn huyện vẫn đang tích cực vận động học sinh đến trường.

Rủ học sinh cùng đi vận động bạn đến trường

“Do phong tục tập quán của người dân tộc nên chúng tôi cho học sinh nghỉ dài hơn một chút so với học sinh vùng thuận lợi , Chúng tôi cho học sinh vùng dân tộc nội trú nghỉ tết đến qua rằm tháng Giêng, vì nếu có yêu cầu đến sớm học sinh cũng không đến trường”.
Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở GDĐT Lai Châu

Giữa trưa nắng gắt, cô giáo Đỗ Thị Xoài-giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường Tiểu học Tà Long (xã Tà Long, Đakrông, Quảng Trị) vẫn không quản khó nhọc tìm đến nhà học sinh. Cô Xoài cho hay, sau tết toàn thể thầy cô giáo trong trường phải tích cực đi vận động học sinh đến trường.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nên cách vận động cũng được cô Xoài áp dụng một cách linh hoạt. Dạy buổi sáng thì buổi chiều cô đến nhà học sinh vận động. Mỗi lần đi vận động cô gọi thật nhiều học sinh theo cùng. Mục đích để phụ huynh thấy con người ta được đi học thì con mình cũng phải được đi học. Học sinh thấy bạn bè đi học vui cũng ham mà đi theo. Nếu học sinh nào khó vận động quá, cô Xoài phải nhờ đến trưởng thôn, già làng, trưởng bản… “Vận động học sinh đến trường cũng là một nghệ thuật không hề đơn giản, phải linh động trước mọi hoàn cảnh của học sinh để đưa ra lời thuyết phục, kéo các em đến trường” – cô Xoài chia sẻ.

Còn cô Lê Thị Thùy Linh- giáo viên lớp 3, Trường Tiểu học Ba Nang (huyện Đakrông) bộc bạch, khi đi vận động phải mang theo quà, bánh kẹo cho học sinh. Thứ Bảy, Chủ nhật cũng phải chuẩn bị một gói kẹo lớn phân phát cho học sinh để các em vui vẻ, hứng thú học tập, đến trường.

Trong khi đó, để duy trì được sĩ số học sinh sau dịp nghỉ tết, ngành giáo dục huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có nhiều biện pháp… phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ngay từ đầu tháng 1 trước nghỉ tết, huyện đã chỉ đạo cấp ủy chính quyền các xã vùng cao và các trường tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc thực hiện hương ước, quy ước thôn bản, đặc biệt là việc tổ chức ăn chung 1 Tết Nguyên đán để học sinh đi học đúng thời gian quy định.

Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Xã Hồ (Trạm Tấu), ngày đầu tiên đi học sau tết, tỷ lệ học sinh đã đạt 95% với cấp tiểu học và 82% với cấp THCS. Theo cô Bùi Thị Thanh Hải – Hiệu trưởng nhà trường: “Để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh đến trường sau tết, ngay từ ngày 2.2, trường đã tổ chức cho cán bộ giáo viên, nhân viên làm vệ sinh khu vực trường học và khu bán trú. Nhà trường cũng sớm phân công giáo viên xuống các thôn bản để tổ chức vận động học sinh đến lớp”.

Tương tự, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Bản Công (Trạm Tấu) cũng sớm chuẩn bị mọi điều kiện, sắp xếp chỗ ăn nghỉ, ngủ đón học sinh bán trú đến trường. Ngoài ra, trường cũng huy động cán bộ địa phương, đặc biệt là những người có uy tín cùng giáo viên xuống vận động những học sinh còn chưa đến trường. Tính đến hết ngày 6.2, sĩ số trường đạt 60%. /.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/treo-deo-loi-suoi-dua-hoc-sinh-tro-lai-truong-744341.html