Trẻ thường xuyên nôn trớ sau khi bú và đây là cách xử lý dành cho bố mẹ

Nôn trớ là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là trong giai đoạn trẻ còn đang bú sữa mẹ. Đây có thể là hiện tượng sinh lý bình thường, song cũng có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Do đó, khi trẻ bị nôn trớ, bố mẹ cần có biện pháp xử lý kịp thời.

Cho con bú đúng cách

Được cho bú đúng cách sẽ giảm thiểu được tình trạng nôn trớ ở trẻ nhỏ. Khi cho con bú, mẹ hãy đặt bé nằm nghiêng sang bên phải, ngả đầu sang bên trái để bú bầu vú bên trái trước. Bởi lúc này trẻ mới bắt đầu bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể đặt nằm nghiêng bên phải. Sau đó, mẹ chuyển tư thế cho con nằm nghiêng sang trái, ngả đầu sang bên phải để bú bên bầu vú phải. Lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, nằm nghiêng bên trái sẽ giúp sữa dễ dàng đi xuống dạ dày hơn mà không trào ngược dẫn tới nôn trớ.

Ảnh minh họa

Nếu trẻ bú bình, mẹ nên dùng tay giữa bình sữa dốc xuống để phần núm vú luôn đầy sữa. Tránh để bình sữa nằm ngang hoặc nghiêng xuống dưới sẽ khiến con khó mút được sữa mà hít nhiều không khí cũng dễ gây đầy bụng và nôn trớ.

Ngoài ra, mẹ cũng không nên để con vừa nằm vừa bú hoặc ăn, bởi tư thế này gây chèn ép dạ dày rất dễ dẫn tới nôn trớ.

Chia nhỏ bữa ăn của trẻ

Bố mẹ cho trẻ bú/ăn quá nhiều cùng một lúc sẽ khiến dạ dày của trẻ bị căng tức, gây phản ứng trào ngược, và kết quả là trẻ bị nôn trớ. Tốt nhất là bạn nên chia nhỏ các bữa ăn cho trẻ, hạn chế việc cho trẻ ăn quá nhiều. Mỗi cữ bú hay bữa ăn, chỉ cho trẻ ăn một lượng vừa đủ, sau 2 - 4 tiếng lại tiếp tục cho trẻ ăn. Lượng thức ăn có thể tăng dần qua từng bữa để cơ thể con kịp thích ứng và không gây kích thích dạ dày.

Giữ chuẩn tư thế sau khi cho trẻ bú/ăn

Sau khi cho con bú hoặc ăn xong, bố mẹ không nên đặt trẻ nằm xuống ngay vì đây là thời điểm trẻ rất dễ nôn trớ. Bố mẹ hãy bế trẻ ở tư thế cao đầu trong 15 - 20 phút, dùng tay vỗ lưng nhẹ nhàng, hoặc vuốt lưng trẻ xuôi xuống dưới cho đến khi trẻ ợ hơi. Hoặc đặt con nằm nghiêng sang trái và kê gối cao hơn một chút. Khi trẻ ợ hơi, không khí trong dạ dày sẽ được đẩy ra ngoài, từ đó hạn chế được tình trạng nôn trớ. Một số trẻ khi ợ hơi có thể trớ một chút thức ăn ra ngoài, bạn không cần lo lắng, chỉ cần vệ sinh sạch cho con là được.

Xem thêm: 5 nguyên nhân trẻ nôn ra máu tươi, bố mẹ nên cẩn trọng

Tránh quấn tã, mặc quần áo quá chật cho trẻ

Nếu trẻ mặc quần áo hay được quấn tã, bỉm chật, sẽ gây ra sự chèn ép vào thành bụng và dạ dày của bé, dẫn đến dồn nén và gây phản ứng trào ngược thức ăn. Do đó, khi cho con bú hoặc ăn, mẹ nên nới lỏng bớt quần áo, tã, bỉm để vùng bụng được thông thoáng nhất.

Ảnh minh họa

Nếu trẻ bị nôn trớ, bố mẹ cần:

- Lấy khăn sạch lau miệng cho trẻ và quàng khăn vào cổ trẻ đề phòng trẻ tiếp tục nôn trớ. Tuyệt đối không bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.

- Không quát mắng hay tỏ thái độ bực tức dễ làm trẻ mất bình tĩnh, quấy khóc và trớ nhiều hơn. Từ từ nhẹ nhàng nói chuyện với trẻ để quên đi việc nôn trớ, vuốt ngực và lưng cho trẻ từ trên xuống.

- Đặt trẻ nằm yên, cần kê cao đầu, đồng thời luôn để thân mình phía trên cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị ọc sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi, không nên cho trẻ uống sữa ngay say khi nôn ói. Lau mặt miệng cho trẻ, thay áo, súc miệng để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra.

- Trẻ bị nôn trớ nhiều sẽ khiến cơ thể bị mất một lượng nước lớn. Do đó, điều quan trọng là bố mẹ phải bổ sung lượng nước đã mất để cơ thể trẻ không mất chất điện giải. Bố mẹ có thể dùng dung dịch Oresol, nước chín hay nước trái cây loãng.

TH

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/me-va-be/tre-thuong-xuyen-non-tro-sau-khi-bu-va-day-la-cach-xu-ly-danh-cho-bo-me-74672