Trẻ sinh ra 2 tiếng đã mất, mẹ không kịp khóc con vì đang nằm mê man trong phòng hậu sản

Tiểu đường thai kỳ là một bệnh không dễ phát hiện nhưng những biến chứng mà nó gây ra lại vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi trong bụng.

Khi mang thai, người mẹ thường phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe cũng như tính mạng của mẹ và bé, trong đó có tiểu đường thai kỳ.

Nhiều mẹ bầu thường cho rằng, việc mẹ tăng cân nhiều đồng nghĩa với con sinh ra sẽ to khỏe hơn. Vì vậy, mẹ bầu cố gắng ăn uống, tẩm bổ thật nhiều mà không ý thức được việc tăng cân không kiểm soát khi mang thai có thể khiến mẹ và trẻ mắc bệnh tiểu đường.

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc và đau lòng xảy ra do chính quan niệm sai lầm này của mẹ bầu. Câu chuyện được chia sẻ dưới đây là một ví dụ điển hình:

"Nhà chồng mình có 2 con trai. Chồng mình bị vô sinh đã 10 năm nay, nên mọi hy vọng sinh cháu nối dõi đều trông cậy vào em chồng mình. Do đó, để tránh mọi rủi ro, ba mẹ chồng mình yêu cầu chú thím ấy sinh con ngay sau khi cưới rồi muốn tung hoành ngang dọc gì thì tùy.

Thật may, cưới về 1 tháng em dâu đã có bầu, cả nhà mình ai cũng vui nhưng vui nhất có lẽ vợ chồng mình vì đã thoát được “gánh nặng ngàn cân” đeo trên lưng vợ chồng mình suốt 10 năm nay. Ba mẹ chồng mình bắt đầu lên kế hoạch tẩm bổ cho con dâu ngay từ những ngày đầu thai kỳ.

Ảnh minh họa

Mới 3 tháng đầu mà em đã tăng lên 6 kg.

Và em đi siêu âm, biết tin dâu mang bầu cháu trai, ba mẹ chồng càng tẩm bổ dữ dội hơn. Chưa hết, lo sợ cháu yêu trong bụng không an toàn nên mẹ chồng không cho con dâu út động tay chân vào bất cứ việc gì, ăn rồi cứ nằm trên giường mà đọc báo, xem phim chờ đến ngày khai hoa nở nhụy thôi.

Tháng thứ 5 em tăng lên 12 kg.

Tháng thứ 7 em tăng lên 17kg.

Dù chưa từng mang bầu, chưa từng làm mẹ nhưng mình thấy cách mẹ chồng chăm dâu thế là không ổn vì em dâu cứ tăng cân vùn vụt, lại không vận động gì cả, mình góp ý thì mẹ nói mình ganh tỵ nên không dám nói nữa.

Em dâu mới đầu thấy được mẹ chồng yêu chiều tẩm bổ - mang thức ăn lên tận phòng và ngồi canh em ấy ăn hết thức ăn mới đi xuống - thì thích, nhưng sau này thấy cân nặng tăng khủng khiếp quá, đi khám thai bác sĩ cảnh báo em bị tiểu đường thai kỳ và dặn ăn uống kiêng khem để tránh biến chứng nguy hiểm thì bắt đầu sợ.

Về em nói với mẹ đừng tẩm bổ nữa, mẹ lập tức phản bác ngay: - Mày sợ tăng cân nhiều người sồ ra xấu chứ gì, ngày xưa mẹ tăng những 20kg mà có làm sao đâu. Ráng ăn vào cho con khỏe, mẹ khỏe đừng tin bọn bác sĩ bày vẽ lắm chuyện. Cứ ăn vào cho mẹ, sinh con xong mẹ cho mày đi giảm mỡ làm đẹp là xong ngay.

Kết quả, tuần thứ 38 thai kỳ em tăng lên 25kg. Bác sĩ xác định bị tiểu đường thai kỳ.

Lúc lên bàn đẻ ở tuần thứ 39 em dâu chạm mốc 26kg, phải sinh mổ, con được 4kg. Lọt lòng mẹ, cháu được cắt rốn và đưa đến phòng sơ sinh. Cả gia đình từ lớn đến bé chưa kịp vui vì mẹ tròn con vuông, cháu đích tôn to lớn bụ bẫm thì ngay sau đó đã đón nhận tin dữ từ bệnh viện. Bé con bị hạ đường huyết nặng, suy hô hấp sơ sinh đột ngột vì mắc tiểu đường ngay từ trong bụng mẹ đã ra đi."

Mặc dù câu chuyện đã xảy ra hơn 1 năm song nỗi đau để lại cho người mẹ và chính người thân trong gia đình thì vẫn còn mãi. Tác giả câu chuyện - người chị chồng trong gia đình tâm sự : "Trong đời, chưa bao giờ mình thấy cảnh tang thương này, mẹ còn đang nằm trong phòng hồi sức sau ca mổ bắt con chưa tỉnh, nơi kia – trong căn phòng sơ sinh – đứa con bụ bẫm, đáng yêu chưa kịp chạm vào mẹ, cảm nhận tình yêu của mẹ đã lìa đời mãi mãi".

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là một trong những biến chứng nguy hiểm mà bà bầu phải đối mặt khi mang thai và thường ở tuần 24 – 28 của thai kỳ. Tiểu đường thai kỳ chính là tình trạng rối loạn dung nạp đường hoặc tăng đường huyết, xuất hiện ở lần đầu khi mang thai.

Đa số các mẹ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ tự khỏi sau sinh, nhưng cũng có một số khác có nguy cơ bị tiểu đường thực sự. Ở những mẹ lần đầu mang thai bị tiểu đường sẽ có nguy cơ tái phát trong lần mang thai sau, thậm chí là mắc bệnh mãi mãi.

Xem thêm: 18 biến chứng nguy hiểm mẹ bầu có thể gặp từ khi mang thai đến lúc sinh con

Biểu hiện của tiểu đường thai kỳ

Mặc dù rất nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi nhưng tiểu đường thai thường không có biểu hiện hay triệu chứng gì đặc biệt (ngoài tăng cân quá nhanh, nhưng đây cũng không phải là nguyên nhân chắc chắn).

Do đó, muốn phát hiện bệnh, mẹ bầu chỉ có thể đi khám thai thường xuyên, đặc biệt làm đầy đủ các xét nghiệm máu, nước tiểu do bác sĩ chỉ định, nhất là trong giai đoạn từ tuần 24 – 28 của thai kỳ. Nếu được phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Ảnh minh họa

Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ với mẹ bầu

Mẹ mắc bị tiểu đường khi mang thai dễ cao huyết áp, tiền sản giật, phù nề… nếu không kiểm soát được có thể dẫn tới đa ối, đẻ non, tai biến lúc đẻ thậm chí nguy hiểm tính mạng. Mẹ thậm chí có thể mắc tiểu đường vĩnh viễn sau sinh.

Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối tới con

- Giai đoạn thai nhi: Thai nhi có nguy cơ bị dị tật, chậm phát triển, sinh non, tử vong trong bụng mẹ…

- Sinh ra: Trẻ có thể hạ đường huyết, suy hô hấp sơ sinh, vàng da, dễ tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, chậm phát triển trí não, bị tiểu đường

Những đối tượng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ

- Mẹ bị béo phì, bị cao huyết áp

- Mẹ từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai đầu

- Gia đình có người mắc bệnh tiểu đườn

- Từng sinh con có cân nặng trên 4kg, bị thai chết lưu không rõ nguyên nhân, từng sinh con bị dị tật bẩm sinh

- Mang thai > 35 tuổi

Làm gì để phòng tránh tiểu đường thai kỳ?

Để phòng tránh và kiểm soát tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần thủ chế độ ăn uống hợp lý, không ăn quá nhiều chất ngọt, tinh bột, tăng cường ăn rau xanh. Đồng thời, tăng cường vận động cơ thể, không để cân nặng tăng quá nhanh, quá nhiều. Đi khám thai thường xuyên để kịp thời phát hiện các vấn đề nguy hiểm, đe dọa sức khỏe của mẹ và bé.

TH

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/me-va-be/tre-sinh-ra-2-tieng-da-mat-me-khong-kip-khoc-con-vi-dang-nam-me-man-trong-phong-hau-san-73435