Trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 30-10, Bộ Y tế đã khẳng định bé gái 4 tháng tuổi ở huyện Krông Búk, Đắk Lắk bị bệnh đầu nhỏ được phát hiện nửa tháng trước là có liên quan đến virus Zika. Đây là trường hợp đầu nhỏ do Zika đầu tiên ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ngày 14-10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã phát hiện một cháu bé có triệu chứng dị tật bẩm sinh được nghi ngờ mắc chứng đầu nhỏ.

Ngay sau đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm hàng loạt mẫu máu của 2 mẹ con cháu bé và đều cho kết quả dương tính với virus Zika.

Nhằm đảm bảo tính chính xác, Bộ Y tế tiếp tục gửi các mẫu bệnh phẩm của mẹ và đến phòng xét nghiệm của đại học Nagasaki -Nhật Bản để làm các xét nghiệm.

Các kết quả đều khẳng định, dị tật bẩm sinh mắc chứng đầu nhỏ của cháu bé có liên quan đến virus Zika.

Nhiều trẻ sơ sinh bị teo não do virus Zika

Khi có thông tin về dị tật của cháu bé, các chuyên gia cũng đã đặt ra nhiều khả năng dẫn đến chứng đầu nhỏ của cháu bé này, như sởi, rubella, nhiễm độc hóa chất…. Tuy nhiên, sau khi tiến hành các xét nghiêm, các nguyên nhân này đã được loại trừ và kết quả xét nghiệm của Nhật Bản đã khẳng định bệnh nhi mắc Zika.

Hiện cũng chưa phát hiện các yếu tố có thể gây dị tật đầu nhỏ cho bé từ người mẹ như nhiễm khuẩn, tiếp xúc hóa chất độc hại, hút thuốc lá, nghiện rượu bia. Do đó, đây chính là trường hợp trẻ sơ sinh bị đầu nhỏ đầu tiên ở Việt Nam.

Việc điều tra cho thấy, mẹ của cháu bé bị sốt, nổi ban khi mang thai được 3 tháng. Khi sinh cháu bé sinh ra thì bị đầu nhỏ, khác những đứa trẻ bình thường.

Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã đi đến địa bàn cháu bé sinh sống để điều tra các yếu tố dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 của trẻ và những người sống chung, sống gần với bệnh nhân để tiến hành các biện pháp xác định nguyên nhân.

Một em bé bị chứng đầu nhỏ

Các kết quả xét nghiệm của những người sống cùng gia đình cháu bé cũng không cho thấy có liên quan đến virus Zika.

PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý: Những phụ nữ có thai nên khám thai thường xuyên, định kỳ, đồng thời chỉ tiến hành xét nghiệm để phát hiện nhiễm virus Zika khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh và có tư vấn, chỉ định của cơ quan y tế, không nên tự ý xét nghiệm, nhất là khi không có các triệu chứng bệnh, để tránh lãng phí. Không phải thai phụ nào bị nhiễm Zika thì thai nhi cũng bị teo não.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/tre-mac-chung-dau-nho-do-virus-zika-dau-tien-o-viet-nam-414717/