Trẻ em trên thế giới làm việc nhà như thế nào

Chắc hẳn có không ít trẻ em ở Việt Nam cằn nhằn khi bị bố mẹ giao việc nhà và luôn nghĩ rằng trẻ nhỏ ở các nước khác không phải làm gì. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Nhật Bản

Trẻ em Nhật Bản được thế giới biết tiếng với tính độc lập, tự chủ cao. Chúng tự đến trường bằng tàu điện ngầm, tự giác làm những việc vặt trong khả năng có thể. Trẻ từ 5 tuổi trở lên thường phải trải khăn phủ bàn để chuẩn bị bữa ăn, tập gấp quần áo của gia đình. Thậm chí, ở một số trường, những học sinh nhí phải tự làm sạch bàn ghế, giẻ lau bảng và quét sạch lớp học thường xuyên. Vì vậy, các trường học ở Nhật Bản rất ít khi thuê lao công. Họ cho rằng: Trẻ nhỏ cần tự làm sạch môi trường học, hiểu và trân trọng công việc của những người lao động trong xã hội.

Tây Ban Nha

Năm 2014, Quốc hội Tây Ban Nha đã ban hành đạo luật yêu cầu trẻ nhỏ phải thực hiện những công việc nhà và bài tập về nhà, tôn trọng cha mẹ và những người thân trong gia đình. Điều đó cũng có nghĩa chúng sẽ gặp rắc rối nếu từ chối làm việc nhà.

Đây cũng là đất nước có nhiều đạo luật kỳ lạ được ban hành. Năm 2005, các nhà lãnh đạo nước này đã bổ sung vào quy định hôn nhân và gia đình, yêu cầu người chồng phải giúp đỡ việc nhà, không được đổ mọi công việc nội trợ lên đầu vợ. Đó là lý do vì sao nhiều trẻ nhỏ Tây Ban Nha thường nói: “Con làm được việc này là quan sát từ ba”.

Anh

Trẻ em Anh sợ làm việc nhà. Trong cuộc điều tra được tiến hành với hơn 17 nghìn trẻ em 8 tuổi ở 16 quốc gia về cuộc sống ở nhà, gia đình và tình bạn, chỉ có 47% trẻ em ở Anh đỡ cha mẹ làm việc nhà hàng ngày, ít hơn hẳn con số 70% ở các nước khác.

Canada

Công việc cho trẻ nhỏ từng là chủ đề nóng ở Canada khi các nhà lãnh đạo nước này cấm một gia đình Saskatchewan không được phép cho hai cô con gái mới 8 và 10 tuổi làm việc trong trang trại gia đình. Trong khi đó, các gia đình ở đây luôn cho rằng: Con nhỏ cần được lao động phù hợp với khả năng của bản thân.

Vì vậy, làm việc ở nhà máy chế biến gà hay đi hái cà chua bị coi là việc vặt. Trong khi chính phủ gọi đó là “lao động trẻ em”. Theo khảo sát của Tập đoàn Whirlpool ở Canada, 59% người Canada nghĩ rằng trẻ nhỏ có ít việc vặt phải làm hơn. Điều này đồng nghĩa cha mẹ Canada khá nghiêm khắc với con cái khi yêu cầu trẻ nhỏ làm nhiều việc nhà.

Kenya

Trẻ em Kenya đóng vai trò rất lớn trong việc giúp đỡ cha mẹ nấu ăn, làm nông nghiệp và lấy nước (phải đi bộ 4 giờ/ngày để lấy nước). Chúng phải làm việc nhà để giúp đỡ bố mẹ nhiều đến mức không được đến trường. Vì vậy, hình ảnh những đứa trẻ gầy gò, ốm yếu tay xách thùng nước trên đường rất phổ biến. Nhiều trường hợp phải lao động quá mức khiến trẻ nhỏ không thể phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Ấn Độ

Cuộc nghiên cứu được tiến hành trong năm 2014 về “khoảng cách việc vặt giới tính” tại Ấn Độ đã chỉ ra rằng: Đàn ông Ấn Độ làm việc nhà ít nhất so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo đó, nam giới nước này chỉ dành 19 phút/ngày để làm việc nhà, trong khi phụ nữ phải bỏ ra 298 phút/ngày. Tình trạng này xuất phát từ quan điểm đàn ông được kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập cho cả gia đình. Vì vậy, các bé gái luôn có nghĩa vụ phải giúp đỡ mẹ với những việc vặt như giặt giũ, nấu nướng. Trong khi đó, các bé trai rất ít khi phải làm việc nhà.

Trung Quốc

Người Trung Quốc cho rằng: Làm việc nhà rất tốt cho sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí, họ còn coi đó là các bài tập thể dục cho trẻ nhỏ. Tuy vậy, trẻ em Trung Quốc cũng được khuyến khích học tập chứ không bị yêu cầu làm việc nhà nhiều như trẻ nhỏ Kenya.

Việt Nam

Hình ảnh trẻ nhỏ ở thành phố cắm cúi ôm điện thoại hay chúi đầu xem tivi rất phổ biến. Tuy nhiên, cha mẹ Việt cũng chú trọng dạy dỗ con cái bằng cách sai chúng làm việc nhà. Vì hầu hết đều cho rằng: Trẻ được nuông chiều quá sẽ sinh hư. Vì vậy, ở Việt Nam, trẻ thường trở thành đối tượng để “sai vặt” trong nhà: gấp quần áo, quét nhà, lớn hơn nữa thì rửa bát… Những công việc được cho là phù hợp với trẻ nhỏ.

Xem thêm:

Để con thích làm việc nhà

Giáo dục ra sao để con cái thành công và hạnh phúc?

Trẻ nhỏ tham gia hoạt động ngoài trời dễ dàng đạt mục tiêu hơn

Hương Nguyên

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/tre-em-tren-the-gioi-lam-viec-nha-nhu-the-nao