Trẻ em nhiễm HIV/AIDS: Dự khai giảng, nhưng không được tới trường

Theo qui định tại Luật Phòng chống HIV/AIDS, việc kỳ thị, phân biệt đối xử, không tạo điều kiện cho trẻ nhiễm HIV/AIDS được hòa nhập cộng đồng… là những hành vi phạm pháp. Thế nhưng, chỉ vì kém hiểu biết, thiếu sự cảm thông, những người dân ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã ngăn cản bước đường tới trường của những đứa bé mồ côi, mang trong mình căn bệnh nan y đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ lao động xã hội số 2. >> “Bài toán” đưa trẻ nhiễm HIV đến trường

Không được học hòa nhập ở trường Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ Lao động - xã hội số 2 đúng vào dịp thầy trò Trường Tiểu học Yên Bài B khai giảng năm học mới. Những đứa trẻ trong độ tuổi đi học, đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm cũng náo nức đến trường nhận đồng phục diện trong ngày khai giảng. Nhưng thật tội nghiệp, 25 đứa trẻ từ 6-14 tuổi cứ đứng rúm ró ở một góc sân, không dám lại gần ai và cũng chẳng bạn bè nào đến chơi với chúng. Phụ huynh đưa đón con tụ tập ở gần cổng trường, thỉnh thoảng lại thấy vọng vào tiếng nhắc nhở, quát tháo: "Phải tránh xa mấy đứa bị AIDS, nhớ chưa?". Dường như đã quen với sự kỳ thị này, mẹ Minh của lũ trẻ chỉ thở dài buồn bã. Vừa chỉnh đốn lại trang phục cho chúng, bà mẹ này lại vừa phải để mắt chỉ sợ có đứa nào lỡ vui chân chạy nhảy khỏi khu vực riêng… Mẹ Minh bảo, chỉ vào dịp khai giảng năm học, những đứa trẻ ở Trung tâm Bảo trợ Lao động - xã hội số 2 mới có cơ hội tới trường tập trung. Khái niệm "được đi học" với chúng cũng chỉ bắt đầu từ năm 2006, khi có nhiều em đã quá tuổi đi học mà vẫn chưa biết chữ. Với mong muốn không để các em thiệt thòi, lãnh đạo Trung tâm đã đề nghị Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì và Ban giám hiệu Trường Tiểu học Yên Bài B nhận các em vào học lớp 1. Tưởng mọi chuyện suôn sẻ, nhưng chỉ sau lễ khai giảng năm học 2006 - 2007 đúng 1 tuần, nhiều người dân ở xã Yên Bài đã kéo đến trường phản ứng dữ dội việc con em họ phải học chung với những đứa trẻ bị… SIDA. Họ đặt điều kiện nếu nhà trường không buộc những đứa trẻ của Trung tâm nghỉ học, thì sẽ bắt con mình nghỉ học, hoặc xin chuyển trường. Sự việc quá căng thẳng nên giải pháp được 2 bên chọn lựa là mở lớp học ngay tại Trung tâm, do giáo viên của trường vào giảng dạy. Các em cũng không cần phải đến trường, ngoại trừ lễ khai giảng, lễ bế giảng vì sợ làm ảnh hưởng đến những học sinh khác. Tính đến năm học 2009 - 2010, 3 đứa trẻ lớn nhất là Đức (11 tuổi), Uyên (14 tuổi) và Thủy (15 tuổi) đã vào học lớp 4. Nhìn các bạn được nô đùa, chạy nhảy trong sân trường, ánh mắt chúng đầy thèm thuồng. Cô bé Vũ Ngân Hà, học lớp 3 cứ níu tay "mẹ" Minh lắc lắc: "Sao người ta không cho chúng con học ở đây?". Khát vọng sống Trong số 54 đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS mồ côi cha mẹ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, cô bé Bàn Thị Thanh Trúc (7 tuổi), quê Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) có lẽ "nổi tiếng" hơn cả. Bố mẹ Trúc đều đã chết vì căn bệnh AIDS từ khi em còn nhỏ. Sống cùng vợ chồng người bác ruột, cho dù mới lẫm chẫm biết đi nhưng em đã phải gánh chịu những nỗi đau tận cùng từ sự miệt thị, khinh bỉ của những người thân. Thậm chí, chính ông bác ruột đã nhẫn tâm mang Trúc đi vứt bỏ… Năm 2008, qua các phương tiện thông tin đại chúng, bé Trúc đã được đón về nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ lao động - xã hội số 2, và được các mẹ ở đây dành tình thương yêu hết mực. Thấy có khách đến thăm, bé Trúc rủ rỉ: "Chắc là cháu không chết đâu, cô nhỉ. Thế mà ngày xưa bác cháu bảo, mày sắp ra bãi tha ma đến nơi rồi…". So với hơn 1 năm về trước, Trúc hồng hào, nhanh nhẹn và lớn hơn hẳn. Chuẩn bị vào học lớp 1 nhưng Trúc đã nhận biết hết mặt chữ, em viết vào cuốn sổ của chúng tôi chữ TRÚC in hoa rất đậm nét, rõ ràng. Bé Bàn Thị Thanh Trúc đang tập viết tên mình. Không có may mắn biết nguồn gốc như các bạn, khi chúng tôi hỏi quê quán ở đâu, cậu bé Phạm Đình Đức hồn nhiên bảo nhà cháu ở chùa Bồ Đề (Gia Lâm). Theo lời mẹ Minh, Đức bị nhiễm HIV/AIDS và bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề từ khi vừa lọt lòng. Năm 2005, em được nhà chùa gửi vào Trung tâm nuôi dưỡng và năm 2006, 8 tuổi, Đức mới bắt đầu đi học lớp 1. Cô giáo Phùng Thúy Hòa, chủ nhiệm lớp ghép 3+ 4 cho biết, Đức rất ham học hỏi và kiên trì, 3 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và đoạt giải tại các cuộc thi Vở sạch - Chữ đẹp toàn huyện. Không được học hòa nhập cùng các bạn ở Trường Tiểu học Yên Bài B, Đức buồn lắm, nhưng không vì thế mà em nản lòng, ngược lại, Đức tin rằng em sẽ khỏi căn bệnh AIDS. Thần tượng của Đức chính là ca sĩ Đăng Khôi, vì vậy mơ ước của Đức sau này trở thành ca sĩ, sẽ tổ chức nhiều show hát từ thiện, lấy tiền ủng hộ những em bé không may rơi vào hoàn cảnh như Đức và các bạn ở Trung tâm. Cần lắm tình người Sớm chịu cảnh côi cút, bệnh tật nên những đứa trẻ ở Trung tâm này sớm tự lập, và cũng ý thức được việc phòng tránh sự lây lan căn bệnh AIDS ra cộng đồng. Bé Trúc bảo, những khi bị sốt, bị ho cháu không dám gần người lạ, cũng không dám nắm tay ai khi có khách ghé thăm. Trước khi tham gia sinh hoạt tập thể, nhất là những dịp được đến trường như hôm nay, ai nấy đều cố gắng tắm giặt thật sạch sẽ…Vậy mà nhiều bạn vẫn sợ bị lây bệnh, chỉ dám đứng từ xa nhìn lại rồi trêu chọc, chúng cháu thấy tủi thân lắm… Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay, kể từ năm học 2006 - 2007 đến nay, trước kỳ khai giảng nào cũng có những cuộc họp giữa Trung tâm với Phòng GD&ĐT huyện, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Yên Bài B và Hội Phụ huynh học sinh, bàn lên bàn xuống xung quanh việc tạo điều kiện đưa các cháu nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm ra học hòa nhập cùng với học sinh toàn trường. Chính quyền thông, nhà trường rộng cửa, nhưng rốt cuộc mọi chuyện vẫn bế tắc vì người dân không chịu. Vợ chồng chị Hiền, bán quán nước gần cổng trường lắc đầu: "Ai đảm bảo con chúng tôi an toàn khi ngồi cạnh những đứa bị bệnh chết người ấy". Giải pháp mà một số phụ huynh đưa ra là cứ tiếp tục cho trẻ nhiễm HIV/AIDS học trong trung tâm, hoặc bố trí học lệch ca ở một lớp riêng… Bà Huệ khẳng định, lãnh đạo Trung tâm sẽ đấu tranh đến cùng để năm học 2009 - 2010 các em nhỏ được ra học ở trường. Chuẩn bị cho trẻ vào năm học mới, Trung tâm đã trích một khoản kinh phí 6 triệu đồng, đóng góp với nhà trường mua đồng phục, sắm sách bút, dụng cụ học tập. Nhìn tụi trẻ xúng xính với sách bút mới, các mẹ ở Trung tâm không khỏi chạnh lòng. Bởi thiếu thốn về vật chất còn có thể khắc phục, nhưng chừng nào chưa có được sự cảm thông, chia sẻ và dang rộng vòng tay từ cộng đồng, trẻ em nơi đây vẫn còn phải gánh chịu thiệt thòi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/9/119415.cand