Trẻ em có còn “trong sáng” trong showbiz?

Nhu cầu từ khán giả tăng cao, sức hút của những “tài năng nhí” ngày một lớn, các nhà sản xuất không ngần ngại tăng khung thời gian lên sóng cho các em nhỏ. Từ những sân chơi truyền hình dễ thương, hồn nhiên, liệu các em có đang bị “chín ép” tài năng để thích nghi với các chương trình truyền hình quá phức tạp?

Các em “học lớn” quá nhanh...

Để được lên sóng một chương trình truyền hình, không chỉ đơn giản đến ghi hình trong một phim trường là xong, các em nhỏ cần có nhiều kỹ năng hơn như đối thoại, ứng xử, diễn và nhìn ống kính sao cho hấp dẫn nhất. Ngày trước, các chương trình dành cho các em thiếu nhi đa phần là phim hoạt hình được mua từ nước ngoài, hay trong nước sản xuất mang nhiều tính khoa giáo, vừa giải trí vừa học tập hơn là các chương trình đậm mùi tài năng, thi thố, tôn vinh các em thành “thần đồng” như hiện nay.

Hồ Văn Cường giành ngôi Quán quân Thần tượng âm nhạc nhí Việt Nam mùa đầu tiên (2016).

Một trong những đòi hỏi cấp thiết cho những chương trình như The Voice Kid, Vietnam Idol... là các em nhỏ phải học cách “thích nghi”. Ví như chương trình Giọng hát Việt nhí, sau những mùa đầu tiên rất thành công, thì năm nay, Giọng hát Việt nhí phát sóng dài và vượt qua khỏi thời gian nghỉ hè của các em nhỏ. Chung kết trao giải diễn ra đến khoảng tháng 11, vậy vô hình trung, các em nhỏ phải theo chương trình trong gần 2 tháng sau khi đã nhập học. Vì các đêm chung kết đều liveshow trực tiếp, nên áp lực lên các thí sinh nhỏ tuổi không hề nhỏ. Thêm vào đó, đài từ dành cho các em ngày một “thổi phồng”, khiến khán giả có cảm giác làm chương trình để người lớn xem chứ không phải là các em nhỏ.

Khung giờ cũng không nằm trong giới hạn của một chương trình thiếu nhi là tầm từ 18-20h. Vì vậy, khó tránh khỏi sự “lệch chuẩn” và làm mất cân bằng giờ giấc học hành của các em. Một yếu tố nữa làm cho các em nhỏ mất đi sự trong sáng của mình, chính là dàn dựng, kịch bản câu chuyện, kể lể và than khóc trên truyền hình quá nhiều. Chưa một thời điểm nào những câu chuyện thương tâm, hoàn cảnh khó khăn bị đưa lên sóng nhiều để lấy tình thương của khán giả như lúc này, trong đó cũng không thiếu các cuộc thi dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Như trường hợp của Hồ Văn Cường, Thần tượng âm nhạc nhí mùa đầu tiên, cũng là thí sinh được phô bày quá nhiều cuộc sống lam lũ, cơ cực, để khán giả thương. Giọng hát các em có, tuy nhiên đây chỉ mới là năng khiếu chứ chưa thể gọi là tài năng.

Khi một chương trình dành cho tài năng nhí kết thúc, sự quan tâm đông đảo của công chúng, lượt chia sẻ các video clip, lượt xem trên các phương tiện giải trí... là một “giá trị” lợi nhuận có thực của các nhà sản xuất. Trong khi đó, các em nhỏ sẽ không hoàn toàn trở lại sự trong sáng vốn có với lứa tuổi của mình. Ám ảnh về một ngôi sao, môi trường của người nổi tiếng, kể cả những bài báo, trang thông tin khai thác các em “tận sâu” cũng là một ảnh hưởng không nhỏ, làm mất đi sự phát triển tự nhiên của một năng khiếu bẩm sinh.

Điều chỉnh và vẫn lên sóng

Dù còn đó rất nhiều điều lo lắng về những chương trình dành cho lứa tuổi thiếu nhi, nhưng nhu cầu cho con được tham gia của bậc phụ huynh cũng không giảm, khán giả xem yêu thích ngày một tăng và chính các em cũng cần có thêm nhiều hoạt động để thích nghi với sự thay đổi quá lớn của cuộc sống hiện đại. Nhưng, để làm sao giữ được sự trong sáng, phát triển tự nhiên nhất của các em nhỏ cũng là điều khiến cho nhiều nhà sản xuất đi vào tìm kiếm những định dạng chương trình phù hợp nhất, cũng như có khung giờ phát sóng không làm ảnh hưởng đến nhu cầu học hành chính của các em.

Bé Tin Tin gây sốt trong chương trình Người hùng tí hon.

Sau mùa giải thành công của Người hùng tí hon, năm nay, chương trình cực "hot" này quyết định chọn khung giờ “khó” để lên sóng là 19h trên HTV7. Tuy vậy, sự ủng hộ của khán giả về khung giờ hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi đã giúp cho Người hùng tí hon có được sự thành công về mặt thương hiệu rất lớn. Hơn nữa, chính chương trình cũng đã có những điều chỉnh, tiết chế về mặt nội dung, đơn giản hóa đến mức tối đa để các em nhỏ hoàn toàn ứng diễn tự nhiên theo năng khiếu của mình. Sau những tuần thi hấp dẫn, dễ thương, chương trình Người hùng tí hon cũng đã kết thúc với chiến thắng của Biệt đội Gấu, đó là thầy trò Tuấn Kiệt - Tin Tin.

Thêm một điểm sáng của các chương trình giải trí dành cho các em nhỏ chính là không “bỏ rơi” các em sau khi chương trình kết thúc. Một số nhà sản xuất đã chú trọng cả việc làm sao giúp đỡ những tài năng ấy phát triển theo đúng độ tuổi và có hành trình hoàn thiện năng khiếu rõ ràng. Ví như, Thiên Khôi của Người hùng tí hon cũng đã trình làng album ca nhạc với những ca khúc đúng tuổi, hợp nội dung của một ca sĩ thiếu nhi. Hay mới nhất là bé Tin Tin cùng thầy của mình là Tuấn Kiệt cũng sẽ có một đêm diễn mang tên Người hùng tí nị, diễn ra vào lúc 20h ngày 28/10 để tri ân khán giả...

Các đêm chung kết đều liveshow trực tiếp, nên áp lực lên các thí sinh nhỏ tuổi không hề nhỏ.

Song hành cùng những chương trình âm nhạc, các chương trình như Cầu thủ nhí, Bố ơi mình đi đâu thế, Cha con hợp sức, Con đã lớn khôn... cũng có sức hút không hề thua kém dù không phải ca hát, diễn, hay tài năng nào quá đặc biệt. Sắp tới, sẽ có thêm những chương trình truyền hình đặc thù dành cho lứa tuổi nhỏ hứa hẹn nhiều thay đổi, điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Chẳng hạn: Biệt tài tí hon. Đây là chương trình truyền hình thực tế giới thiệu những tài năng nhí trên khắp mọi miền đất nước ở độ tuổi từ 3-7 tuổi ở mọi lĩnh vực ca hát, nhảy múa, ảo thuật, nhạc kịch, hài kịch, xiếc, hoạt náo hoặc những tài năng đặc biệt khác có thể biểu diễn trước khán giả.

Dù còn nhiều bất cập, nhưng chính trong sự phát triển và tồn tại của những chương trình truyền hình dành cho lứa tuổi thiếu nhi, chắc hẳn sự điều chỉnh và quay trở lại với đúng sự tự nhiên, trong sáng của các em sẽ xảy ra. Vì có như vậy, khán giả mới đang xem một chương trình đúng lứa tuổi, hợp phong cách và có chất riêng.

Nhất Nguyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tre-em-co-con-trong-sang-trong-showbiz-d48885.html