Trẻ em bị mộng du: Tác hại khôn lường và cách chữa trị

Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ (một loại của rối loạn giấc ngủ). Bệnh này có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường xuất hiện ở trẻ em từ 3-12 tuổi và mất dần sau tuổi dậy thì.

Nguyên nhân gây mộng du

Theo Gia đình & Xã hội, nguyên nhân của mộng du thường liên quan đến độ tuổi và quá trình phát triển, nhưng có một số yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc chứng mộng du ở trẻ như: Thiếu ngủ, tâm lý căng thẳng và lo lắng.

Trong Đông y, mộng du là do tâm can âm hư gây nên. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh và đến những người xung quanh - VnExpress chia sẻ.

Cũng theo đó, Vietnamnet cho biết thêm, các nhà khoa học chia giấc ngủ làm 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1: giai đoạn giấc ngủ nông. Các hoạt động cơ bắp dần chậm lại. Thỉnh thoảng có hiện tượng cơ bắp co giật.

Giai đoạn 2: nhịp thở và nhịp tim dần chậm lại. Nhiệt độ cơ thể giảm nhẹ.

Giai đoạn 3: bắt đầu giai đoạn ngủ sâu. Não bắt đầu phát ra sóng chậm delta.

Giai đoạn 4: giai đoạn ngủ rất sâu. Nhịp thở đều; hoạt động cơ bắp rất hạn chế. Não sinh sóng delta.

Giai đoạn 5: mắt chuyển động nhanh, sóng não nhanh và các giấc mơ bắt đầu xuất hiện. Các cơ được thả lỏng, nhịp tim bắt đầu chậm lại, nhịp thở nhanh và nông.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần gọi hiện tượng mộng du là “rối loạn kích thích”, nghĩa là có một tác nhân nào đó kích thích bộ não thức dậy khi đang trong giai đoạn ngủ sâu, đưa người mộng du vào trạng thái chuyển tiếp giữa ngủ và thức.

Triệu chứng

Triệu chứng Mộng du thường gặp ở bé trai từ 7-12 tuổi, và thường biến mất khi trẻ dậy thì. Khi trẻ đi lại trong đêm, chúng thường đi tiểu ở những nơi không đúng qui định, nói tục mà trong trường hợp thông thường hàng ngày không có.

– Mộng du đơn giản: Người ta chia 2 trường hợp hành vi. Trường hợp thứ nhất, trẻ em ngồi ngay trên giường vừa nói vừa có những động tác quờ quạng, thỉnh thoảng lại nói. Trường hợp thứ 2, trẻ mộng du đứng dậy đi quanh quẩn trong phòng sau đó lại quay về giường ngủ tiếp. Trẻ mộng du vẫn mở mắt, và cái nhìn của bé thẫn thờ. Nếu có ai đó nói chuyện bé có thể trả lời chính xác, thậm chí có thể làm theo lệnh. Nhưng trẻ mộng du rất dễ bị kích thích, càu nhàu nếu chúng ta hỏi quá lâu. Đôi khi trẻ có thể làm những hành động như di chuyển đồ vật, bước xuống cầu thang, làm bể kính, lục tìm trong tủ lạnh, ăn uống… hay đi tiểu tiện ở một gốc nào đó. Loại mộng du này không nguy hiểm, diễn ra tối đa một lần mỗi tháng, kéo dài trong 10 phút. Mộng du có xu hướng biến mất trong vài tháng hoặc đến tuổi dậy thì.

– Mộng du có nguy cơ: Đây là dạng nặng hơn của mộng du đơn giản. Mộng du kéo dài hơn 10 phút và lặp đi lặp lại 2 – 3 lần/tuần. Trẻ mộng du có những hành động nguy hiểm: có thể tự gây tổn thương cho chính bản thân trẻ và những người xung quanh, có thể bị té ngã và có ý định trèo qua cửa sổ.

– Mộng du khiếp sợ: Những cơn đầu tiên của trẻmộng du loại này có thể xuất hiện trước 6 tuổi hoặc sau 10 tuổi và kéo dài đến lứa tuổi dậy thì. Cơn khởi phát rất sớm sau khi ngủ. Ở trẻ em nhảy qua cửa sổ cao gấp 2 lần khi trong cơn mộng du. Trẻ mộng du trong trạng thái vô thức và trong trạng thái khiếp sợ, có thể nằm tại chỗ không đi, hét rống lên trong đêm, nhịp tim tăng, nhịp thở tăng và hoạt động của cơ cũng tăng. Vỏ não của trẻ cũng đang trong giấc ngủ chậm và sâu, mộng du có thể xảy ra nhiều lần trong đêm.

Cách điều trị

Người bệnh bị mộng du do tâm can âm hư thường tâm phiền, choáng váng, đau đầu, hay muộn phiền, giấc ngủ không sâu, cần dùng bài thuốc dưỡng huyết an thần bao gồm:

Viễn chí 12 g, táo nhân 12 g, phục thần 12 g, mạch môn 12 g, huyền sâm 12 g, đan sâm 12 g, đẳng sâm 12 g, long cốt 12 g, bạch truật 12 g, cam thảo 4 g, táo 3 quả, đương quy 12 g, hoàng kỳ 12 g.

Cách dùng: Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát, chia thành 3 lần uống trong một ngày.

Để ngăn chặn chứng mộng du phát triển, người bệnh cần lưu ý những điểm sau: tránh uống các chất kích thích như cà phê và rượu trước khi ngủ, dành thời gian ngủ trưa, không ăn quá gần giờ đi ngủ, thiết lập thói quen đi ngủ đều đặn và thư giãn, tránh tiếp xúc những nơi ồn ào, kích động.

Đối với những trẻ thường bị mộng du, cha mẹ cần ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi bé bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Cách này sẽ làm thay đổi giờ giấc, góp phần cải thiện tình trạng mộng du của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống, khi trẻ đang mộng du, tránh đánh thức hay làm trẻ giật mình. Hãy nhẹ nhàng đến gần và hướng trẻ quay trở lại giường ngủ. Mộng du có thể sẽ kết thúc ngay khi trẻ quay trở về điểm xuất phát, nhưng để an tâm hơn, cha mẹ nên nán lại với con để chắc chắn trẻ đã hoàn toàn ngủ say. Cũng có một số phương pháp giúp trẻ hạn chế chứng mộng du như: Cho con thư giãn trước khi ngủ bằng những bản nhạc nhẹ nhàng; giữ yên tĩnh và giảm độ sáng của đèn trong phòng khi con ngủ, hạn chế để trẻ uống nhiều nước vào buổi tối và nhắc con đi vệ sinh trước giờ ngủ để không phải thức dậy vào ban đêm.

Hậu quả khôn lường khi bị mộng du

Khi bị mộng du, người bệnh không thể kiểm soát được hành vi của mình nên dễ dàng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, nhảy lầu,…

Con trai mộng du giết bố

Vào năm 2003, thi thể của Edward Lowe, 83 tuổi, đã được tìm thấy trong khu vườn của gia đình ông ta. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân dẫn đến cái chết là do bị đánh đập nặng nề. Người hàng xóm phát hiện thi thể của Edward ngay lập tức đã liên lạc với cảnh sát.

Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ kẻ tình nghi là con trai của người đàn ông, Jules. Sự việc xảy ra vào một đêm khi Jules và Edward đều uống rượu say. Jules cho biết, gia đình ông đều có tiền sử bệnh mộng du, và để chấm dứt những cơn mê đó, họ phải uống rất nhiều rượu. Ông đã giết cha mình trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Edward tấn công Jules khi say rượu, vì vậy hành động của Jules chỉ là tự vệ chính đáng. Chính vì thế, ông đã không bị kết tội giết người.

Hiếp dâm trong cơn mộng du

Năm 2005, sau khi tiệc tan thì Jan Luedecke, đến từ Toronto, cũng đã say khướt và ông ngủ thiếp đi trên chiếc ghế sofa. Một vài giờ sau đó, ông bị đánh thức bởi một người tới dự tiệc, một người hoàn toàn xa lạ. Cô ta đã la hét và đẩy ông xuống đất. Ông nói rằng ông chẳng biết điều gì đã xảy ra, và chỉ khi bị đẩy xuống sàn nhà ông mới tỉnh. Sau đó, Luedecke đã bị buộc tội cưỡng hiếp người phụ nữ kia, nhưng ông nói rằng ông chỉ đang ngủ và thậm chí đã không nhận ra ông đã quan hệ tình dục lúc nào.

Khi ông đi vào phòng tắm và thấy rằng ông vẫn mang bao cao su. Tòa án rất nghi ngờ với những lời phản biện của Luedecke, thậm chí ngay cả khi Tiến sĩ Colin Sharipo nói rằng ông này mắc chứng bệnh mộng du. Cả bốn người bạn gái cũ của Luedecke sau đó đã phải làm chứng cho ông rằng họ cũng đã từng thấy Luedecke bị như vậy khi họ còn đang hẹn hò.

MỸ AN (Tổng hợp)

Xem thêm video:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/tre-em-bi-mong-du-tac-hai-khon-luong-va-cach-chua-tri-a168500.html