Trẻ "dạt nhà” – những ẩn họa được báo trước: Vươn lên từ hè phố

Qua nghiên cứu của một số tổ chức xã hội và qua thực tế tiếp xúc, chúng tôi thấy một thực trạng là đa phần trẻ em lang thang dạt nhà có những số phận rất éo le và đa phần đều tương lai mờ mịt, bất ổn. Nhưng trong số đó vẫn có những em bằng sự phấn đấu nỗ lực hết mình của bản thân, cộng với một chút may mắn mà đã thoát ra khỏi "hố đen", tạo lập cho mình một cuộc sống khá ổn định. Bùi Tuấn Mão trong phóng sự sau đây là một ví dụ.>> Trẻ dạt nhà và những lời đắng trên facebook

I. Giờ đây, khi đã là ông chủ của một lò chuyên làm các loại bánh mì, bánh ngọt… đôi lúc đi qua Công viên Thống Thất, Bùi Tuấn Mão (tên thường gọi là Hải - 26 tuổi, hiện trú tại Thúy Lĩnh, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn bồi hồi nhớ lại thời "tuổi thơ dữ dội" của mình.

"Trong số 6, 7 thằng cùng "hội" với em thời dạt nhà thì có thằng nghiện ngập, có thằng đang đi trại cải tạo, có thằng vẫn lang thang dạt nhà như ngày xưa. Chỉ có mình em là tạm ổn hơn một chút. Nhiều đêm nằm ngủ em lại mơ về quãng thời gian ấy mà giật mình, toát hết cả mồ hôi. Tỉnh dậy thấy nằm cùng vợ cùng con, em mới tin mình đang có một mái ấm, và thực sự đã thoát khỏi kiếp lang thang dạt nhà" - Hải tâm sự với giọng bùi ngùi.

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở thành phố Lào Cai, cậu bé Hải đã sớm phải chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ mất sớm, cha đi lấy vợ khác, Hải cảm thấy vô cùng tủi thân. Trong đầu óc non nớt của cậu bé, thì dì ghẻ là "con ngáo ộp" gớm ghiếc mà cậu không thể sống chung. Mười một tuổi đầu, chẳng biết nghe ai xui khiến mà Hải leo lên tàu "dạt" về Hà Nội để bắt đầu cuộc sống lang thang bụi đời.

"Lúc ấy em chỉ mặc độc một chiếc áo phông và cái quần xà lỏn. Trên tàu nhiều cô, bác cứ hỏi bố mẹ đâu mà lại đi một mình? Em nói dối là cháu bị lạc. Thế rồi tàu về ga cuối, em cũng xuống như mọi người. Em cứ ngồi lơ ngơ ở ga, từ sáng sớm đến tối mịt thì có mấy thằng "ma cũ" đến làm quen, thế rồi em theo chúng nó".

Ban đầu Hải theo đám bụi đời ở ga đi làm cửu vạn để kiếm sống. Cứ thấy cô bác nào xuống ga tay xách nách mang là cả lũ lau nhau chạy đến khuân hộ cái này, đỡ hộ cái kia. Hải được trả công vài ngàn đồng, đủ mua cái bánh mì ăn qua ngày. Cũng có những khi vắng khách, chẳng kiếm được đồng nào, "băng" của Hải buộc phải giở trò "mót" hàng. Nghĩa là thấy những người buôn chuyến mang hoa quả, thực phẩm từ Lào Cai, Yên Bái về Hà Nội là mấy thằng lẽo đẽo đi theo. Thừa cơ chủ hàng không để ý là "nhón" lấy quả cam, quả bưởi…

Hải đang làm bánh tại lò.

"Sau một thời gian làm loạn ở Ga Hà Nội, bọn em bị các chú Công an đưa về đồn, cấm không cho tụ tập ở ga nữa. Vậy là cả lũ phải dời địa bàn vào trong Công viên Thống Nhất".

Những ngày đầu mới "nhập gia", Hải đã bị đám giang hồ cũ bắt "chào sân" bằng những trò quái dị mà chỉ có đám trẻ đường phố mới có thể nghĩ ra được.

Đầu tiên là trò hút thuốc lào quấn. Hải và mấy "ma mới" bị bắt phải ngậm một điếu "sâu kèn" rồi chỉ được hít vào mà cấm không được nhả khói ra. "Thằng nào nhả một tý là ăn vả ngay. Anh bảo như thế thì có ma tây nào chịu được. Thằng nào không bị ăn vả thì sặc khói, có thằng say thuốc nôn cả mật xanh mật vàng" - Hải kể. Hết trò hút thuốc sâu kèn thì đến trò trèo dừa. Hải bị bắt phải trèo lên một cây dừa cao nhất. Rồi cứ phải ở yên trên đó, cấm được trèo xuống.

Nhưng trò kinh hãi nhất, khiến Hải cứ nghĩ đến là phải sởn da gà là trò… ném dép. Các anh lớn bắt vạch quần ra, rồi lấy sợi chỉ (hoặc sợi cước) buộc vào "quả ớt", một đầu buộc vào một cái dép. Thế rồi một… hai… ba ném thi xem ai xa hơn. Đám "ma mới" đau quá, giàn giụa nước mắt trong tiếng cười ha hả của đám "ma cũ".

Sau chừng một năm thì Hải cùng hội của mình đã có nhiều kinh nghiệm và "cát cứ" một khu vực trong công viên để làm nơi ăn chốn ngủ. Thường thì ban ngày chúng túa đi đánh giày, ăn xin… Ban đêm lại kéo nhau về "khách sạn nghìn sao", nghĩa là thằng nằm ghế đá, thằng nằm bãi cỏ, có thằng còn trèo lên cây để ngủ. Rồi thi thoảng chán cảnh đánh giày, mấy thằng lội xuống hồ Bảy Mẫu bắt cá rồi xâu vào cành liễu, mang ra cổng công viên bán. Mỗi xâu bán được khoảng 10 ngàn đồng.

Một số tác phẩm bánh ngọt của Hải.

Rồi một buổi sáng, cả lũ đang say sưa ngủ thì bị các trật tự viên gọi dậy, đưa hết về phường. Sau đó chúng được phân loại, thằng thì được người thân bảo lãnh về nhà, thằng thì lên Trung tâm Bảo trợ xã hội 1. Ít ngày sau, Hải chính thức gia nhập mái nhà Bảo trợ 4 (Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội).

"Khi bị đưa vào trung tâm, em rất lo lắng vì sợ bị đánh đập, bị bỏ đói… Thế nhưng sự thực hóa ra không phải như vậy. Ở đây em được ăn uống đầy đủ, được đi học, có bạn bè… Dẫu rằng điều kiện không thể bằng sống với gia đình, song em đã có môi trường tốt để bứt hẳn khỏi những việc làm xấu.

Nhóm bụi đời ngày xưa của em từng bị đám giang hồ anh chị ép buộc phải đi bán lẻ "hàng trắng". Em thì dù bị đánh đập, bị hút sâu kèn hay "ném dép" vẫn quyết không đi bán cho tụi nó. Nhưng cũng có mấy thằng không chịu được đòn, đành phải nghe theo. Thế rồi sa vào nghiện ngập, có thằng đã chết vì sốc thuốc. Giờ nhẩm lại, chỉ có mình em may nhờ được đưa vào trung tâm, được đi học văn hóa, đi học nghề và cố gắng phấn đấu giờ mới được như thế này".

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2013/11/81976.cand