Trẻ bị xâm hại - Hiểm họa từ chung cư

Chuyện chị T.T.Th. tố cáo người hàng xóm có hành vi dâm ô với con gái mình dấy lên mối lo: “Chung cư vốn được xem là môi trường sống khá an toàn, làm sao các em có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục?”.

Vụ việc chị T.T.Th. (TP. Vũng Tàu) tố cáo người hàng xóm có hành vi dâm ô với con gái mình hiện vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ theo sự chỉ đạo của ông Mai Ngọc Thuận - Bí thư Thành ủy TP. Vũng Tàu. Chị Th. cho rằng, con gái sáu tuổi của mình bị ông N.K.T. (76 tuổi) - cùng sống tại chung cư Lakeside, xâm hại. Qua tìm hiểu, chị Th. còn được biết ông T. nhiều lần “giở trò” với một số em nhỏ khác sống cùng khu chung cư nhưng vì ái ngại, các phụ huynh chỉ biết im lặng hoặc chuyển nhà.

Khi chọn nơi an cư, nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ vẫn ưu tiên căn hộ chung cư. Ngoài phù hợp kinh tế, văn hóa, chung cư còn sở hữu nhiều ưu điểm: có khuôn viên vui chơi cho trẻ em, phát triển quan hệ hàng xóm; nhiều chung cư an ninh tốt với camera và bảo vệ trực 24/7. Nhưng, câu chuyện của chị Th. dấy lên mối lo mới của người dân: “Chung cư vốn được xem là môi trường sống khá an toàn, làm sao các em có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục?”.

Bất an chung

Là một trong những chung cư cao cấp ở Q.2, chung cư River Garden được đánh giá cao về tiện ích cũng như an ninh. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Thu Đoan - một cư dân ở đây, mọi nỗ lực bảo vệ an ninh ở chung cư đều có thể còn sót những kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng.

Ở River Garden, camera được đặt khắp các vị trí; lối đi nội bộ được quản lý bằng thẻ từ, người ra vào đều phải dùng thẻ. Tất cả những khu sinh hoạt chung như khuôn viên, phòng gym, hồ bơi… đều được tính là khu vực nội bộ. Ngoài cư dân có thẻ từ, người lạ vào chung cư đều phải thông qua bảo vệ. Mỗi lượt khách đến đều được giữ lại ở sảnh để bảo vệ ghi nhận thông tin, liên hệ, xác nhận với chủ nhà. Mỗi căn hộ chỉ được tiếp một lần bốn khách, và phải cam kết chịu trách nhiệm về việc tuân thủ nguyên tắc an ninh. Mọi nhu cầu nằm ngoài quy định thông thường về tiếp khách, chủ nhà đều phải làm cam kết với an ninh chung cư...

Tuy được kiểm soát chặt chẽ như thế, nhưng có lúc, con gái của chị Thu Đoan lại phát hiện… một người đàn ông bất thần vào nhà mình khi cửa không khóa. Sự cố sau đó được giải thích là... vào nhầm do các căn hộ đều giống nhau; nhưng câu chuyện lại chỉ ra những kẽ hở mà hệ thống an ninh chung cư không thể bao quát hết. Khi đã vào được cửa nội bộ, mọi người đều có thể tự do đi lại khắp 21 tầng, cả khu vui chơi trẻ em. Mặt khác, khu sinh hoạt chung thường đông đúc vào buổi chiều; hồ bơi cùng các không gian vui chơi, giải trí của trẻ em và người lớn kề cận nhau; con trẻ có thể “lâm nguy” trong chớp nhoáng, phụ huynh khó lòng kiểm soát...

Nếu coi hệ thống kiểm soát an ninh là “bảo chứng” cho niềm tin con em mình tránh được các nguy cơ từ người lạ của nhiều phụ huynh ở các chung cư cao cấp, thì “lợi thế” tại một số chung cư bình dân/ cũ chính là sự tin cậy trong mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.

Nằm cạnh một con kênh, sau lưng là khoảnh đất trống; đường nội bộ dọc chung cư Gia Phú (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) yên tĩnh, thoáng mát, đông đúc trẻ em vui chơi. Trưa, trời bất ngờ đổ mưa, bọn trẻ đủ độ tuổi đang chơi dưới khuôn viên chạy tỏa vào các hành lang, tiếp tục cuộc chơi. Lúc này, một, hai phụ huynh mới xuất hiện, dáo dác tìm rồi lặng lẽ quay vào nhà khi “xác định” con mình đã yên vị đâu đó - mưa không đến mặt, nắng không đến đầu.

Không giống sự yên tĩnh, riêng tư ở chung cư cao cấp; trong những chung cư bình dân như Gia Phú, dân cư gần gũi, cởi mở; trẻ con cũng được thoải mái vui chơi, tiếp xúc và giao tiếp cả với người lớn. Chỉ cần con trẻ còn trong phạm vi chung cư là cha mẹ yên tâm. Trong một góc hành lang vắng vẻ, em Phan Ngọc Huyền (11 tuổi) ngoan ngoãn ngồi chơi với bạn, chờ mẹ về. Là cư dân mới, Huyền cho biết, khi còn ở nhà phố, mỗi lần mẹ rời nhà, em luôn được dặn các nguyên tắc ứng xử với người lạ khi ở một mình.

Nhưng, dời qua chung cư này, em không còn chịu những áp lực nói trên: “Con thấy ở đây rất an toàn. Dù gặp người lạ ở hành lang hay trong thang máy, con cũng không sợ như lúc ở nhà phố. Bạn cùng lứa của con cũng ở gần đây, mỗi lần chơi với nhau, mẹ của bạn ấy cũng muốn tụi con chơi trong phạm vi chung cư để an toàn”.

Chung cư Lạc Long Quân (P.5, Q.11) gần 20 năm tuổi, có những góc rộng nơi cầu thang, khu vực tập trung đồ phế liệu không nhiều người lui tới nhưng trẻ em hứng khởi coi đó là “sân chơi” thú vị của mình. Chị Lê Thị Như Lan, một người dân ngụ tại đây kể, thi thoảng trời nóng hay cần không gian hóng mát, nhiều người lớn trong chung cư cũng chọn những góc này. Đó còn là nơi nghỉ chân thường xuyên của người phát tờ rơi quảng cáo, người thu mua ve chai... “tạt” lên chung cư. Nhìn chung, hầu hết các chung cư bình dân, cũ đều không hạn chế người lạ thâm nhập, tự do đi dọc các hành lang.

Không có camera hay bảo vệ canh gác, nhưng hầu hết cư dân ở các chung cư bình dân tin rằng, mối quan hệ gần gũi giữa các cư dân giúp góp phần bảo vệ con em mình. Hàng xóm này có thể để mắt đến những đứa trẻ là con em hàng xóm khác.

Cơ sở hạ tầng có "bảo chứng" an toàn cho trẻ?

Những tưởng, chỉ ở các cung đường vắng, xóm trọ hay công viên - nơi không có sự giám sát của người thân lẫn hệ thống bảo vệ an toàn, mới tồn tại nguy cơ xâm hại tình dục với trẻ. Thế nhưng, con số thống kê từ vô vàn vụ trẻ bị quấy rối tình dục, cho thấy thủ phạm của các vụ án này chỉ… 10% là người lạ. Điều này cho thấy, bản thân cơ sở hạ tầng không thể bảo vệ trẻ trước “yêu râu xanh”. Là cư dân một chung cư cao cấp tại Q.7, chị Minh Huyền vẫn chưa hoàn hồn khi kể lại câu chuyện con gái bảy tuổi của mình bị “người lạ” đưa đi. Khi H. - con mình xin phép xuống khuôn viên chơi, chị Huyền đưa con ra đến thang máy thì phát hiện quên mang thẻ.

Phan Ngọc Huyền (trái) và bạn học vui chơi ở hành lang chung cư - địa điểm vui chơi mà cả con trẻ và phụ huynh đều thấy an toàn

Chị để con đứng đợi để quay vào nhà. Chưa đầy 20 giây, trở ra, chị phát hiện con gái không còn ở đó. Nháo nhác tìm các ngóc ngách hành lang lẫn khu vực đường bộ đều không thấy, chị Huyền tá hỏa xuống khuôn viên thì thấy con. Chị hỏi, con trả lời: “Một chú “quẹt” thang máy xuống, con theo luôn”. Vấn đề là, mẹ con chị không hề có người quen ở cùng chung cư. Giữa một chung cư cao cấp với đầy đủ các biện pháp an toàn này, an nguy của H. trong khoảnh khắc ấy lại chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào may-rủi.

Thực tế, theo các cơ quan điều tra, việc khởi tố một vụ án xâm hại tình dục lắm khi rơi vào bế tắc bởi việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Huống hồ, trong nhiều vụ, trẻ có thể là nạn nhân của tội phạm “dâm ô” (hành vi kích thích tình dục nhưng không có mục đích giao cấu) khi mà bước giám định không cho thấy trẻ bị tổn thương vùng kín. Thậm chí, về phương diện tình cảm, tâm lý, hành vi “dâm ô” lắm khi còn bị đánh đồng với thể hiện sự yêu thương, cưng nựng trẻ.

Sau hai năm về sống ở chung cư Thủ Thiêm Xanh, Q.2, chị Tạ Thị Thanh Bình (chủ shop Nông trại hạnh phúc) kịp thân thiết với một gia đình hàng xóm. Chị Bình kể: “Nhờ sự thân thiết này, tôi thường xuyên cho cậu con trai ba tuổi của mình sang chơi. Nhưng sau đó, nhiều lần tôi bắt gặp vị hàng xóm… sờ mó, xoa bóp bộ phận sinh dục của con tôi. Từ khó chịu, tôi nói thẳng “anh không được làm thế”; vẫn không thấy tiến triển, tôi buộc lòng không cho con đến gần anh ta nữa”.

Chị Bình cho biết, sau nhiều lần bị sờ soạng, con trai chị thường ôm bộ phận sinh dục kêu đau, cháu tỏ ra “nhạy cảm” bất thường đến mức khi tắm cho con, chị cũng phải "xin phép". Chị Trần Bích L. (cư dân một chung cư xin giấu tên) có con gái năm tuổi, thể chất phát triển hơn so với nhiều đứa trẻ cù ng trang lứa, mỗi lần sang hàng xóm chơi cũng hay bị… sờ ngực, trêu rằng: “Còn nhỏ mà ngực to nha” khiến bé vô cùng xấu hổ. Có lần, đi công việc nên chị L. gửi con nhờ hàng xóm trông; lúc về, thấy con cứ thút thít, than đau ngực; chị L. kéo áo con xem, chết lặng với dấu tay. Mang con sang “mắng vốn”, chị nhận lại một giải thích vô tình: “Con nít mà, cưng một chút làm gì ghê vậy”.

Theo chị Bình, chị L., tệ hơn là khi chuyện đến tai những hàng xóm khác, cứ ngỡ được ủng hộ lên án hành vi xấu kia, thì cái mà các chị nhận lại là nụ cười… mỉa mai. Phần lớn cho rằng những phụ huynh như chị Bình, chị L. đang làm lớn chuyện, bảo vệ con quá mức. Họ không nhận thức rằng, hành vi xâm hại thân thể các em cần được quyết liệt lên án; dù chỉ là sờ soạng vào các bộ phận nhạy cảm của trẻ em, “đối tượng” có thể bị khép vào tội “dâm ô” với trẻ em. Mà, hành vi đó ví như một “cánh cửa” mở sẵn, dẫn các em dễ dàng trở thành nạn nhân của tội giao cấu/ hiếp dâm. Còn tổn thương tâm lý của các em, chưa bao giờ là câu chuyện cũ kỹ…

“Khép vào tội “dâm ô” với trẻ em, điều 116, Bộ luật Hình sự hiện hành (Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009; Bộ luật Hình sự 2015 hoãn áp dụng đến 1/1/2017), điều 116 quy định: “Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: phạm tội nhiều lần; đối với nhiều trẻ em; đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm”.

Tuyết Dân - Minh Trâm

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/tre-bi-xam-hai--hiem-hoa-tu-chung-cu-79364/