Trầy trật xây nhà ở xã hội

Theo một số doanh nghiệp bất động sản đầu tư nhà ở xã hội, dù rất muốn chia sẻ với người mua nhà trong việc giảm giá bán, hỗ trợ lãi suất cho vay song trong bối cảnh hiện tại rất khó để thực hiện, nhất là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ lãi suất thấp đã dừng, trong khi chưa có chương trình mới tương tự thay thế. Điều này không chỉ khiến người mua nhà gặp khó mà chủ đầu tư cũng trầy trật.

Nhu cầu nhà ở xã hội đang rất lớn, Chính phủ và doanh nghiệp cũng đang rất quan tâm song để xây dựng được loại nhà ở này vẫn còn nhiều nan giải

Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, hiện nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Đối tượng chính chủ yếu là cán bộ công chức, hộ thu nhập nghèo, cận nghèo và lao động trong khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tiềm năng về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở thương mại nói riêng còn lớn khi toàn Thành phố còn hơn 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc ở chung với cha mẹ, người thân cần loại nhà ở này.

Nhu cầu lớn song trên thực tế, số lượng dự án nhà ở xã hội cung cấp trên thị trường hiện nay vẫn như “muối bỏ bể”. Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2006 đến nay, UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư 51 dự án nhà ở xã hội với tổng số hơn 48.000 căn hộ. Trong đó, đã hoàn thành 12 dự án, với gần 4.000 căn hộ, bao gồm 6 dự án sử dụng vốn ngân sách và 6 dự án ngoài ngân sách.

Hiện, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Tp.HCM đã chuyển hướng đầu tư vào loại hình nhà ở này để khai thác phân khúc khách hàng đang có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn đầu tư lẫn những chính sách tín dụng hỗ trợ từ nhà nước đang khiến không ít chủ đầu tư gặp khó. Nhất là kể từ khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đã dừng duyệt hồ sơ và chỉ còn giải ngân cho đến hết năm, còn chương trình ưu đãi mới tương tự thay thế.

Một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Tp.HCM cho biết, công ty bà đang đầu tư xây dựng một dự án nhà ở xã hội kết hợp nhà ở thương mại tại quận 12. Dự án này có quy mô hơn 1.000 căn hộ, trong đó 80% sản phẩm là nhà ở xã hội và 20% còn lại là nhà ở thương mại.

Đối với các sản phẩm nhà ở xã hội, căn hộ nhỏ nhất có diện tích 43 m2, giá bán mỗi căn khoảng 600 triệu đồng (đã bao gồm VAT 5%). Riêng các sản phẩm thuộc nhà ở thương mại trong dự án này, ước tính hơn 200 căn có giá bán dự kiến 16 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT 10%).

Mặc dù mức giá bán giữa các căn thuộc nhà ở xã hội thấp hơn khá nhiều so với các căn thương mại song khách hàng phải tuân thủ đúng quy định như việc phải thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, lãi suất vay lại theo lãi suất thị trường với 7,5% trong năm đầu tiên, sau đó thả nổi theo thị trường, tức cộng thêm biên độ 3-3,5%/năm.

Nói thêm về mức lãi suất này, bà cho biết, dù đã cố gắng tính toán và rất muốn chia sẻ với người mua nhà cũng như thuận lợi cho việc bán hàng nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay thì không thể hỗ trợ thêm lãi suất được. Hơn nữa, phần lớn các căn hộ của dự án là nhà ở xã hội nhưng nguồn vốn xây dựng là do tự thân doanh nghiệp chứ không được hỗ trợ ưu đãi từ các chương trình tín dụng.

Điều này cho thấy, việc mua nhà ở xã hội cũng là điều không dễ dàng đối với rất nhiều người.

Mới đây, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người mua nhà, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã có kiến nghị NHNN chấp thuận cho giải ngân tái cấp vốn các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại đã chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội mà chủ đầu tư dự án đó đang xây dựng dở dang và đã bán cho khách hàng trong trường hợp người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/3/2016. Tuy nhiên, kiến nghị này không được NHNN chấp thuận.

Liên quan đến nguồn vốn phục vụ kế hoạch thực hiện chính sách nhà ở xã hội, HoREA cũng vừa có văn bản thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 500-1.000 tỷ đồng nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Ngoài ra, trước thực trạng nhà ở xã hội khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, một số ý kiến cũng cho rằng, nên tạm ngưng việc xây dựng loại nhà này dạng bán đứt cho khách hàng mà chuyển sang dạng cho thuê.

Như vậy, rõ ràng nhu cầu nhà ở xã hội đang rất lớn, Chính phủ và doanh nghiệp cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế dường như hiệu quả vẫn chưa cao.

Hiện Việt Nam chưa có một chương trình tổng thể, một chiến lược để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả. Ít doanh nghiệp quan tâm đến nhà ở xã hội một cách thực sự bởi vì lợi nhuận đầu tư nhà ở xã hội thấp. Trong khi đó Chính phủ chưa có một chính sách rõ ràng về quy hoạch lẫn việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn, nhận các ưu đã khi phát triển dự án và mua nhà ở xã hội. Do đó, nhìn chung “con đường” nhà ở xã hội sẽ còn không ít khó khăn.

Thịnh Châu

Nguồn CafeLand: http://cafeland.vn/tin-tuc/tray-trat-xay-nha-o-xa-hoi-62194.html