Trẩy hội đầu xuân: Công nhân muốn nhưng không có khả năng

Ở Việt Nam, hơn 8.000 lễ hội từ làng xã đến cấp quốc gia diễn ra chủ yếu vào dịp đầu xuân, tạo nên một đời sống văn hóa vô cùng đặc biệt. Thế nhưng, trong hàng triệu người được hòa mình vào không khí vui xuân ấy, có bao nhiêu phần trăm là công nhân lao động (CNLĐ)? Chắc chắn con số này rất nhỏ, nếu như không muốn nói là cơ hội cho họ hầu như không có.

Trong dòng người trẩy hội đầu năm như thế này, có bao nhiêu người là công nhân lao động? Ảnh: Hải Nguyễn

Lo cuộc sống hằng ngày còn không đủ.

Anh Hùng Sơn (Hà Nội) cho biết: “Thu nhập của tôi chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, vợ tôi còn ít hơn. Chúng tôi chỉ (dám có) một đứa con, riêng việc lo tiền cho cháu đi học đã hết gần nửa số lương của vợ tôi rồi. May mà sống với cha mẹ nên không phải lo tiền thuê nhà, ăn thì “một nồi, một nước” nên cũng đỡ. Lại còn phải dành khoản để lo việc “kẻ khóc, người cười” nữa... Hình thức giải trí chủ yếu của gia đình tôi là các chương trình truyền hình.

Tiền đâu mà mua vé đi xem các loại hình nghệ thuật biểu diễn ở ngoài hay đi du xuân? Hơn nữa, nghe đài, báo nói đến các tiêu cực ở các lễ hội, lại càng không có ý định đi chơi...”. Khó khăn của chị Trần Thị Thanh (KCN Hưng Yên) lại nằm ở chỗ khác. Điều kiện kinh tế gia đình khá ổn nên chị Thanh không phải lo cho cha mẹ già ở nhà. Bản thân làm trong một DN có thu nhập vào loại khá, thế nhưng, ngoài giờ làm việc, mấy chị em cùng nhà trọ cũng không biết làm gì ngoài việc xem tivi, “buôn” điện thoại để giải trí...

“Sách thì quá đắt, mà báo thì không có điều kiện để mua hằng ngày. Thỉnh thoảng mới có đoàn nghệ thuật về địa phương biểu diễn, nhưng không phải chương trình nào chúng tôi cũng có thể mua vé vào xem được... Còn đi du xuân ư? Nếu Cty không tổ chức thì làm sao chúng tôi được phép nghỉ làm để đi chơi".Một điều dễ hiểu là muốn đi trẩy hội phải có thời gian, phải có tiền bạc.

Thế nhưng, với điều kiện làm việc ca kíp và thu nhập bình quân của NLĐ hiện nay thì để trang trải cuộc sống một cách tàm tạm còn khó, nói chi đến việc du xuân.

Du lịch là vấn đề xa xỉ

Một khảo sát của Viện Sử học VN đối với 1.400 CN trên tổng số 29.562 CN đang làm việc trong các thành phần kinh tế thuộc DNNN, DN ngoài NN, DN có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy đời sống văn hóa tinh thần của CN tại các KCN, KCX phụ thuộc vào lãnh đạo DN và chính quyền địa phương.

Nơi nào được quan tâm thì đời sống tinh thần của CNLĐ còn kha khá, nơi nào không được quan tâm, nhất là hoạt động CĐ không mạnh, không hiệu quả thì việc hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần đối với CN bị coi như một thứ “hàng xa xỉ”, rất xa vời với cuộc sống hằng ngày của CN. Cụ thể, tỉ lệ trung bình CN tham gia sinh hoạt văn hóa tinh thần tại các địa phương lớn (Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng) chỉ đạt 12%.

Trong đó, xem truyền hình đạt tỉ lệ cao nhất (53,2%); đi chùa, nhà thờ là 10%; Internet đạt 9,9%; tham quan du lịch và xem phim, xem nghệ thuật biểu diễn cùng đạt 5,1%. Trong khi đó, loại hình sinh hoạt văn hóa mà CNLĐ thích tham gia nhất lại là đi du lịch (chiếm tới 54 - 66,7%, tùy vào độ tuổi và mức độ thu nhập). Số tiền CNLĐ chi cho các hoạt động văn hóa tinh thần cũng rất thấp, phần lớn chi mức từ 50.000 – 100.000đ/tháng (chiếm từ 23 – 50,7%), mức chi trên 200.000đ/tháng chiếm tỉ lệ nhỏ (từ 2,5 – 9,8%)...

Ngoài giờ làm việc tại Cty, trở về nhà thuê trọ, hoạt động văn hóa tinh thần của công nhân thường là xem truyền hình, chăm sóc gia đình, con cái, gọi điện thoại, nhắn tin cho bạn bè.PGS-TS Đinh Quang Hải -Phó Viện trưởng Viện Sử học VN - cho rằng: “Đã đến lúc, nếu không muốn nói là quá muộn, các địa phương, các cấp, các ngành, các DN để CN trong các KCN, KCX được tham gia và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần, giúp CN hòa nhịp với cuộc sống hiện tại”.

Ông cũng đề xuất: “Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của CN trong các KCN, KCX hiện nay, trước hết cần giải quyết những vấn đề cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất cho CN. Cụ thể là giải quyết tốt các vấn đề về LĐ, việc làm, vấn đề tiền lương, nhà ở và các vấn đề an sinh xã hội khác...”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/tray-hoi-dau-xuan-cong-nhan-muon-nhung-khong-co-kha-nang-179891.bld