Trao truyền ca trù cho giới trẻ

Sau nhiều năm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, ca trù vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn.

Để thúc đẩy sự trao truyền di sản này cho thế hệ trẻ, Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 sẽ được tổ chức từ ngày 11 – 13/11 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Liên hoan Ca trù dành riêng cho các tài năng trẻ.

Bồi dưỡng tài năng trẻ

Sau nhiều năm vinh danh các nghệ nhân lớn tuổi, những người nhiều năm đã gìn giữ, bảo vệ di sản của dân tộc thì năm nay, Liên hoan Ca trù lại hướng tới lớp trẻ, lứa nghệ sĩ kế cận.

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội - cho biết: “Ca trù là loại hình nghệ thuật biểu diễn mang tính bác học nên vừa kén người học vừa kén người nghe.

Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 với mục đích động viên, thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù nhưng cũng là dịp để phát hiện bồi dưỡng các tài năng trẻ...”.

Khác với hai lần tổ chức trước đây, “ngày hội” của những nghệ nhân, nghệ sĩ ca trù ở Thủ đô lần này tập trung các tài năng trẻ. Cụ thể, các thí sinh tham gia Liên hoan được quy định có độ tuổi từ 6 đến 30. Đây là những “hạt mầm” đầy tài năng được đào tạo, truyền dạy và trưởng thành sau khi ca trù được UNESCO vinh danh vào năm 2009.

Tại Liên hoan dành cho các tài năng trẻ Ca trù Hà Nội lần này có 56 thí sinh đăng ký tham dự, trong đó có 29 thí sinh dự thi Đào nương và Kép đàn. Họ chính là những chủ thể của di sản ca trù trong tương lai gần, là bước kế tục đáng ghi nhận của ca trù Hà Nội...

Liên hoan lần này bên cạnh các giáo phường, CLB Ca trù đã thành danh của Thủ đô như: Giáo phường Ca trù Thái Hà, Giáo phường Ca trù Thăng Long, CLB Ca trù Lỗ Khê, Chanh Thôn, Ngãi Cầu... có sự xuất hiện của nhóm hát mới có tên CLB Ca trù Phú Thị đến từ huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Ban giám khảo Liên hoan cho biết: “Giải thưởng sẽ chia làm 2 độ tuổi là từ 6 - 15 tuổi và từ 16 - 30 tuổi. Bên cạnh giải tập thể sẽ có nhiều giải cá nhân và các tiết mục bốc thăm hát thêm sẽ là điểm cộng để các thí sinh nhận giải xuất sắc”.

Truyền nghề cho thế hệ kế tiếp

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, từ khi ca trù được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hà Nội bước đầu đã có sự quan tâm chăm lo cho hoạt động bảo tồn, phát triển ca trù. Năm 2017, thời điểm UNESCO yêu cầu Việt Nam báo cáo công tác bảo vệ khẩn cấp của ca trù đã đến gần.

Theo ca nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long, để kết nối tình yêu bền chặt với nghệ thuật này, các ca nương nhí phải thường xuyên được dìu dắt, bồi dưỡng và truyền lửa đam mê, nếu không sẽ khó giữ được lửa nghề. Sự có mặt của nhóm ca trù nhí với các em nhỏ 6 - 15 tuổi chính là những ngọn lửa hy vọng được nhen lên bởi tình yêu dành cho di sản ca trù.

GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - cho rằng, ca trù cần phải được đưa vào trường học để dạy một cách bài bản giống như các môn nghệ thuật khác.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân cũng rất cần sự quan tâm của Nhà nước để sống được với nghề - đó cũng là cách thể hiện sự quan tâm đến các nghệ nhân, là cơ sở điều kiện để thu hút người trẻ tìm đến với âm nhạc truyền thống.

Trong dòng chảy sôi động của thời đại, nhiều nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này đã và đang đứng trước nhiều thách thức lớn, Liên hoan Ca trù Hà Nội 2016 kỳ vọng là dịp để di sản ca trù Việt Nam khẳng định rằng đã vượt qua được tình trạng “cần được bảo vệ khẩn cấp” và đề xuất với UNESCO chuyển ca trù từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/trao-truyen-ca-tru-cho-gioi-tre-2537843-b.html