Trao nhà mới cho gia đình có nhiều liệt sĩ nhất Việt Nam

(CATP) Những ngày kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, gia đình của Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phạm Thị Chúc (SN 1880, tại thôn 2A, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, đã mất năm 1972) đón nhận niềm vui khi được Bộ tư lệnh Quân khu V tặng căn nhà tình nghĩa khang trang. Gia đình mẹ Chúc được xem có nhiều Bà mẹ VNAH và liệt sĩ nhất Việt Nam, gồm 3 Bà mẹ VNAH (hiện đang đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu cho một Bà mẹ VNAH nữa) và có 14 liệt sĩ.

Căn nhà tình nghĩa vừa được Bộ tư lệnh Quân khu V trao cho gia đình Mẹ VIỆT NAM Anh hùng Phạm Thị Chúc

Ông Nguyễn Văn Châu (SN 1946, cháu đích tôn của Mẹ VNAH Phạm Thị Chúc, phụ trách thờ phụng tại nhà tình nghĩa) khoe: “Gia đình mừng quá khi đón nhận căn nhà tình nghĩa do đích thân trung tướng Lê Chiêm - Tư lệnh Quân khu V - đến trao giấy chứng nhận vào ngày 15-12. Giờ có nơi thờ phụng, tổ chức kỵ giỗ hàng năm nên con cháu ai cũng vui, an lòng. Trước đây, con cháu cũng xây một căn nhà để thờ phụng các Mẹ VNAH và các liệt sĩ nhưng không có điều kiện nên làm nhỏ hẹp, đã cũ”.

Lật gia phả, ông Châu cho biết: Mẹ VNAH Phạm Thị Chúc (lấy tên con, tên thật là Nở) có chồng là ông Nguyễn Văn Chúc (lấy tên con, tên thật là Lắm) có gần mười người con. Trong đó các con là Nguyễn Điếc (Thiết), Nguyễn Thị Học, Nguyễn Thị Thê đều đã hy sinh. Ngoài ra, con rể Võ Miên (chồng bà Học), Lê Kha (chồng bà Thê) cũng là liệt sĩ. Các cháu là liệt sĩ gồm: Nguyễn Xuyên (con ông Chúc), Nguyễn Văn Tuấn (con ông Bút), Nguyễn Văn Thảng (tức Hồng Em, con ông Bút), Nguyễn Văn Thành (con bà Ngữ), Nguyễn Thô (con bà Ngữ), Võ Phu (con bà Học), Lê Thị Toàn (con bà Thê); cháu rể gồm: Nguyễn Thành Trịnh (rể ông Bút), Lý Xuyên (rể ông Chúc).

Trong chiến tranh, các con, cháu của bà Phạm Thị Chúc đều đi bộ đội, làm dân quân du kích, hai người làm Bí thư xã Điện Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ông Điếc (Thiết) là dân quân du kích bị địch bắt, sau đó vượt ngục trốn vào Phan Thiết hoạt động cách mạng, bị địch truy sát và hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ.

Hiện ngoài bà Phạm Thị Chúc được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, con gái bà là Nguyễn Thị Học cũng là Mẹ VNAH và là liệt sĩ. Con dâu là bà Lê Thị Ngữ là Bà mẹ VNAH; hiện đang đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho bà Hồ Thị Giá (vợ ông Bút, mẹ hai liệt sĩ).

“Là gia đình cách mạng, cả đời cống hiến nên con cháu ai cũng noi gương theo các thế hệ cha anh, hầu hết con cháu là đảng viên, nhiều người công tác trong quân đội, công an. Trong đó có trung tướng Nguyễn Văn Thảng (Thảng Anh), nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu V” - ông Châu tự hào nói. Ông Nguyễn Thanh Cầu - Bí thư Đảng ủy xã Điện Nam Bắc - cho biết đây là một trong những gia đình tiêu biểu không chỉ trong xã mà của cả nước. Theo ông Cầu, xã Điện Nam Bắc (tách từ xã Điện Nam hai lần Anh hùng), hiện có 107 Bà mẹ VNAH (5 mẹ còn sống), 810 liệt sĩ, 196 thương bệnh binh. “Noi gương truyền thống quê hương, các thế hệ con cháu xã Điện Nam Bắc hôm nay ra sức phấn đấu để cống hiến cho đất nước, quê nhà, như làng Cẩm Sa hiện có hơn chục vị tướng, trong đó có thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an”, ông Cầu nhấn mạnh.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1100&id=509788&mod=detnews&p=