Trao 'cần câu' để giảm nghèo bền vững

Lâu nay, hễ nói đến việc xóa nghèo, chúng ta lại nhắc đi, nhắc lại câu 'cửa miệng', 'cho cần câu đừng cho xâu cá'; coi đó như là phương châm, quan điểm xuyên suốt trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Đại diện Sở Tư pháp, trường Đại học Sư Phạm Huế, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế trao 10 cặp dê giống cho 10 hộ nghèo trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Ảnh: Hồ Việt

Đại diện Sở Tư pháp, trường Đại học Sư Phạm Huế, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế trao 10 cặp dê giống cho 10 hộ nghèo trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Ảnh: Hồ Việt

Tính đến đầu năm 2016, 3 xã biên giới Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 25%, trong đó, chủ yếu là các gia đình bà con dân tộc thiểu số. Để tìm ra hướng đi mới giúp bà con thoát nghèo, Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình chăn nuôi và trồng trọt phù hợp giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống.

Để minh chứng hiệu quả của những mô hình mới do đơn vị khởi xướng, Thượng úy Lê Anh Tuấn, cán bộ Đội Vận động quần chúng dẫn chúng tôi tới thăm mô hình nuôi dê của chị Hồ Thị Nợi, thôn Trù Pỉ, xã Hồng Thủy. Tuấn kể: “Năm 2015, gia đình chị Nợi là một trong 5 hộ thuộc diện nghèo khó của xã Hồng Thủy, được Hội Phụ nữ Biên phòng tỉnh hỗ trợ 1 cặp dê giống. Đến nay, gia đình chị đã có đàn dê hơn 20 con và trở thành nơi cung cấp dê giống cho bà con trong xã”.

Chị Hồ Thị Nợi tiếp chúng tôi trong căn nhà đang còn thơm mùi vôi mới, phấn khởi chia sẻ: "Với hai bàn tay trắng, đất cằn cỗi thế này, gia đình tôi thật sự không biết làm việc gì để kiếm sống. Nhờ các cán bộ Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân tư vấn các giống cây hợp với chất đất và hỗ trợ dê giống, sau 2 năm, từ mô hình VAC do BĐBP tạo dựng, gia đình tôi đã có "của ăn, của để”. Ít hôm nữa tôi xuất bán cho BĐBP 4 cặp dê giống để hỗ trợ cho đồng bào xã Hồng Vân. Đối với tôi, đây thực sự như một giấc mơ kỳ diệu...".

Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân cho biết: "Khi đưa các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới vào vận động thực hiện, bà con còn rất e ngại. Nhưng với sự tận tụy “cầm tay chỉ việc”, cùng làm, cùng chia sẻ của cán bộ vận động quần chúng đơn vị bà con đã mạnh dạn thay đổi dần hình thức canh tác, chăn nuôi lạc hậu, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nhất là nuôi dê phát triển tốt. Giá thành đầu ra của dê rất cao, giúp bà con thoát nghèo, có thêm vốn để tiếp tục phát triển sản xuất".

Điều dễ nhận thấy, các mô hình mới được mạnh dạn áp dụng trên địa bàn xã Hồng Thủy, đặc biệt là mô hình nuôi dê, đã làm cho vùng biên giới xã Hồng Thủy thực sự "thay da đổi thịt", đời sống của bà con trên địa bàn ngày càng được cải thiện. Các mô hình đang được nhân rộng ra địa bàn 3 xã, từng bước giúp bà con thoát nghèo ngay trên vùng biên giới khắc nghiệt này.

Thực hiện Kế hoạch 16/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Trường Đại học Sư phạm Huế được phân công giúp xã Hồng Vân giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2021. Qua một thời gian rà soát các hộ nghèo trên địa bàn xã Hồng Vân và tham quan các mô hình nuôi dê hộ gia đình ở xã Hồng Thủy do Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân xây dựng, 3 đơn vị đi đến thống nhất: Bước đầu hỗ trợ cho 10 hộ nghèo thuộc xã Hồng Vân mỗi hộ 1 cặp dê giống trị giá 7 triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân giúp 10 hộ được nhận dê giống làm chuồng trại đúng kỹ thuật; vận động các hộ cam kết không sử dụng dê giống vào mục đích khác, khi đàn dê chưa sinh sản đủ 6 con trở lên. Khi đàn dê có bệnh tật, bà con phải kịp thời báo với Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân để phối hợp giải quyết.

Nhớ hôm trao các cặp dê giống cho bà con, anh Trần Văn Vin, thôn Kê, xã Hồng Vân dắt cặp dê đánh số 1 ra về nói: “Nhận được cặp dê này là tài sản quá lớn đối với gia đình. Tôi phải cố gắng chăm sóc cho nó thật tốt, phải thực hiện đúng cam kết với BĐBP”. Chị Lê Thị Sen, ở thôn Ka Cú 2, xã Hồng Vân, bốc thăm nhận được cặp dê số 6 vui mừng nói: “Tôi và rất nhiều bà con ở đây là hộ nghèo, cận nghèo, quanh năm phải vào rừng tìm kiếm sản vật hoặc ai thuê gì làm nấy. Được cặp dê, tôi sẽ tận dụng khoảng đất vườn còn trống để trồng cỏ, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp vừa trao cặp dê giống cho chị Sen cho biết: “Có đi chúng tôi mới thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người dân trên biên giới. Thông qua hoạt động hỗ trợ dê giống cho đồng bào nghèo, chúng tôi có cơ hội gần gũi, chia sẻ với dân nhiều hơn. Việc hỗ trợ 10 cặp dê giống hôm nay chỉ là bước đầu, trong thời gian tới, 3 đơn vị sẽ có kế hoạch hỗ trợ dài hơi hơn, phấn đấu đến năm 2021 giúp xã Hồng Vân giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10%”.

Hồ Việt

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trao-can-cau-de-giam-ngheo-ben-vung/