Trao bằng Tổ quốc ghi công tới 498 gia đình, thân nhân liệt sĩ

Ngày 18.7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tới gia đình, thân nhân 498 liệt sĩ. Phần lớn những hồ sơ được công nhận liệt sĩ trong dịp này đều là những trường hợp đã hy sinh vài chục năm nhưng chưa được công nhận liệt sĩ.

Tính đến ngày 30.6, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ Trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Nguyện vọng của người có công và thân nhân, đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là một điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp.

Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công.

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ LĐTBXH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Kết quả đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Trong số 489 liệt sĩ được cấp bằng hôm nay, tất cả mọi người đều rất cảm động và day dứt bởi có đến 94 cụ đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm nay mới được công nhận liệt sĩ. Có trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm, không có một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ.

Trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 498 thân nhân liệt sĩ.

Bên cạnh đó, các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét, công nhận... và còn rất nhiều những trường hợp cá biệt khác.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Đến nay, hồ sơ tồn đọng của cả nước còn nhiều, từ kết quả vừa qua, chúng ta vừa làm, vừa điều chỉnh để phấn đấu hoàn thành lời cam kết với nhân dân là năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh và lực lượng quân đội, công an".

LÊ HOA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/trao-bang-to-quoc-ghi-cong-toi-498-gia-dinh-than-nhan-liet-si-684417.bld