Tránh tình trạng 'bình mới rượu cũ'

Những năm qua, tại Bắc Trung Bộ, một số hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã giúp cho kinh tế hộ gia đình liên kết sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tìm được đầu ra ổn định cho nông sản. Tuy nhiên, các mô hình HTX kiểu mới phát triển còn chậm, quy mô vốn còn rất nhỏ nên kết quả đạt được còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều chính sách tốt dành cho HTX kiểu mới chưa được áp dụng trong thực tế, đòi hỏi cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Thể hiện vai trò “bà đỡ” cho nông dân

Hiện nay, tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ có 3.699 HTX được chuyển đổi từ các hình thức HTX. Tại Nghệ An, mô hình HTX kiểu mới hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, quỹ tín dụng đã góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn.

Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Được thành lập vào năm 1999, qua nhiều năm hoạt động, đến năm 2012, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm đã chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới. Những năm gần đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm đã đảm nhiệm tốt vai trò "bà đỡ" cho bà con, được người dân tin tưởng coi HTX là chỗ dựa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm có 760 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực chính như: Dịch vụ thủy lợi, phân bón, bảo vệ thực vật, giống cây trồng, sản xuất lúa giống, tín dụng nội bộ. Để bảo đảm lợi ích cho các thành viên HTX và tồn tại được trong cơ chế thị trường, Ban quản lý HTX đã năng động tổ chức các khâu dịch vụ; liên kết với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp để cung ứng nguồn nguyên vật liệu cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Dịch vụ sửa chữa tàu thuyền tại HTX Sản xuất dịch vụ Sông Lam (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An).Ảnh: Lê Hoàng

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm cho biết: “Trong dịch vụ thủy lợi, chúng tôi liên kết với Công ty Thủy lợi Nam Nghệ An để xây dựng công trình thủy lợi, điều tiết các nguồn nước. Chúng tôi cũng hợp đồng với các công ty có uy tín để cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng có chất lượng cao, đồng thời được hưởng ưu đãi trong giá cả và dịch vụ vận chuyển. Riêng các sản phẩm đầu ra, chúng tôi đã hợp đồng cung ứng 100 tấn lúa giống/năm với Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống cây trồng Nghệ An để tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho bà con. Hiện nay, HTX đang liên kết với Trang trại chăn nuôi bò Nghi Lâm trồng hàng trăm héc-ta ngô thương phẩm làm thức ăn chăn nuôi”.

Năm 2016, Hà Tĩnh có hơn 1.200 HTX với hơn 87.000 thành viên. Nhiều HTX đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp trong các hoạt động ngành nghề như: Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần chăn nuôi Thái Dương, Công ty Giống cây trồng Hà Tĩnh. Các HTX đã kết nối để tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị. Nhiều sản phẩm của các HTX được công nhận là sản phẩm “nông nghiệp nông thôn tiêu biểu”, bảo đảm an toàn thực phẩm và có nhãn mác, thương hiệu trên thị trường.

HTX kiểu mới chuyển đổi hoạt động có hiệu quả phải kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Quang Trung (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ngoài việc cung ứng dịch vụ, liên kết tiêu thụ sản phẩm tốt, HTX chú trọng công tác quản lý tài chính minh bạch. Hằng năm, HTX sử dụng nguồn vốn để tái đầu tư có hiệu quả, lãi suất ngày một nâng cao khiến cho các thành viên rất tin tưởng. Sau chuyển đổi, HTX hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất lúa giống, tín dụng nội bộ với 2.000 thành viên. Ông Đoàn Xuân Phúc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Quang Trung cho biết: “Ngoài bảo đảm được hoạt động sản xuất, liên kết kinh doanh ổn định, hiện HTX đã có tổng số vốn 5 tỷ đồng, số dư quỹ hơn 1 tỷ đồng để gửi tiết kiệm ngân hàng và bảo đảm phúc lợi xã hội, chi trả lãi cổ phần và khen thưởng thành viên, chế độ tiền phụ cấp, bảo hiểm xã hội cho cán bộ và người lao động đầy đủ, kịp thời để họ yên tâm gắn kết cùng chung động lực phát triển với HTX lâu dài”.

Các chính sách ưu đãi cần được thực thi

Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, hiệu quả hoạt động của mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đang từng bước được khẳng định. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nhiều HTX có tốc độ tăng trưởng chậm và chưa ổn định, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả kinh tế chưa cao. Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm cho biết: “Nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả HTX kiểu mới là ý thức của một số người dân còn bảo thủ, tâm lý còn e ngại, định kiến, chưa hiểu rõ được bản chất của HTX kiểu mới, vẫn còn có tư tưởng “mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển HTX nhiều nhưng thực ra chưa đến tận tay người dân. Thủ tục vay vốn ưu đãi ngân hàng còn phức tạp, các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn kỹ năng, tham quan học tập kinh nghiệm các HTX điển hình còn thiếu và chưa đồng bộ”. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Xuân Vinh kiến nghị các cấp, ngành phải làm cho người dân hiểu rõ bản chất của HTX kiểu mới và tính ưu việt của nó. Mặt khác, các HTX rất cần đến nguồn nhân lực trẻ, có trình độ chuyên môn để phát triển, nhưng do chưa tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể kiểu mới nên dù được đóng bảo hiểm, chế độ lao động bảo đảm nhưng lực lượng lao động trẻ vẫn không mấy mặn mà với chuyện tham gia vào HTX kiểu mới. Bên cạnh đó, các HTX vẫn phải “tự thân vận động” các chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực, dịch vụ liên kết bao tiêu sản phẩm, dự án.

Trăn trở với các khó khăn trong hoạt động HTX, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn vay. Thực tế, nguồn vốn vay ưu đãi cho các HTX tại Hà Tĩnh năm qua chỉ được 20 tỷ đồng, trong khi nhu cầu của các HTX lại lớn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Tại Nghệ An, nổi bật về mô hình HTX kiểu mới có HTX Sản xuất dịch vụ Sông Lam với 43 thành viên chuyên các ngành nghề sửa chữa tàu thuyền, sửa chữa ô tô, chế biến hải sản, xây dựng dân dụng và giao thông thủy lợi, kinh doanh xăng dầu, liên kết xuất khẩu lao động và các dịch vụ giải trí, nhà hàng. Với số vốn lưu động 30 tỷ đồng, HTX đang đi đúng hướng là một HTX kiểu mới với phương châm đa dạng hóa ngành nghề. Dẫu là một HTX có quy mô khá nhưng vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách. Ông Lê Thanh Ty, Giám đốc HTX Sông Lam, nói: “Hiện nay, chúng tôi mới chỉ nhận được chính sách ưu đãi về thuê đất, còn các chính sách khác vẫn chưa được tiếp cận”. Ông Ty cho rằng, các chính sách giao đất, cho thuê đất, cho vay vốn sản xuất của HTX cần đơn giản hóa thủ tục; các cơ chế chính sách tốt đã ban hành cần thực hiện kịp thời, đồng bộ, ví dụ như việc chi ngân sách để hỗ trợ các HTX bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Phát triển mô hình kinh tế HTX là một xu thế tất yếu và cần thiết. Để HTX kiểu mới phát triển bền vững, đúng thực chất, tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, vượt qua được sự cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế thị trường không những cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, ngành mà bản thân HTX cần năng động, phát huy nội lực, tránh trông chờ, ỷ lại. Các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện kịp thời. Điều quan trọng là phải làm thay đổi nhận thức để nông dân tin tưởng và thấy được lợi ích của mô hình HTX kiểu mới.

HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tranh-tinh-trang-binh-moi-ruou-cu-509405