Tranh Thành Chương biến thành tranh Tạ Tỵ: Cắt ghép lộ liễu để thanh minh cho tranh giả?

Từ hai bức ảnh trắng đen chụp cách nay hơn 30 năm ở Hà Nội, thông tin về bức tranh từ từ… lộ sáng. Song, vẫn có ý kiến cho rằng, chờ họa sĩ Thành Chương làm thế nào để chứng minh đó là sản phẩm của ông làm ra chứ không phải của Tạ Tỵ hay ai đó khác…

Ảnh ghép?

Trên trang mạng xã hội của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, ngày 15.7, có bài viết: “Cái kim trong bọc đây rồi ư?”. Theo đó: “Họa sĩ Tiếp Lê Huy (Lê Huy Tiếp) vừa đăng trên facebook của mình bức ảnh kèm đây, và cho biết bức ảnh này do Jean-François Hubert - chuyên gia của nhà đấu giá Christie’s và là người đã bán cho ông Vũ Xuân Chung bộ sưu tập đang gây lùm xùm tại Sài Gòn, gửi cho một người bạn nhờ thanh minh cho nghi án tranh giả.

Trong ảnh, từ trái sang phải là điện ảnh gia Trần Thịnh, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà sưu tập mỹ thuật Nguyễn Bá Đạm. Ông Thịnh vốn là chồng bà Thẩm Đôn Thư - con gái cụ Thẩm Hoàng Tín (1909 - 1991), nguyên Thị trưởng Hà Nội những năm 1950 - 1952. Ảnh được chụp trong khoảng những năm cuối 1980, vì họa sĩ Bùi Xuân Phái ở độ tuổi và quấn chiếc khăn giống như trong các bức chân dung tôi từng vẽ ông vào thời gian này.

Bức ảnh ông J.F.Hubert gửi cho một người bạn nhờ thanh minh cho nghi án tranh giả. Từ trái sang phải là điện ảnh gia Trần Thịnh, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, hoa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà sưu tập mỹ thuật Nguyễn Bá Đạm. (Ảnh do họa sĩ Lê Huy Tiếp cung cấp)

Trên cửa ra vào có bức tranh mang chữ ký Tạ Tỵ, hiện trong sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, được cắt ghép vào bức ảnh một cách vụng về. Điều vụng về thứ nhất là cạnh dưới của bức tranh thì dính vào mặt cửa, nhưng cạnh trên không được chỉnh theo viễn cận của cánh cửa nên không dính theo khuôn trổ trên cửa.

Điều vụng về thứ hai là bức tranh được vẽ trên canvas căng trên strainer, nhưng trong ảnh nó mỏng như được in trên tờ giấy. Mà đúng là in trên giấy thật, vì nó được cắt từ ảnh chụp phẳng ra rồi ghép vào. Đó là chưa kể không ai đi treo tranh trên cửa ra vào để nó rơi xuống khi mở đóng cửa.

Ngay sau đó họa sĩ Tiếp Lê Huy đã nhận được tấm ảnh gốc từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái. Trong tấm ảnh gốc dĩ nhiên không có một bức tranh nào trên cửa cả. Kể cả bức ảnh gốc này cũng có thể là kết quả của một lần cắt ghép khác vì bộc lộ một số chi tiết ngộ nghĩnh, song không liên quan tới bức tranh có chữ ký Tạ Tỵ, nên tôi không bàn tới ở đây.

Bức ảnh gốc từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái. (Ảnh do họa sĩ Lê Huy Tiếp cung cấp)

Như vậy chỉ có hai khả năng sau:

1 - Jean-François Hubert đã nhận được tấm ảnh gốc từ một nguồn ở Việt Nam và đã tự mình ghép bức tranh được cho là của Tạ Tỵ vào;

2 - Jean-François Hubert đã nhận được tấm ảnh được cắt ghép từ nguồn nào đó ở Việt Nam.

Trong bất kỳ trường hợp nào, không lẽ trình độ của người chuyên gia phụ trách nghệ thuật Việt Nam từ nhà đấu giá Christie’s này (Jean-François Hubert là nguyên chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và Châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong - PV)lại đáng ngạc nhiên đến thế ư? Hay việc đưa ra một tấm ảnh được cắt ghép ngớ ngẩn còn mang một ý đồ gì khác? Ông Vũ Xuân Chung, nếu thực sự là người bị lừa, liệu có đệ đơn kiện tại tòa án của Pháp, nơi ông đã mua bộ sưu tập trên từ Jean François Hubert?”.

Trên trang mạng xã hội, một tài khoản là Nghệ thuật xưa (nghethuatxua.com) đưa ra một vài nhận xét về bức ảnh này: “Đây có thể là một bức ảnh được chỉnh sửa, NTX căn cứ trên 2 điều, thứ nhất sắc độ gray level giữa ảnh tranh và ảnh chụp khác nhau, nên hai ảnh được chụp ở điều kiện sáng, máy ảnh khác nhau. Nếu chúng ta so sánh cạnh trên của bức tranh và cạnh của cánh cửa, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hai bức ảnh được chup ở góc độ khác nhau và luật viễn cận của máy ảnh tác động lên hai bức ảnh cho ra kết quả hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, điều thứ 2 cũng có thể xảy ra nếu bức canvas trên không được căng thẳng và có một góc trũng xuống sẽ cho ra hiệu ứng này. Khi đó chúng ta cần phải soi thật kỹ cạnh trên của ảnh xem là thường thẳng hay đường cong. Ngoài ra chúng ta cũng có thể thấy một nét gấp đi chéo qua bức tranh. Khi thẩm định cũng cần phải để ý, nó sẽ giúp người thẩm định nhận ra liệu bức ảnh trên là mới hay cũ.

Nếu gia đinh của các họa sĩ trên có tư liệu về bức ảnh này, xin gửi dùm cho NTX về địa chỉ nghethuatxua@gmail.com”.

Không rõ vì lý do gì, ngày 16.7, hai bức ảnh đăng trên facebook của họa sĩ Lê Huy Tiếp đã được gỡ bỏ và luôn hiển thị nội dung: “Sorry, this content isn't available right now”.

Vài nhận xét của cư dân mạng về bức ảnh được cho là ghép:

Huyen Nguyen: Tấm hình dễ thấy nhất 'vị' áo đen đứng, không những chen vô chương ướng của bức hình mà còn nhìn trực diện khuôn mặt và cảm giác không có cổ, trong khi góc người đứng thì nghiêng. Ghép hình tệ quá.

Sơn Chu: Nhìn thấy rõ tranh TC (Thành Chương) được gán ghép vào cánh cửa. Nếu sự thật được treo ở đó thì cạnh trên của tranh phải song song với vệt sơn trắng trên cửa theo luật xa gần”…

Song, những năm 50, Tạ Tỵ cũng vẽ tranh lập thể

Như Lao Động đã thông tin, ngày 15.7, họa sĩ Thành Chương khẳng định, “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952” là tranh Thành Chương vẽ năm 1970-1971: “Đây không phải là tranh trừu tượng, mà là tranh lập thể, ảnh hưởng phong cách của Georges Braque (hình khối) và Paul Cezanne (màu sắc)…”.

Tuy nhiên, theo họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, “Vào những năm 1950, họa sĩ Tạ Tỵ từng chịu ảnh hưởng nặng của trào lưu lập thể (Cubism). Chúng ta hãy chờ họa sĩ Thành Chương làm thế nào để chứng minh đó là sản phẩm của ông làm ra chứ không phải của Tạ Tỵ hay ai đó khác…”.

Cất cánh - tranh của Tạ Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

Cũng cần phải nói thêm về Tạ Tỵ

“Tạ Tỵ (1921 - 2004), tên thật là Tạ Văn Tỵ; là một họa sĩ và còn là một nhà thơ, nhà văn. Ông sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội. Năm 1943, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Bắt đầu từ đầu thập niên 1950, ngoài tài vẽ chân dung hí họa, ông còn sáng tác trên nhiều lĩnh vực khác, như: Truyện, thơ, kịch bản, bút ký... Năm 1951, ông triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội. Sau 1954, ông vào Nam và sống ở Sài Gòn. Sau 1975, sau một thời gian đi học tập cải tạo, ông cùng gia đình vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ. Từ năm 2002 họa sĩ đã trở về sống ở Việt Nam, và qua đời tại TPHCM.

Bức tranh "Đàn bà", tác phẩm tiêu biểu thời kỳ lập thể của Tạ Tỵ, 1951

Ông đến rất sớm và rất thành công với hội họa lập thể mặc dù theo học ngành sơn mài. Ông nổi tiếng với những ký họa chân dung theo phong cách lập thể từ trước 1954. Các ký họa của ông thường đưa ra những khuôn mặt văn nghệ sĩ ưu tú của Việt Nam, là một trong những loạt tranh độc đáo nhất về ký họa (caricature)của hội họa Việt Nam…”.

(Tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/tranh-thanh-chuong-bien-thanh-tranh-ta-ty-cat-ghep-lo-lieu-de-thanh-minh-cho-tranh-gia-573532.bld