Tránh ôm đồm những vấn đề không cần thiết

Đó là một trong những ý kiến đóng góp của ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) về dự án Luật Quản lý ngoại thương tại buổi thảo luận ở Quốc hội diễn ra vào sáng nay (7-11).

ĐBQH Vũ Tiến Lộc

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương là sự cần thiết, đồng thời ĐB Lộc cũng đánh giá cao Ban soạn thảo đã không chỉ trình ra dự thảo luật mà còn gửi tới các ĐBQH dự thảo luật chuyên ngành khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân tham gia đóng góp ý kiến, ĐB Lộc cho biết, dự thảo luật vẫn còn một số điểm chưa thỏa đáng, nên cân nhắc, sửa đổi.

Như về phạm vi điều chỉnh, theo ĐB Vũ Tiến Lộc, nói một cách tổng quát dự thảo còn ôm đồm, quá nhiều vấn đề không cần thiết, không liên quan. Do vậy, vô hình chung đã khoác nhiều tròng quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương, hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ.

ĐB Vũ Tiến Lộc cho biết, có những vấn đề quản lý liên quan đến ngoại thương nhưng mang tính chất đặc thù đã được quy định ổn định trong những văn bản khác, như vậy thiết kế của luật này vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh, thêm quy định, các bộ quản rồi, bây giờ thêm Bộ Công thương quản thêm nữa khiến “quản chồng quản”.

Hay như quy định hóa tạm nhập tái xuất, quá cảnh cửa khẩu xuất nhập khẩu lâu nay thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Hải quan và cơ quan Hải quan cũng kiểm soát hiệu quả, rồi quy định của luật này vừa cồng kềnh vừa phát sinh giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, quá cảnh của Bộ Công thương cấp.

Có những vấn đề quản lý đúng là liên quan đến lĩnh vực ngoại thương chưa được quy định ở đâu, nhưng lâu nay hoạt động trên thực tiễn vẫn diễn ra bình thường, không gặp vướng mắc khó khăn gì. Vậy sao bây giờ lại phải bổ sung, quy định quản lý?

Về ý nghĩa hiệu lực của luật, mục tiêu lớn nhất của luật này là thống nhất được biện pháp quản lý ngoại thương mà lâu nay đang phải quy định tại nhiều văn bản của nhiều cơ quan khiến cho cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thống nhất, không minh bạch, gây cản trở cho doanh nghiệp, nhưng với thiết kế cũng như dự thảo dường như luật chưa đạt được mục tiêu này.

“Đối với nội dung dự thảo Luật Quản lý ngoại thương khi xem kỹ, có nhiều vấn đề quy định chi tiết, tuy nhiên có những nội dung cần thiết thì lại quy định rất chung chung. Ví dụ, về các biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu...”, ĐB Vũ Tiến Lộc cho biết.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tranh-om-dom-nhung-van-de-khong-can-thiet/707623.antd