Tranh nhau “miếng bánh” du lịch nước ngoài

Với hàng triệu lượt người đi du lịch nước ngoài mỗi năm, thị trường du lịch nước ngoài là “miếng bánh” hấp dẫn khiến cả ngàn doanh nghiệp đang tranh giành nhau.

Du khách người Việt tại Nhật. Ảnh: Đào Loan

Thị trường tỉ đô

Tuần rồi, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc vừa tổ chức một chuỗi hoạt động tại Việt Nam, trong đó có hai mối hợp tác với doanh nghiệp là với Tổng công ty Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và với Công ty Du lịch Vietravel.

Với Vietnam Airlines, mục đích quan trọng mà phía Hàn Quốc nhắm đến là mở rộng thị trường, kéo khách từ các thị trường địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Vinh... thay vì chỉ kết nối với hai đầu cầu Hà Nội và TPHCM như hiện nay. Với Vietravel, phía Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác trên mọi phương diện, không chỉ là tài trợ quảng cáo trong một số chương trình mà đồng hành trong mọi hoạt động của Vietravel để công ty bán thêm nhiều sản phẩm du lịch Hàn Quốc và quảng bá du lịch nước này đồng thời với các chương trình quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp.

“Nhiều nước đã và đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để tăng lượng khách đến. Chúng tôi muốn đi trước đón đầu, hợp tác sâu hơn với doanh nghiệp để kéo thêm khách Việt đến Hàn Quốc”, bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng tiếp thị của Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, nói. Theo bà Trang, thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nổi bật. Chỉ tính từ khi văn phòng chính thức hoạt động tại Việt Nam vào năm 2012 đến nay, lượng khách đã tăng hơn gấp đôi, từ 106.000 lượt lên 240.000 lượt. Và thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, du lịch Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam.

Ông Huỳnh Đăng Khoa, phụ trách tiếp thị của Văn phòng đại diện của Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TPHCM, cho biết thị trường Việt Nam tăng đều đặn trong 10 năm nay. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm ngoái (2015), trung bình mỗi chuyến đi của du khách Việt đến nước này là 6,47 ngày, chi tiêu 4.875 baht/ngày. “Đây là một trong những thị trường trọng điểm của chúng tôi. Mỗi năm, ngân sách tiếp thị chi cho Việt Nam tăng cỡ 10%”, ông cho biết.

Câu chuyện của Hàn Quốc và Thái Lan phần nào cho thấy sự hấp dẫn của mảng du lịch outbound (đưa du khách Việt ra nước ngoài) - mảng du lịch ước tính đem về doanh thu đến hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Số liệu mà TBKTSG ghi nhận từ Tổng cục Du lịch và một số cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài cũng cho thấy quy mô của thị trường là rất lớn. Số lượng người Việt Nam đi du lịch châu Âu tăng nhanh, đạt khoảng 500.000 lượt khách mỗi năm; đi Đài Loan vào năm nay khoảng 150.000 lượt, Nhật Bản khoảng 250.000 lượt, Thái Lan khoảng 800.000 lượt, Campuchia hơn 1 triệu lượt... Chỉ trong tám tháng đầu năm nay đã có 335.000 lượt khách sang Singapore...

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, vào năm ngoái, có khoảng 5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường từ 10-15%. Hiện nay, cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế, trong đó, số lượng doanh nghiệp làm outbound nhiều hơn so với inbound.

Tại TPHCM, vào năm ngoái, doanh thu trước thuế của 10 công ty có lượng khách outbound lớn nhất lên đến 5.516 tỉ đồng. Tổng lượng khách của công ty đưa khách Việt đi nước ngoài nhiều nhất lên đến hơn 170.000 lượt. Tại nhiều công ty, mảng du lịch này đang nuôi sống doanh nghiệp, nhỉnh hơn số tiền kiếm được từ mảng quốc tế hay nội địa.

Quản lý lỏng lẻo

Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nghiệp cho biết dù tỷ lệ lãi trên khách bị giảm nhưng các công ty vẫn tiếp tục đầu tư lớn cho mảng outbound, bởi thị trường đang có nhu cầu và có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, một vấn đề lớn của thị trường này là sự cạnh tranh không lành mạnh về giá tour khiến cả doanh nghiệp và khách hàng đều chịu thiệt.

“Giá tour bây giờ muôn hình vạn trạng. Nhiều nơi cắt dịch vụ để có giá rẻ chào bán nhưng sau đó khách lại phải trả cao hơn vì buộc phải mua thêm dịch vụ. Điều này làm cho những công ty cố giữ chất lượng gặp khó khăn trong đấu thầu tour mà khách hàng cũng bị thiệt”, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết.

Theo bà Khánh cũng như nhiều doanh nghiệp, với quy mô thị trường như hiện nay, mảng outbound rất cần sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nhưng Luật Du lịch và những nội dung trong dự thảo sửa đổi luật sắp tới đây chưa đề cập một cách rõ ràng, chi tiết đến mảng thị trường này.

Hiện nay, để bán tour đi nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần ký quỹ và mua bảo hiểm cho khách chứ không phải chịu những ràng buộc khác như mảng inbound. Thậm chí, trong khi mảng inbound và du lịch nội địa được thống kê đầy đủ về số lượng người đi du lịch, ăn uống, chi tiêu, thị hiếu thế nào thì những số liệu của mảng outbound chưa có trong các thống kê chính thức của cơ quan quản lý du lịch.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, để cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều có lợi, tránh tình trạng cạnh tranh giảm giá bằng giảm chất lượng, cần vai trò của hiệp hội du lịch và cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội nên tư vấn cho khách hàng bằng cách đưa ra những khuyến cáo về giá sàn, cho khách biết mức nào là có thể chấp nhận được để có tour chất lượng. Cơ quan quản lý cần quy định rõ ràng hơn về kinh doanh outbound. Chẳng hạn cần đưa ra quy định về bồi thường nếu khách đi tour chứng minh được doanh nghiệp không thực hiện tour đúng như cam kết trong hợp đồng. “Một số nước như Nhật Bản đã áp dụng biện pháp này để kiểm soát chất lượng tour outbound. Tôi cho rằng đây là cách hay. Cùng với việc công bố danh sách những công ty làm ăn gian dối lên mạng thì chắc rằng tình trạng lộn xộn trên thị trường du lịch nước ngoài sẽ giảm”, ông nói.

Vào tuần trước, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tuyên bố sẽ không hỗ trợ kinh phí quảng cáo cũng như đưa tên doanh nghiệp vào các chương trình quảng bá du lịch chung nếu như doanh nghiệp làm tour đến Hàn Quốc có giá dưới 12 triệu đồng, vì với giá này, tour sẽ không đảm bảo chất lượng. Thái Lan cũng đang có những động thái để ngăn chặn tour 0 đồng - loại tour tưởng giá rẻ nhưng thực tế lại rất đắt đỏ. Ở Việt Nam, vài kiểu tour gần giống với tour 0 đồng cũng đã xuất hiện và đã đến lúc cơ quan quản lý nên vào cuộc để thị trường du lịch outbound tăng trưởng kèm theo lợi ích cho khách hàng và cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153367/tranh-nhau-mieng-banh-du-lich-nuoc-ngoai.html/