Tranh luận về đề xuất đánh thuế chuyển nhượng

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành nghề phía Nam đã bày tỏ các ý kiến khác nhau về các đề xuất tính thuế mới với các khoản chuyển nhượng vốn, khoản chi phí lãi vay… của Bộ Tài chính trong dự thảo một luật sửa năm luật thuế.

Hội thảo ghi nhận hàng loạt ý kiến khác nhau về nhiều đề xuất của Bộ Tài chính. Có đồng tình, có phản đối. Ảnh: Minh Tâm

Các ý kiến tranh luận này được trình bày tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của năm luật thuế do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm nay, 13-9.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, thì đây là hội thảo đầu tiên của VCCI về dự luật quan trọng này, ngay ngày mai sẽ có chương trình tương tự tại Hà Nội. Hội thảo tại phía Nam không có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính do các đơn vị liên quan đang bận rộn với cuộc họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng.

Ông Tuấn nhấn mạnh, muốn tổ chức sự kiện ở TPHCM trước vì đây là khu vực quan trọng, đóng góp nhiều cho ngân sách nhưng dường như lại có vẻ thụ động với chuyện đóng góp chính sách.

Tranh luận về quy định vốn mỏng

Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam, người có 20 năm kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn thuế cho rằng, đề xuất về phần chi trả lãi vay cho các khoản vay vốn vượt từ 4 đến 12 lần vốn chủ sở hữu, tùy vào lĩnh vực hoạt động sẽ không được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), còn gọi là vốn mỏng sẽ có những bất cập.

Theo ông Hoàng, vốn là câu chuyện đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những công ty khởi nghiệp. Ở các nước phát triển quy định vốn mỏng khá phổ biến với mục tiêu an toàn và đỡ rủi ro cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với Việt Nam, quy định này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư. “Các doanh nghiệp nước ngoài thông qua chúng tôi bày tỏ sự lo lắng. Ở các nước lân cận Việt Nam, quy định này vẫn còn chưa áp dụng. Ví dụ, Malaysia đã đưa vấn đề này ra 10 năm nay nhưng hoãn 3 lần. Singapore thì tuyệt đối im lìm vụ này. Trung Quốc đưa ra nhưng áp dụng với giao dịch các bên liên kết”, ông Hoàng chia sẻ.

Cũng theo ông Hoàng, quy định vốn mỏng cũng có trong Nghị định 20/2017 về giao dịch liên kết khi quy định khoản lãi vay cao sẽ không được trừ vào chi phí. Nay nếu đưa vào Luật thuế TNDN và áp dụng chung thì sẽ gây chồng chéo và không hỗ trợ quy định đầu tư với những trường hợp có giao dịch liên kết. Ông đề xuất chưa nên áp dụng quy định này vì chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Việt Á thì lại đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính. Chia sẻ với TBKTSG Online bên lề hội thảo, ông Tuấn cho biết, lâu nay, dù chưa có quy định về vốn mỏng nhưng cơ quan thuế khi kiểm tra doanh nghiệp nếu thấy số dư tiền mặt trên bản cân đối sổ sách kế toán lớn đều loại chi phí lãi vay tương ứng với số này ra trong thu nhập chịu thuế. Doanh nghiệp và cơ quan thuế thường mâu thuẫn nhau về khoản mục này.

Mặt khác, không ít doanh nghiệp vay tiền nhưng không phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh (đầu tư đất chẳng hạn) nhưng vẫn kê khai vào chi phí. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, khi quy định về vốn mỏng thì sẽ có cơ sở pháp lý để xác định thu nhập chịu thuế chính xác và rõ ràng hơn.

Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Trọng Tín cũng đồng tình nên có quy định về vốn mỏng nhưng có lộ trình thực hiện. Vì việc này sẽ giúp ngăn chặn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trốn thuế. “Họ đăng ký vốn mỏng nhưng vào nước ta khai thác tài nguyên, sử dụng lao động… nhưng vay rất nhiều tiền từ nước ngoài rồi qua kênh này chuyển giá. Nên cần có quy định này để họ đẩy vốn lên và cũng để minh bạch hóa nền kinh tế, hạn chế những doanh nghiệp yếu kém về tài chính”, ông Được nêu ý kiến.

Đặc biệt, theo ông Được, quy định như vậy còn là tạo công bằng cho tất cả doanh nghiệp. Bởi lẽ, lâu nay, doanh nghiệp đăng ký vốn 10 tỉ đồng nhưng chưa góp đủ mà đi vay thì chi phí lãi vay cũng không đươc tính vào chi phí hợp lý hợp lệ.

Ý kiến trái chiều về cách tính thuế chuyển nhượng vốn

Đề xuất đánh thuế 1% trên tổng giá trị của các chuyển nhượng vốn cho cả tổ chức, cá nhân (lâu nay là đánh thuế 20% trên chênh lệch khi chuyển nhượng và Bộ Tài chính cho biết đa phần doanh nghiệp kê khai ngang giá nên không thu được thuế) cũng nhận được những ý kiến trái chiều.

Ông Hoàng cho rằng ông không biết bức tranh tổng thể thế nào nhưng qua tư vấn nhiều thương vụ mua bán sáp nhập thì hầu hết đều khê khai giá bán cao hơn giá vốn, trừ những trường hợp tái cấu trúc tập đoàn (bán từ công ty con sang công ty mẹ ngang giá).

Theo ông Hoàng, khi gộp tất cả lại thì vô hình trung lại làm thất thu cho ngân sách. Bởi lẽ, thu 1% trên doanh thu thường xuyên thấp hơn 20% trên chênh lệch giá chuyển nhượng. Không những vậy, quy định này chỉ áp dụng với doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài khi chuyển nhượng vốn còn vẫn 20% trên phần chênh lệch sẽ gây ra bất cập.

Ông Trần Minh Hiệp, giảng viên Tổ tài chính – thuế - ngân hàng, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, lý giải của cơ quan thuế về đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp 1% là mơ hồ. “Chuyện không thu được là của cơ quan quản lý. Chúng tôi cho rằng cái gì thuộc vào lỗi của người quản lý thì không nên đẩy khó cho người nộp thuế. Không thể cào bằng, một người đau bắt tất cả uống thuốc”, ông Hiệp phát biểu.

Ông Hiệp cũng cho rằng, nếu nhìn một cách tổng thể hơn các chính sách thuế thì xu hướng cào bằng ngày càng rõ. Trước giờ, người nộp thuế được chọn một trong hai phương án nhưng càng ngày thì càng theo kiểu tận thu. Tư duy này còn tiếp tục là đi ngược lại với tinh thần cải cách. Chuyện chuyển nhượng vốn lần này cũng vậy, bác luôn quyền tự chọn và lo sợ thay cho người nộp thuế.

Ông Hiệp kết luận: “Như vậy là đi ngược với bản chất của thuế là có thu nhập mới nộp thuế. Thu như vậy là tận thu!”.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại Trí Nguyễn thì lại đồng ý với đề xuất thu thuế 1% của Bộ Tài chính. Ông cho biết, thực tế làm việc cho thấy doanh nghiệp có quá nhiều cách để lách thuế. Có lời thì họ chạy cách này, không lời chạy cách kia. Vì vậy, nếu để doanh nghiệp tự lựa chọn thì chắc chắn cơ quan thuế khỏi thu được gì hết.

Ông Nghĩa cũng bày tỏ, khi xây dựng chính sách, cơ quan quản lý nên bỏ bớt các loại trừ. Nhiều người cứ kêu nghèo, muốn đóng thuế ít. Như vậy là không đúng bởi thuế là nghĩa vụ công dân, thuế là thuế, hỗ trợ là hỗ trợ cách khác. “Thuế mình nhiều vấn đề quá. Trốn thuế là ở đó. Doanh nghiệp đòi hỏi nhiều. Bộ Tài chính cứ đáp ứng là không thể. Nên đơn giản nhất, thống nhất các bộ luật, bỏ bớt ngoại trừ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thế giới”, ông Nghĩa nói.

Ông Tuấn cũng đồng tình, thực tế mà ông biết được là tất cả đều kê khai ngang giá khi chuyển nhượng cổ phần, vốn để tránh nộp thuế. Trong khi, phần lớn các chuyển nhượng là nhờ “được giá nên bán”.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164643/tranh-luan-ve-de-xuat-danh-thue-chuyen-nhuong.html