Tranh luận quanh việc "miễn thi cho 20% học sinh THPT"

(HQ Online)- Ngày 13-2, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013-2014 khối Sở GD-ĐT. Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo mới nhất về môn thi tốt nghiệp THPT, theo đó tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, trong đó có hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn.

Đại diện Sở GD-ĐT Quảng Bình cho rằng nếu miễn thi cho 20% học sinh thì không nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT nữa. Ảnh: D. Ngân.

"Làm ra điểm rất dễ"

Theo Bộ GD-ĐT, trong số 4 môn thi, 2 môn bắt buộc là Văn, Toán; các môn còn lại do thí sinh (TS) tự chọn (Vật lý, Hóa, Sinh, Địa, Lịch sử). Ngoài ra, TS có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích.

Với môn Ngoại ngữ, TS trường Giáo dục thường xuyên và THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế, sao cho vẫn đảm bảo đủ 5 môn.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đưa ra tỷ lệ 20% học sinh được xét miễn thi tốt nghiệp THPT. Điểm tốt nghiệp THPT sẽ được tính bằng công thức: Điểm xét tốt nghiệp = (điểm trung bình các bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 + điểm khuyến khích (nếu có). Bộ cũng dự kiến miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh đạt tiêu chuẩn...

Về những điểm mới trên của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT tỏ ra không đồng tình, trước tiên là về phương án miễn thi cho 20% học sinh THPT.

Đại diện Sở GD-ĐT Điện Biên cho rằng: Không nên quy định cứng tỷ lệ miễn thi là 20% TS. Tỷ lệ này nên do mỗi tỉnh quyết định, tùy vào điều kiện thực tế địa phương.

Quan điểm của đại diện Sở GD-ĐT Kom Tum lại nhấn mạnh tính tiêu cực của quy định 20% TS được miễn thi. Vị đại diện này cho rằng: Tỷ lệ 20% TS trong mỗi trường được miễn thi sẽ không đảm bảo tính công bằng của TS trong cùng một tỉnh. Chẳng hạn như hai TS nhà gần nhà nhau, học lực của học sinh B kém hơn học sinh A nhưng học sinh A lại được xét miễn thi ở trường B vì nằm trong tỷ lệ 20% của trường, ngược lại học sinh B không được, như vậy sẽ không có lợi cho học sinh.

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng không đồng tình với tỷ lệ 20% TS được miễn thi mà Bộ đề ra. Vị này đặt ra câu hỏi là mục đích của việc miễn thi để làm gì? Nếu chỉ vì mục đích giảm nhẹ kỳ thi thì không phù hợp với thực tế hiện nay vì tỷ lệ 20% học sinh có thi hay không thi không ảnh hưởng gì nhiều đến việc tiết kiệm kinh phí tổ chức thi.

"Bên cạnh đó còn có sự bất cập vì mỗi trường có tỷ lệ TS giỏi khác nhau, không thể rập khuôn mỗi trường chỉ được 20% TS miễn thi, vậy với những trường tỷ lệ học sinh giỏi nhiều thì sẽ xét ra sao", vị đại diện này nhấn mạnh.

Chia sẻ về điều này, đại diện UBND tỉnh Tuyên Quang thẳng thắn thừa nhận: Do có nhiều năm làm công tác tuyển dụng nhân sự tại tỉnh nên tôi hiểu một thực tế là việc làm ra điểm không khó, rất dễ.

Như để chứng minh cho lập luận của mình vị đại diện này cho biết: Có thời gian Tuyên Quang đặt ra quy định là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các trường ĐH, CĐ được tuyển thẳng vào viên chức tỉnh, năm đầu tiên chỉ có khoảng 15 ứng cử viên, nhưng đến năm sau có đến 100 ứng cử viên. Việc cho điểm để nâng thành tích ở các nhà trường hiện nay là thực tế. Do vậy việc Bộ GD-ĐT đưa ra quy định miễn thi cho 20% vô hình trung sẽ dẫn đến thực tế "làm ra điểm", tạo ra sự bất bình đẳng với các TS.

Ngoại ngữ được đề xuất thành môn thi tự chọn

Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, Ngoại ngữ không trở thành môn thi chính mà chỉ là môn thi khuyến khích để cộng điểm. Điều này cũng vấp phải sự phản đối của lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT.

Đại diện Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế phân tích: Nếu coi Ngoại ngữ chỉ là môn thi khuyến khích sẽ không phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Đề án ngoại ngữ đến năm 2020 về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân.

Theo vị đại diện này, từ trước tới nay trong các nhà trường, Ngoại ngữ vẫn được xem như môn chính, nhưng giờ nếu chỉ coi nó là môn thi khuyến khích sẽ không tạo động lực cho TS học tốt môn này, sẽ ảnh hưởng tới tương lai của cả thế hệ TS sau khi ra trường bởi đơn giản việc học và thi ở Việt Nam vẫn theo quy luật, thi gì học nấy, không thi đương nhiên học sinh không học đó là tất yếu.

"Chúng ta không nâng được chất lượng dạy và học Ngoại ngữ lên thì cố gắng giữ mức ngang bằng, đừng để chùng xuống như hiện nay", đại diện Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế lo lắng.

Về điều này, đại diện Sở GD-ĐT các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Nam, Kom Tum, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định... đều nhất trí đề xuất coi Ngoại ngữ là môn thi tự chọn thay vì để là môn thi khuyến khích như hiện tại.

Với quy định 4 môn thi tốt nghiệp THPT trong đó có hai môn thi tự chọn và hai môn thi bắt buộc, đại diện nhiều Sở GD-ĐT đều nhất trí cao. Tuy nhiên, một vài ý kiến cũng đề xuất việc trong số các môn thi tự chọn, buộc TS phải chọn một môn tự nhiên và một môn xã hội.

Cá biệt, đại diện Sở GD-ĐT Thanh Hóa còn kiến nghị không cho TS tự chọn mà Bộ GD-ĐT "bốc thăm" môn thi tự chọn sau đó buộc TS phải tuân theo.

Minh Châu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tranh-luan-gay-gat-xung-quanh-de-xuat-mien-thi-cho-20-hoc-sinh-thpt.aspx