Tranh luận Hillary - Trump: Công kích nhau thay vì đưa ra giải pháp

Nhìn chung, trong cuộc tranh luận đầu tiên này, 2 ứng cử viên vẫn tập trung vào khai thác các điểm yếu của đối thủ thay vì đưa ra các giải pháp cụ thể.

Cuộc tranh luận giữa 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton của Đảng Dân Chủ và ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa bắt đầu 21h (giờ địa phương) tại thành phố New York. Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút do người dẫn chương trình tin tức “Nightly News” của đài NBC, ông Lester Holt điều phối.

Mỗi ứng cử viên có 2 phút để trả lời câu hỏi, sau đó là phần tranh luận trực tiếp tập trung trình bày quan điểm cá nhân trên ba chủ đề chính: hướng đi tương lai của nước Mỹ, làm thế nào để đạt được sự thịnh vượng và bảo đảm an ninh cho đất nước. Theo ước tính của truyền thông Mỹ, cuộc tranh luận hôm nay đã thu hút gần 100 triệu người xem.

Hai ứng cử viên tranh luận quan điểm về chính sách. (ảnh: Reuters).

Trả lời chung chung về vấn đề công ăn, việc làm

Những câu hỏi đầu tiên cho cả 2 ứng cử viên liên quan tới một số vấn đề như làm thế nào để tạo ra công việc giúp người lao động Mỹ có thêm thu nhập và vấn đề tăng, giảm thuế cho giới thượng lưu.

Bà Clinton mở đầu tranh luận bằng vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, tạo việc làm cho phụ nữ, tăng lương tối thiểu và mang lại thu nhập cho người lao động.

Trong khi đó tỷ phú Trump đáp lại: "Chúng ta phải dừng ngay chuyện việc làm bị đánh cắp" bằng cách ngăn chặn việc làm bị các nước khác đánh cắp và giảm thuế cho các công ty tạo ra nhiều việc làm cũng như đàm phán lại các hiệp định thương mại”.

Các câu trả lời của cả hai ứng viên đều chung chung và không có một kế hoạch cụ thể nào được đưa ra ngay cả đối với vấn đề tăng và giảm thuế cho giới thượng lưu. Cả hai ứng cử viên cũng tranh thủ công kích đối thủ ví dụ như vấn đề ông Trump không công khai thu nhập và thuế cũng như ông Trump nói bà Clinton là một chính trị gia điển hình, nói nhiều, làm ít.

Về chủ đề lớn thứ hai: "Phân biệt chủng tộc tại Mỹ". Tỷ phú Trump kêu gọi lập lại "luật pháp và trật tự" trên toàn liên bang. Ông cho rằng tình trạng phân biệt chủng tộc đang rất đáng báo động, nhiều thành phố chẳng khác nào "địa ngục" với người Mỹ gốc Phi.

Phản bác lại, bà Clinton tố tỷ phú Trump "nói dối", rằng chính ông này là người có nhiều vấn đề với phân biệt chủng tộc, trong đó có một vụ kiện lùm xùm liên quan đến lao động gốc Phi từ khi ông mới khởi nghiệp.

Sự khác biệt về quan điểm giữa 2 ứng cử viên Tổng thống hàng đầu tiếp tục được thể hiện trong các câu hỏi lớn còn lại của cuộc tranh luận, như vấn đề an ninh mạng, cuộc chiến chống khủng bố.

Người điều hành cuộc tranh luận đã phải rất vất vả. Ông nhiều lần phải can thiệp vì ông Trump và bà Clinton đi quá xa chủ đề được đưa ra và tiếp tục công kích nhau. Cuộc tranh luận kết thúc sau hơn 90 phút đồng hồ, với việc cả ông Donald Trump và bà Hillary Clinton tuyên bố sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử sắp tới, dù thắng hay thua.

Hilary được đánh giá là có lợi thế hơn Donald Trump

Nói chung trong cuộc tranh luận đầu tiên này hai ứng cử viên vẫn tập trung vào khai thác các điểm yếu của đối thủ thay vì đưa ra các giải pháp, phương án cụ thể cho các vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm.

Theo đánh giá ban đầu, bà Clinton có vẻ giành được lợi thế hơn so với đối thủ của mình là ông Trump. Mặc dù là các câu trả lời của bà Clinton cũng không cụ thể và chung chung nhưng ông Trump thì cũng không có được câu trả lời rõ ràng liên quan tới một số vấn đề mà cử tri quan tâm tới bản thân ông như vấn đề thu nhập và thuế, vấn đề nghi vấn nơi sinh của Tổng thống Obama, hay việc ông nói ông kiểm soát tâm lý tốt hơn bà Hillary (điều mà dư luận cho là ngược lại), hay việc ông Trump nói bà Clinton không đủ sức chịu đựng, ám chỉ vấn đề sức khỏe của bà thì ngay lập tức bà Clinton đáp trả bằng việc nhắc đến các chuyến đi liên tục hay việc đứng liên tục 11 tiếng trong cuộc điều trần của Quốc hội thời bà còn làm Ngoại trưởng. Những câu đáp trả của bà Clinton cho thấy bà đã có sự chuẩn bị tốt hơn so với ông Trump và dường như làm đối thủ của mình lép vế hơn.

Dựa trên mạng xã hội Mỹ và ý kiến của những người theo dõi trực tiếp, có thể thấy đa số người dân nghiêng về bà Clinton. Kết quả thăm dò của CNN/ORC ngay sau tranh luận thì có tới 62% ủng hộ cựu Ngoại trưởng Clinton trong khi đó chỉ có 27% ủng hộ tỷ phú Trump.

Theo tổng kết của truyền thông Mỹ thì các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình thông thường chỉ có rất ít tác động đến các cử tri trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Trong bầu cử năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng tác động của các cuộc tranh luận có thể sẽ khác khi đây là những màn đối đầu giữa một nữ cựu ngoại trưởng đầy kinh nghiệm chính trị và một tỷ phú bắt đầu từ con số không.

Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ ủng hộ đối với hai ứng cử viên hàng đầu là khá sít sao tại các bang đang tranh chấp và chính vì thế các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình được cho là nhân tố tác động quan trọng đến các cử tri còn đang lưỡng lự chưa biết chọn ai.

Theo kế hoạch, cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai giữa ông Trump và bà Clinton sẽ diễn ra vào ngày 9/10, tại Missouri./.

Phạm Huân, Vũ Hợp/VOV-Washington

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tranh-luan-hilary-trump-cong-kich-nhau-thay-vi-dua-ra-giai-phap-554534.vov