Tranh giả: Bi kịch tự cứu mình

17 bức tranh được cho là giả, mạo chữ ký được trả về cho nhà sưu tập. Những bức tranh này sau đó sẽ đi đâu, ẩn dưới lớp áo nào, danh xưng nào, không ai biết được.

Điều người ta biết chắc chắn từ sau vụ tranh giả lần này là chẳng có biện pháp pháp lý nào tại Việt Nam có thể kiểm soát nạn tranh giả. Và, để tránh trường hợp trở thành nạn nhân, các họa sĩ phải nghĩ cách tự cứu mình.

Ngày 22/7, ông Vũ Xuân Chung - chủ nhân bộ sưu tập Những bức tranh trở về từ châu Âu đã mang 17 bức tranh ra khỏi bảo tà ng mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Theo ông Trịnh Xuân Yên - Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cuối ngày 21/7 là hết hạn theo hợp đồng thuê không gian trưng bày triển lãm bộ sưu tập này, và bảo tàng không có quyền giữ các bức tranh lại.

Thực tế, không chỉ bảo tàng mà hiện không có quy định nào cho thấy ngay cả cơ quan quản lý văn hóa (là Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM) có thẩm quyền tạm giữ bộ sưu tập này. Việc tạm giữ bằng chứng chỉ diễn ra khi vụ việc được khởi tố. Điều đó có nghĩa, 17 bức tranh này rất có khả năng lại trôi nổi trên thị trường với “lý lịch” gian dối như khi trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Nạn tranh giả vốn làm giới mỹ thuật bức xúc lâu nay, qua sự việc này cho thấy vẫn không có biện pháp gì có thể ngăn chặn.

17 bức tranh được nhà sưu tập mang về mà không gặp trở ngại nào - Ảnh: BĂNG CHÂU

Tranh giả là câu chuyện dài mà theo dân trong nghề, nó thậm chí có khi bắt nguồn từ chính các họa sĩ. Trong đó, có người nhân bản tranh của mình để bán; có người vì bức vẽ đầu tiên chưa vừa ý một chi tiết hay một nét màu nên vẽ lại, khiến thị trường có hai bức tranh giống nhau… Do đó, khái niệm tranh giả không gói gọn ở việc bức tranh đó bị sao chép bởi người khác, hay họa sĩ đó bị nhái phong cách lẫn kỹ thuật rồi mạo nhận chữ ký, mà còn ở việc đó là bức tranh thật, do chính tác giả vẽ nhưng không độc bản gây ra tranh cãi. Điều đáng nói, trong khi các loại hình khác như âm nhạc, điện ảnh hay văn học… đều có các đơn vị bảo hộ tác quyền với những căn cứ định lượng thì ở mả ng mỹ thuật lại bị bỏ trống.

Theo một họa sĩ, để xác định mức độ thật giả của bức tranh, trước hết phải xác định đồng vị carbon để biết được niên đại bức tranh. “Ngay cả việc kết luận của hội đồng chuyên môn về bộ sưu tập Những bức tranh trở về từ châu Âu, nói một cách thẳng thắn thì đó cũng chỉ là đánh giá cảm tính mà không phải có căn cứ khoa học nào”, một họa sĩ cho biết. Cũng theo họa sĩ này, ngay cả khi đã xác định được đồng vị carbon (nghĩa là tìm được thời điểm bức tranh được vẽ), người ta vẫn rất khó để xác định chính xác tác giả với các trường hợp cả hai họa sĩ đều phác thảo dựa trên cùng một nguyên mẫu, vào cùng thời điểm…

Riêng những bức tranh sao chép phong cách của danh họa thì lại khó xác định theo một cách khác, bởi các danh họa đều đã qua đời, trong khi các chữ ký thì được nhái rất tinh vi… “Những phân tích này cho thấy việc bảo chứng tác quyền cho một bức tranh là cực kỳ khó, khó đến mức không thể, và cái khó đó diễn ra trên thế giới chứ chẳng riêng gì Việt Nam”, họa sĩ này nói.

Trước sự bế tắc đó, nhất là sau vụ triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, không ít họa sĩ đã tự tìm cách “cứu” mình. Trên trang cá nhân của mình, họa sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ cách ông thực hiện với bức vẽ của mình: chọn một chi tiết khó sao chép nhất trên tranh, đến ngay cả bản thân ông cũng khó làm lại được, chụp lại. Bức ảnh về chi tiết đó được ông phóng lớn và đính kèm trong hồ sơ bán tranh như một bảo chứng.

Khi các quy định mang tính pháp lý không thể bảo vệ quyền sở hữu chất xám, các chủ thể sáng tạo không còn cách nào khác phải tìm cách tự bảo vệ lấy mình. Đó là điều tất yếu, nhưng là tất yếu đau lòng.

Nguyên Vĩnh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/xem-nghe-doc-%e2%80%93-choi/tranh-gia-bi-kich-tu-cuu-minh-79701/