Tranh cổ động và những câu chuyện về giá trị lịch sử

Đã có một thời cả nước bước vào cuộc chiến vệ quốc oai hùng, tiếp lửa cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương không chỉ là những bài thơ, câu hát mà còn có sự đóng góp rất to lớn của các bức tranh cổ động. Giờ khi cuộc sống thanh bình, chiến tranh đã lùi xa, những tưởng các bức tranh cổ động sản xuất, chiến đấu ngày nào sẽ chẳng còn đất diễn. Nhưng không, giữa đông đúc, nhộn nhịp của phố cổ những bức tranh cổ động vẫn được vẽ và được đón nhận.

Hồn dân tộc trên những bức tranh

Cửa hàng tranh cổ động của bà Đinh Thị Lượng nằm khiêm tốn trên phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, giờ những cửa hàng như thế này là của hiếm giữa cuộc sống hiện đại. Bước vào trong, nếu không có những nền gạch bóng bẩy, đèn soi tranh… người xem rất dễ lạc vào cuộc sống thời chiến của những năm 60, 70 của thế kỉ trước.

Chỗ này là bức tranh khổ to vẽ người lính chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc trên nền cờ đỏ, búa niềm. Bức tường đối diện là bức tranh có lẽ ra đời từ năm 1972 khi đế quốc Mỹ cho B52 đánh phá miền Bắc Việt Nam, tranh vẽ hình ảnh một quả bom đang lao xuống, cắt ngang cho sự hung bạo ấy là đôi chim bồ câu tượng trưng cho Hà Nội vì hòa bình bay vút lên tạo thành hai đường chéo cách điệu phía trước quả bom như một lời khẳng định: “Hòa bình nhất định thắng”. Tranh đa số được vẽ từ hình ảnh in trên những con tem. Bà Lượng tự hào khoe với khách bức tranh Bác Hồ đang ngồi bên bàn làm việc, giữa không gian của thiên nhiên, cây cối…được ghép lại từ hàng nghìn con tem. Bà Lượng và chủ một số cửa hàng bán tranh cổ động khác tự nhận mình là những người buôn cái cũ.

Lịch sử của đất nước, của Hà Nội một phần được tái hiện qua những bức tranh cổ động nhưng rất tiếc dòng tranh nói về lịch sử hào hùng của một thời này đang bị lãng quên? Sự thực là ngay tại Hà Nội không còn nhiều cửa hàng bán tranh vẽ cổ động cũ, không phải vì không có đội ngũ họa sĩ biết tạo ra những tác phẩm này mà vì tranh khá kén khách. Khách mua chủ yếu là người nước ngoài, chủ một cửa hàng tranh cổ động trên phố Lý Quốc Sư điểm lại những vị khách thường lui tới mua tranh cũng phải công nhận sự thực trên, có những người nước ngoài là các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, mua tranh để hoài niệm về một quá khứ đầy máu lửa ở mảnh đất mà họ tưởng như không còn cơ hội trở về quê hương. Nhưng cũng có những vị khách nước ngoài như Kay silabetzschky (người Đức) mua tranh với mục đích sưu tầm. Chủ gallery này cũng có lần được vị khách mở điện thoại cho xem bộ sưu tập tranh của mình, có tranh mua lại ở những nước thuộc Liên Xô cũ, có tranh mua ở Trung Quốc nhưng nhiều và đa dạng nhất vẫn là những bức tranh cổ vũ lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu và thậm chí là tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam.

Còn nhớ năm 2004, sau một chuyến đi Pháp về, nhà thơ Đỗ Quang Hạnh hào hứng khoe khi vào quán rượu Chào Bà khá lớn ở Paris đã tận mắt thấy bức tranh cổ động khổ rộng gần 3m, dài đến 20m bằng kim loại, loại tranh cổ động khá phổ biến của miền Bắc nước ta trong thời kỳ chống Mỹ. Bức tranh được treo chiếm hết diện tích bức tường chính. Thế mới biết sự độc đáo của dòng tranh này luôn có đất sống, đáng tiếc đất sống đó lại được những du khách nuôi dưỡng chứ không phải xuất phát từ niềm đam mê của người Việt.

Những bức tranh cổ động được các bạn trẻ nhiệt tình đón nhận...

Sự độc đáo của một dòng tranh

Hà Nội những ngày này đi đâu cũng thấy những tấm pano, áp phích tuyên truyền cho Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI đang diễn ra, điều đó cho thấy rằng dù không ồn ào nhưng tranh cổ động luôn có ưu thế riêng. Mỗi một bức tranh lại phản ánh sự kiện thời sự ở một thời điểm nhất định, đa số dùng để tuyên truyền đường lối, chủ chương, chính sách, hay một phong trào lớn, một sự kiện trọng đại của đất nước.

Giữa những sôi động của nhịp sống phố phường nhưng khi bước vào không gian của những phòng tranh cổ động ta lại có cảm nhận thời gian trôi chậm hơn như bị kéo lùi về quá khứ. Đây là bức tranh tả một chiếc máy bay Mỹ bị bắn cháy đang kéo theo những vệt khói đen xì như muốn lê thân trốn chạy khỏi đất Hà Nội được họa sĩ vẽ dưới hầm khi bên trên là ầm ầm bom đạn của những ngày mùa đông năm 1972 khi đế quốc Mỹ cho máy bay oanh tạc Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc Việt Nam. Đây nữa những tấm áp - phích mang tính hiệu triệu: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu”, “Chúng ta xây dựng vùng kinh tế mới”, “Ngày hội bầu cử” giúp người xem như thấy được không khí hào hùng một thời máu và hoa.

Những bức tranh cổ động vừa mang thông điệp thời sự nhưng ẩn trong đó là những giá trị lịch sử quý giá.

Những họa sĩ tên tuổi như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Đông, Nguyễn Đỗ Cung... đều vẽ tranh cổ động và xem nó như một thứ vũ khí góp phần cho chiến thắng chung của dân tộc.

Cách đây 5 năm chúng tôi có dịp trò chuyện với họa sĩ Trần Mai, ở 17 Cửa Nam, Hà Nội. Với ông nghiệp vẽ tranh cổ động như ăn vào máu bởi rất nhiều kỷ niệm đã được khắc họa thông qua những tác phẩm. Đáng nhớ nhất là thời kỳ quân và dân Hà Nội cùng cả nước chiến đấu chống không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Có những bức vẽ ông thực hiện ngay trên hầm trú ẩn khi cách đó không xa, từng đàn máy bay đang lao xuống trút bom và ga Hà Nội, để rồi sáng hôm sau kịp bày tranh ở hồ Hoàn Kiếm, báo tin số lượng máy bay Mỹ đã bị bắn rơi từng ngày. Họa sĩ Trần Mai cũng là người được chọn vẽ tranh cổ động cho 7 kỳ Đại hội Đảng, liên tục từ khóa IV đến khóa X.

Sưu tầm, giữ gìn tranh cổ động, nom thế, cũng công phu nhiều bề vì tranh giấy phải cất nơi cao ráo, lại phải "đảo tranh", dời chuyển chỗ liên tục tránh hư hỏng, ố. Tranh tuổi thọ mấy chục năm, giấy giòn, phải bồi tranh, dán kỹ mặt sau. Thực ra, nếu ai có ý sao chép tranh cổ động thì cũng chỉ chép được phần họa, phần giấy là khó. Giấy làm tranh cổ động thường chỉ có một khổ, loại giấy croki Việt Trì hiện giờ không nơi nào sản xuất; mà ngày trước chỉ có Hội Mỹ thuật Việt Nam mới phát giấy này cho hội viên vẽ. Người sành chơi tranh cổ động nhìn tranh là biết ngay.

Chủ một gallery nằm gọn trong ngõ nhỏ phố cổ tâm sự: “Thực tình tôi muốn nhiều người Việt mình đến mua tranh để qua đó các thế hệ sau biết được dấu ấn của đất nước hoặc một vùng miền nào đó ở một thời kỳ nhất định. Ý nghĩa giáo dục lịch sử là đây chứ đâu, tranh chép lại không hề đắt để mà đắn đo nhưng có lẽ nó lại không hợp trong bài trí những ngôi nhà mang phong cách trẻ. Có những bức tranh gốc, vẽ cách đây hàng chục năm bán cho người nước ngoài được giá lắm nhưng bán xong lại thấy tiếc”.

Họa sĩ Trần Lê An, giảng viên khoa Mỹ thuật trường ĐH Mở nhận xét: “Đáng tiếc nhất là ta chưa chú ý sưu tập tranh cổ động thời kháng chiến. Thời đó chúng ta có rất nhiều tranh cổ động, có giá trị mỹ thuật cao. Chính tôi đã sử dụng kỹ thuật in li-tô để in nhiều tranh cổ động trong chiến trường Quảng Trị. Thời chiến tranh, chỉ có cách đó, hoặc chép tay. Rồi đây các nhà sưu tập phương Tây sẽ không dừng ở việc mua các bức tranh cổ động nữa mà họ sẽ sưu tập cả những bản rập, khung in. Chúng ta sẽ mất cả những hiện vật lịch sử”.

Phóng sự của Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/tranh-co-dong-va-nhung-cau-chuyen-ve-gia-tri-lich-su-100646