Tranh chấp trên biển Đông ngày càng phức tạp

Các học giả cho rằng, biển Đông không chỉ giữ vai trò quan trọng về mặt thông thương, luân chuyển hàng hóa, mà còn là kho tài nguyên vô giá nên các nước lớn đều muốn “sở hữu”.

Ngày 14/11, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), diễn ra hội thảo quốc tế lần thứ 8 về biển Đông, với chủ đề Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực. Hội thảo do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.

Hội thảo quy tụ gần 200 đại biểu là các học giả trong nước và quốc tế, trong có có học giả một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippines, Malaysia…

Theo ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, bối cảnh tình hình biển Đông, cũng như chính trường khu vực và trên thế giới có nhiều diễn biến đáng chú ý.

“Trong năm qua, căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven biển Đông ở gần khu vực Trường Sa và đặc biệt là Hoàng Sa. Chưa kể nhiều vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc trong khu vực", ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng cho biết tình hình cải tạo đảo và quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động.

Theo ông Ulises Granados, điều phối chương trình Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, các tranh chấp hiện tại trên biển Đông tồn tại trên rất nhiều phương diện và “nhức nhối” hơn trước. Cụ thể là quyết định tăng cường sự hiện diện trên Trường Sa của Trung Quốc.

Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) của Việt Nam. Ảnh: An Bình

“Trung Quốc hiện nay đang nâng cấp 7 thực thể mà nước này chiếm đóng và đưa bãi cạn Scarborough trở thành trọng tâm trong tính toán địa chiến lược của mình kể từ năm 2012. Song song với việc nâng cấp mạnh mẽ lực lượng hải quân phòng thủ trên Hoàng Sa”, ông Ulises Granados phát biểu.

Nhiều học giả cũng cho rằng, trong năm nay, thế giới nhất là các nước trong khu vực liên quan đến biển Đông chứng kiến một phép thử quan trọng đối với vai trò của luật pháp quốc tế và tinh thần thượng tôn pháp luật của các cộng đồng khu vực.

Ngày 12/7 năm nay, phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc ở biển Đông đã chứng tỏ điều này.

Phản ứng của các nước liên quan đối với kết quả vụ kiện này cho thấy vẫn còn có nhiều khác biệt trong việc diễn giải luật pháp, nhất là trong việc lồng ghép vào những tính toán địa chiến lược của các nước liên quan, nhất là các nước lớn.

Ông Gerard Sasges, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng theo dõi tình hình biển Đông trong năm qua cũng không khó để nhận thấy rằng, bản thân các nước liên quan cũng có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về vai trò luật pháp quốc tế.

“Trong những năm tới, các khác biệt về biển Đông sẽ tiếp tục là cơ sở cho những bất đồng, tranh chấp, nhất là các cuộc chuyển giao quyền lực, hoặc tái cơ cấu quyền lực đã, đang và sẽ diễn ra trong khu vực”, ông Gerard Sasges nhận định.

An Bình

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tranh-chap-tren-bien-dong-ngay-cang-phuc-tap-post697730.html