Tranh cãi việc đúc tượng rùa 10 tấn đặt ở Hồ Gươm, bao giờ có hồi kết?

Ý tưởng “đúc tượng rùa vàng Hồ Gươm” mang tính thế kỷ, mang tính trường tồn của ông Tạ Hồng Quân từ năm 2011, nay lại đang dấy lên những tranh cãi gay gắt.

Đặt biểu tượng rùa ở Hồ Gươm có là hợp lý?

Xem ra, cứ cái đà “tranh cãi” như này, thì việc đặt biểu tượng gì ở Hồ Gươm là một việc khó như sống trên… sao Hỏa. Tất nhiên, King Kong là quá phi lý, còn rùa Hồ Gươm thì sao?

Cách đây 6 năm, nhân dịp kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long Hà Nội, ông Tạ Hồng Quân có đề xuất đúc tượng rùa đặt ở Hồ Gươm. Tượng sẽ dài 2,5m, cao 3,5m và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng. Dự án này chưa được duyệt. Tới năm nay, dự án lại được đề xuất tới Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung khiến cho dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc đúc tượng rùa này không có gì là mới, tuy nhiên, vấn đề nhìn nhận sẽ đặc biệt ở chỗ: “Chúng ta chọn biểu tượng như thế nào vì đặc trưng không gian lịch sử ở Hồ Gươm rất khác so với nhiều nơi. Trước kia, tôi đã rất ủng hộ ý tưởng này. Giờ, tôi nghĩ, cứ để dư luận xã hội cùng bàn xem thế nào là hợp lý.”

Kinh phí để đúc tượng không sử dụng ngân sách nhà nước, mà huy động bằng hình thức xã hội hóa.

Theo PGS Hà Đình Đức (người đã ủng hộ dự án này cùng với GS Vũ Khiêu, GS Phan Huy Lê, PGS Đặng Văn Bài, nhà sử học Dương Trung Quốc): “Làm một tượng rùa ở khuôn viên Hồ Gươm cũng là cách nhắc nhớ về cụ rùa từng tồn tại ở đây, một biểu tượng gắn liền di tích quốc gia đặc biệt này. Nhưng cũng cần tính toán và bàn bạc kỹ lưỡng về mẫu mã, chất liệu, kích thước, màu sắc, vị trí đặt tượng. Các Bộ như Bộ VHTT&DL, UBND TP. Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội cũng cần thống nhất.

"Tôi cho rằng nên tổ chức dưới dạng cuộc thi để chọn được mẫu mã hợp lý. Và là cuộc thi thì phải có Hội đồng là các chuyên gia văn hóa, lịch sử, quy hoạch, kiến trúc, hội họa, điêu khắc… Thậm chí, sau khi chọn được mẫu rồi cũng cần phải trưng cầu ý kiến của người dân cả nước. Khi đã “đồng tâm nhất trí” rồi thì mới tiến hành làm”. Ông cũng nhấn mạnh về mặt chất liệu, phải tính kỹ vì đây là công trình mang tầm thế kỷ, mang tính trường tồn chứ không phải chỉ đặt một vài năm rồi mang vào kho cất.

Phối cảnh rùa thay thế vị trí của chiếc đồng hồ phía Hàng Khay cắt Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Dân Việt)

Người đồng tình, người phản đối!

Ý của ông Dương Trung Quốc, PGS Hà Đình Đức và ngay cả cha đẻ của dự án này là ông Hồng Quân cũng nhất trí với ý kiến: Nên để xem dư luận góp ý thế nào, và phải có cuộc thi vẽ biểu tượng rùa.

Về phía người dân, theo độc giả Hoàng Nguyên: “Hiện nay dân ta còn nghèo, nhiều vấn đề dân sinh chưa được giải quyết, đúc tượng rùa vàng 10 tấn có là một việc phí phạm cho ngân sách hay không? Nhiều người nghèo khó khăn, trẻ vùng cao thiếu trường học, cầu qua sông qua suối còn thiếu, y tế, bệnh viện quá tải. Tiền nào cũng là tiền, tiền xã hội hóa cũng là tiền của dân. Tôi không đồng thuận”. Độc giả Trần Quân bày tỏ: “Theo tôi thì các bác suy nghĩ và làm gì có ích cho xã hội thì làm. Giờ đang nghèo, nợ công chồng chất. Nên đầu tư các công trình công cộng phục vụ lợi ích cần thiết trước".

Phối cảnh phương án đặt rùa tại Hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Dân Việt)

Về phía các nhà học giả, theo nhà nghiên cứu văn hóa GS Trần Lâm Biền gay gắt cho rằng, con rùa tương truyền là con vật gây nên lũ lụt. Tôn sùng con rùa quá mức khác nào cầu mong cho lũ lụt. Ông Biền nhấn mạnh việc báo chí hay gọi là “cụ” rùa. Theo ông, rùa là con vật, không phải “cụ rùa” nào cả. Đồng thời ông nêu những sự tích thánh thần phải “chém, trảm” rùa để trị loạn.

Để lý giải những “rùa thần” trong truyền thuyết, GS Lâm Biền nói: “Trừ những rùa hóa thân tối thượng thần như thần Kim Quy trong truyền thuyết Cổ Loa, còn rùa Hồ Gươm là biểu tượng sống chung với lũ lụt. Không thể tôn sùng quá mức. Rùa đội bia đội hạc, làm sao mà đề xuất làm biểu tượng Quốc gia. Cũng theo ông Trầm Lâm Biền, “mặt hại” của con rùa nhiều hơn là mặt lợi, thế nên việc đặt cái gì ở Hồ Gươm phải cân nhắc cẩn thận chứ không phải cứ muốn đặt gì cũng được. Mà có đề xuất cũng nên cân nhắc trước khi đề xuất, không đề xuất linh tinh”.

Vậy đấy, ý tưởng xuất phát từ truyền thuyết rùa vàng trao gươm báu cho vua Lê Lợi đã bị Giáo sư Trần Lâm Biền “đánh” cho tan tành.

Xem ra, nhà nghiên cứu, giáo sư, sử học, văn hóa nào nói cũng có cái lý riêng. Ý kiến của người dân cũng có cái lý riêng. Vấn đề ở đây vẫn phụ thuộc vào các cấp lãnh đạo nghiên cứu nghiêm túc và có ý kiến xác đáng về vấn đề biểu tượng này. Nhắc tới Hà Nội, người ta sẽ nhớ tới biểu tượng Khuê Văn Các và Tháp rùa chứ không ai coi rùa là biểu tượng của cả quốc gia được.

Còn nếu chúng ta vẫn cứ có một chú rùa bằng đồng kích cỡ đúng như rùa Hồ Gươm và không bị quá phô trương danh tiếng rằng đây là biểu tượng quốc gia, mang tầm thế kỷ thì có lẽ, sự xuất hiện và tồn tại của tượng rùa cũng không quá khó khăn như này. Hơn nữa, có một chứng tích về loài rùa Hồ Gươm vẫn đang nằm trong đền Ngọc Sơn mang dấu ấn lịch sử và có giá trị hơn hết, vậy thì rùa 10 tấn màu đồng vàng chóe lại hoa văn cuồn cuộn xuất hiện ở Hồ Gươm và phải mất hai năm để hoàn thành, có nên hay không? Mọi chuyện, vẫn còn chưa lời giải đáp!

Long Vũ

Theo VNM - PL.XH

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/tranh-cai-viec-duc-tuong-rua-10-tan-dat-o-ho-guom-bao-gio-co-hoi-ket-151019/