Tranh cãi về câu hỏi: Ông Địa là nhân vật thường xuất hiện trong trò chơi dân gian nào?

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đang là chủ đề tranh cãi của nhiều cư dân mạng.

Ông Địa xuất hiện trong trò chơi dân gian nào? (Ảnh chụp màn hình)

Mới đây, cộng đồng mạng đang quan tâm tới một câu hỏi xuất hiện trong chương trình Ai là triệu phú phát sóng trên VTV3 ngày 1/11 vừa qua.

Câu hỏi được đặt ra là "Ông Địa là nhân vật thường xuất hiện trong trò chơi dân gian nào?". Câu hỏi được đưa ra với bốn đáp án: A. Múa lân; B. Kéo co; C. Nhảy dây; D. Ô ăn quan.

Người chơi đến từ Quảng Ninh phân vân giữa đáp án A và D nên đã nhờ tới sự trợ giúp hỏi ý kiến của khán giả trong trường quay. Trong đó, 80% khán giả chọn đáp án A, 5% chọn B, 2% chọn C và 13% chọn D.

(Ảnh chụp màn hình)

Người chơi lựa chọn theo ý kiến của khán giả và đó cũng là câu trả lời đúng của chương trình.

Đáp án đúng của chương trình là A. Múa lân. (Ảnh chụp màn hình)

Điều khiến nhiều cư dân mạng băn khoăn là số khán giả cũng như người chơi không biết A là đáp án đúng duy nhất trong câu hỏi này có thực sự hiểu những kiến thức cơ bản về các trò chơi dân gian hay không. Ngoài trò múa lân, ba trò chơi còn lại không có nhân vật nào khác ngoài người chơi, nếu suy nghĩ và phân tích kỹ một chút cũng có thể tìm ra được câu trả lời.

Tuy nhiên, theo một số người, họ thực sự không biết ông Địa là nhân vật nào và xuất hiện trong trò chơi gì.

Hoàng Hải Long viết: "Đâu phải ai cũng biết. Lần đầu tiên tôi thấy câu hỏi như này."

Chinh TC bình luận: "Dù cả 4 trò này em đều biết nhưng không biết là có ông Địa."

Theo ý kiến của một vài người khác, do văn hóa vùng miền, trong múa lân, người miền Bắc thường gọi nhân vật là chú Tễu chứ không phải là ông Địa nên chuyện

Nguyễn Thắng chia sẻ: "Miền Bắc gọi là chú Tễu mà. Ông Địa nhiều người không biết."

Cư dân mạng khẳng định họ không biết ông Địa mà chỉ biết chú Tễu trong trò múa lân. (Ảnh chụp màn hình)

Một Facebook có tên Trung phân tích: "Nhiều người nhầm. Chú Tễu là nhân vật dẫn trò trước mỗi màn múa rối nước (riêng Việt nam mới có trò chơi này). Ông Địa là ông Địa. Múa lân là trò chơi du nhập theo văn hóa của người Hoa vào Việt Nam, trong trò chơi nhân vật ông Địa mang hình hài vui vẻ cho trò chơi thêm sinh động, náo nhiệt."

Xét về nguồn gốc, múa lân - sư - rồng là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố xuất phát từ Trung Quốc, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu.

Trong màn trình diễn múa lân, sư, rồng, không thể thiếu Ông Địa, một người bụng phệ mặc áo dài đen, tay cầm quạt giấy to phe phẩy, mang mặt nạ ông Địa đầu hói tròn cười toe toét đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa hoặc mua vui cho gia chủ. Ông Địa được cho là hiện thân của Đức Di Lặc, một vị Phật lúc nào cũng tươi vui hiền lành.

Còn chú Tễu là một nhân vật con rối tiêu biểu trong hình thức múa rối nước tại Việt Nam. Dựa vào nét tạo hình, chú Tễu là nhân vật khoảng 7, 8 tuổi với thân hình đầy đặn, da trắng hồng và luôn vui vẻ. Chú Tễu thường đóng khố, lộ bộ ngực và bụng phệ. Để gây cười khán giả, chú Tễu đưa tay vung vẩy và quay đầu nghiêng ngửa. Tễu là người ra mắt, người bình luận, người tự sự, và là người trách móc quan lại tham nhũng trong nhiều vở diễn. Ở các phường rối, Tễu là nhân vật phất cờ hay châm pháo.

Có thể thấy, tạo hình cũng như tính cách của hai nhân vật có khá nhiều nét tương đồng nên theo thói quen của từng vùng miền, mỗi nơi lại gọi họ bằng những cái tên riêng.

HT

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/noi-mang/tranh-cai-ve-cau-hoi-ong-dia-la-nhan-vat-thuong-xuat-hien-trong-tro-choi-dan-gian-nao-131999