Tranh cãi quanh chiếc cần cẩu xây dựng khiến 17 dự án bị đình chỉ thi công

Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các cơ quan chức năng về việc đình chỉ 17 dự án sau khi UBND tỉnh này ban hành Chỉ thị 18.

Theo tin mới nhận, sau khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành Chỉ thị 18 và Phòng Quản lý trật tự xây dựng đô thị TP Vinh ra quyết định đình chỉ 17 dự án, công trình vi phạm cần cẩu tháp nhằm siết chặt quản lý về sử dụng cần cẩu này khiến nhiều dự án thu hút đầu tư bị “trói”, Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An đã có văn bản tập hợp phản ánh tình hình khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp ngành Xây dựng gửi UBND tỉnh và các cơ quan chức năng.

Nhiều dự án thu hút đầu tư trên địa bàn TP Vinh có cần cẩu vi phạm đã bị đình chỉ thi công.

Theo các chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công, phía UBND TP Vinh và tỉnh Nghệ An yêu cầu không sử dụng cần cẩu tháp nếu xung quanh có khu dân cư là rất khó. Bởi đất dự án được phê duyệt đều ở gần khu dân cư hoặc nơi có hoạt động cộng đồng. Các cần cẩu tháp khi đưa vào hoạt động đều đã được cơ quan chức năng thẩm định an toàn mới sử dụng.

Cùng với đó, các đơn vị cũng đã thực hiện đúng như quy định, yêu cầu tại Thông tư 22 và Chỉ thị 01 của Bộ Xây dựng mà vẫn bị đình chỉ thi công và bắt buộc phải tháo cần cẩu là chưa “hợp tình, hợp lý”.

Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An có văn bản gửi UBND tỉnh và các cơ quan chức năng.

Chia sẻ với PV, ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An cho biết: “Tỉnh Nghệ An ban hành văn bản quy định quản lý sử dụng cần cẩu tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn, chúng tôi hết sức đồng tình. Tuy nhiên, trong chỉ thị có một điểm chưa phù hợp với thực tế đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thi công công trình đối với nhà cao tầng, trong lúc chúng ta đang khuyến khích và thu hút đầu tư về lĩnh vực này".

“Để xây dựng nhà cao tầng thì cần cẩu tháp là nhu cầu không thể thiếu trong quá trình thi công. Hơn nữa, trên cả thế giới cũng như trong nước không có quy định nào cấm sử dụng hệ thống cần cẩu này trong quá trình thi công xây nhà cao tầng và phạm vị hoạt động theo tầm với của cần cẩu, chỉ có quy định về quản lý và sử dụng cần cẩu tháp làm sao cho an toàn” - Ông Trần Anh Sơn cho biết thêm.

Trước đó, sau vụ sập cần cẩu tháp tại dự án chung cư và biệt thự liền kề Trường Thành 2 làm một nam sinh lớp 10 Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) tử vong, nhằm tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo an toàn trong thi công, xây dựng công trình trên địa bàn theo, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 18 ngày 28/11/2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường ký.

Chỉ thị 18 do UBND tỉnh Nghệ An ban hành.

Theo đó, UBND TP Vinh đã tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng có sử dụng cần trục tháp trên địa bàn và phát hiện có tới 17/21 công trình vi phạm và đình chỉ thi công.

Tại quyết định đình chỉ thi công các dự án nêu trên vào ngày 3/12, TP đã yêu cầu các chủ đầu tư phải đình chỉ thi công và yêu cầu tháo dỡ cần cẩu tháp trong vòng 10 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Việc tiếp tục thực hiện xây dựng dự án sẽ được xem xét sau khi hoàn thành việc tháo dỡ cần cẩu tháp vi phạm.

Quyết định cũng yêu cầu Điện lực TP Vinh, Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An phải dừng ngay việc cấp điện, cấp nước đối với các công trình bị đình chỉ.

Điều 4. Thông tư số 22/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng: Yêu cầu khi thi công xây dựng

Khi thi công xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Trước khi khởi công xây dựng phải có thiết kế biện pháp thi công được duyệt, trong biện pháp thi công phải thể hiện được các giải pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động và máy, thiết bị thi công đối với từng công việc. Trong thiết kế biện pháp thi công phải có thuyết minh hướng dẫn về kỹ thuật và các chỉ dẫn thực hiện.

2. Thi công xây dựng phải tuân thủ theo thiết kế được duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật. Đối với những công việc có yêu cầu phụ thuộc vào chất lượng của công việc trước đó, thì chỉ được thi công khi công việc trước đó đã được nghiệm thu đảm bảo chất lượng theo quy định.

3. Biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn phải được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng của công trường.

4. Tổ chức, cá nhân phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định. Những người điều khiển máy, thiết bị thi công và những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được huấn luyện an toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định;

5. Máy, thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường. Khi hoạt động, máy và thiết bị thi công phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn.

Trường hợp khi hoạt động, thiết bị thi công vượt khỏi phạm vi mặt bằng công trường thì chủ đầu tư phải phê duyệt biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình trong, ngoài công trường chịu ảnh hưởng của thi công xây dựng.

Trường hợp do điều kiện thi công, thiết bị phải đặt ở ngoài phạm vi công trường và trong thời gian không hoạt động nếu các thiết bị thi công vươn ra khỏi phạm vi công trường thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của địa phương.

6. Những người khi tham gia thi công xây dựng trên công trường phải được khám sức khỏe, huấn luyện về an toàn và được cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định của pháp luật về lao động.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tranh-cai-quanh-chiec-can-cau-khien-17-du-an-bi-dinh-chi-thi-cong-a174226.html