Trang trí bàn thờ tổ tiên đón Tết

Trang trí bàn thờ đón Tết là cách để con cháu bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên vì thế người Việt Nam luôn có ý thức dồn vào đó tất cả vẻ đẹp hình thức mà khả năng có được.

Tại sao lại trang trí bàn thờ tổ tiên khi "Năm hết, Tết đến"?

Bàn thờ tổ tiên là nơi dung tụ cốt cách của từng nhà, song nó cũng là bóng dáng chung của tâm hồn dân tộc, vì thế người Việt Nam luôn có ý thức dồn vào đó tất cả vẻ đẹp hình thức mà khả năng có được, nhất là vẻ đẹp tâm linh.

Ông Dương, Bắc Ninh, cho rằng: “Mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ cho nên vào mỗi dịp cuối năm, việc dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, và trang trí lại bàn thờ cho hợp với truyền thống là điều quai trọng. Những việc làm này không phải vì mê tín dị đoan mà tất cả vì lòng người, vì một tâm hướng thiện.”

Bàn thờ tổ tiên là vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam

Cụ Bứu, 76 tuổi ở Văn Quán, Hà Đông cho hay: “Bàn thờ tổ tiên là vẻ đẹp của văn hóa truyền thống, người Việt hiểu sâu sắc rằng có quá khứ mới có hiện tại và tương lai. Nên dọn dẹp bàn thờ tổ tiên vào dịp cuối năm để trong những ngày đầu năm mới gặp nhiều may mắn, được tổ tiên phù hộ.Lau sạch sẽ bàn thờ, rửa sạch những đồ vật được bày trên bàn thờ còn thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên.”

Dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ và trang trí lại bàn thờ cho hợp với truyền thống.

Cuối năm, người Việt có tập tục tân trang căn nhà của mình, trong đó việc trang trí bàn thờ theo đúng với truyền thống là việc mà gia đình nào cũng mong muốn với suy nghĩ đầu năm đàng hoàng, no đủ thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn.

Tuy nhiên, việc trang trí nhà cửa ngày Tết, trang trí bàn thờ tổ tiên phải chú ý đến một số nguyên tắc bất thành văn. Thông thường, bàn thờ được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất. Bàn thờ tổ tiên chính là một cách thể hiện chữ Hiếu của nhân dân. Không chỉ nhớ về nguồn cội, nhân dân ta coi tổ tiên của gia đình chính là các vị thần linh thiêng luôn ở bên cạnh để phù hộ độ trì cho con cháu.

Bàn thờ được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất.

KTS Nguyễn Hải, Sở QH KT Hà Nội, cho biết: “Theo phong thủy, hướng bàn thờ cũng được người Việt rất quan tâm. Thông thường hướng theo đạo Phật thì hướng nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Cũng có gia đình đặt bàn thờ hướng tây vì người ta nghĩ hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an tọa.”

Hướng bàn thờ cũng được người Việt rất quan tâm.

Làm sạch và bài trí lại bàn thờ tổ tiên là cách để con cháu bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Những thứ không thể thiếu trên bàn thờ gồm hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú, trục vũ trụ là khúc trầm hương dưới dàn khúc khuỷu vương lên trong bát hương.

Chăm chút bàn thờ là công việc mọi người chú trọng mỗi độ "năm hết, Tết đến".

Trang trí bàn thờ đậm nét truyền thống đón Tết

Cụ Bứu cho hay: “Để trang trí được một bàn thờ tổ tiên đậm nét truyền thống thì ta cần có bát hương, hương, nến, hoa quả, chén nhỏ để đựng rượu và nước. Như tôi đã nói, trước khi bài trí bàn thờ tổ tiên, ta cần lau chùi sạch sẽ bàn thờ, rửa sạch đồ vật để trên bàn thờ".

"Việc bài trí cần dựa trên nét truyền thống, phong tục xa xưa của người Việt. Mọi gia đình đều đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) ở vị trí chính giữa và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ)."

Bàn thờ tổ tiên ngày Tết đậm nét truyền thống

KTS Nguyễn Hảinhận định: “Thông thường, ở ngay sau bát hương người ta thường đặt một chiếc Tam sơn trên đó đặt ba cái đài nhỏ đựng ba chén nước trong. Phía sau Tam sơn, thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ. Hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời ở bên trái và mặt trăng ở bên phải.”

Đỉnh đồng ba chân hình sư tử vờn cầu.

“Trước bàn thờ, người ta thường thắp 2 ngọn nến tượng trưng cho hai vầng nhật nguyệt, tiếp đó là một nén tâm hương để hướng tới mọi điều tốt lành vì tâm hương có nghĩa là ngũ hương. Hai cây nến (hoặc đèn) tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Nhưng cũng có nhiều người thắp 3 nén hương nhằm cầu cho một sự việc nào đó được tiến triển vì số 3 lẻ dẫn tới chuyển động, biến đổi, phát triển.” KTS Nguyễn Hải cho biết thêm.

Trước bàn thờ người ta thường thắp 2 ngọn nến để hướng tới mọi điều tốt lành.

Cũng theo KTS Nguyễn Hải: “Trong ngày Tết thì cành đào được cắm trên bàn thờ để trừ ma tà và mọi xấu xa, màu đỏ của hoa đào chứa một sinh khí lớn lao. Vì thế hoa đào thắm được cắm trên bàn thờ là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu xuân. ”

Cành đào được cắm trên bàn thờ để trừ ma tà và mọi xấu xa.

Cụ Vũ Văn Bẩy, Vũ Thư, Thái Bình cho rằng: “Mỗi gia đình có một cách trang trí riêng, nhiều gia đình còn đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả, phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng.Có gia đình lại cắm vào lọ một cành hoa tre, nhuộm ngũ sắc để cầu phúc".

"Ở các vùng miền khác nhau, cách trang trí bàn thờ tổ tiên cũng khác nhau, có nơi, trên bàn thờ còn có khảm (gần giống chiếc am nhỏ, bằng gỗ có cánh cửa đựng bài vị tổ tiên) được chạm trổ với tứ linh long, ly, quy, phượng cùng hoa cỏ thiêng... Hoặc, có nơi lại treo lên tường phía trên bàn thờ một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư, chữ thư pháp... để cầu sự no đủ, đồng thời làm sáng, ấm ngôi nhà.”

Treo lên tường phía trên bàn thờ một tranh dân gian vẽ ngũ quả hoặc chữ thư pháp.

Cụ Bẩy nói: “Tết nào gia đình tôi cũng trang trí thêm hai cây mía dựng hai bên bàn thờ tổ tiên bởi việc trang trí cây mía dựng bên bàn thờ có ý là để các cụ chống gậy về vui với con cháu. Thực ra, từ xưa, cây mía đã là cây linh thiêng gắn với câu chuyện tạo thiên lập địa của cư dân hải đảo. Mía được du nhập vào đất Việt trở thành một thứ trục vũ trụ, gạch nối tầng trên với tầng dưới, để dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về với con cháu."

Cây mía để dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về với con cháu

Ngoài ra, trên bàn thờ có thể cắm thêm những cành vàng lá ngọc tượng trưng cho phú quý. Bạn có thể dễ dàng mua những cành hoa này ở phố Hàng Mã với giá từ 20.000 đồng - 80.000 đồng/cành.

Những cành vàng lá ngọc tượng trưng cho phú quý

Ở Việt Nam theo tôn giáo nào cũng tôn trọng đạo lý "uống nước nhớ nguồn", người theo Phật giáo thì có một bàn thờ là thờ ông bà tổ tiên. Trên bàn thờ, người ta trang trí mâm trái cây là chủ yếu. Mâm cúng hoa quả, bánh, xôi, thịt, hương, trà đều có mục đích bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên và các bậc thánh thần.

Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh nên đồ tế lễ chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả... Những ngày giỗ Tết, con cháu muốn cúng cỗ mặn phải chú ý bài trí ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính.

Những nhà theo đạo Phật ít bày đồ mặn trên bàn thờ chính,

mà thường bài trí thấp hơn để tránh sự uế tạp và để hồn tổ tiên dễ siêu thoát.

Tết là thời điểm quan trọng trong năm cho nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả.

Theo KTS Nguyễn Hải: “Nội dung mâm cúng thay đổi tùy theo từng nhà và từng vùng của đất nước, thường là ngũ quả. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).”

Ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ

Cụ Bẩy cho biết: “Mâm ngũ quả của miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Trong đó, nải chuối tượng trưng cho bàn tay che chở; bưởi tròn trịa hứa hẹn một năm mới no đủ, may mắn; đào - hồng - quýt đỏ thắm mang lại sự ấm cúng, thành đạt, giàu sang…"

"Trong khi đó, mâm ngũ quả của người miền Nam hầu như không xuất hiện nải chuối vì sợ “chúi đầu, chúi mũi”, vất vả cả năm. Người ta cũng kỵ trái cam vì sợ phải “cam chịu”. Do đó mâm ngũ quả của miền Nam thường chỉ có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Phía dưới chân đế còn để thêm trái thơm với ý nghĩa “cầu thơm vừa đủ xài”.”

Mâm ngũ quả của người miền Nam lại không bao giờ có chuối

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/nha-dep/20120104021112738/trang-tri-ban-tho-to-tien-don-tet/