Trang trại trên nương

Đến Lâm Đồng, nhắc đến ông Ya Loan, 63 tuổi, người dân tộc thiểu số Chu Ru, ở thôn Kahót, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, ai cũng khen ngợi là tấm gương sáng, biết làm giàu cho bản thân gia đình bằng trồng rừng và giúp đỡ hàng trăm người khác vươn lên làm giàu.

Cộng đồng bà con dân tộc thiểu số Chu Ru có truyền thống trồng cây lúa nước; ngoài trồng lúa ra, còn làm thêm nương rẫy, nhưng đời sống còn nhiều khó khăn. Không cam chịu cái nghèo đói đeo bám mãi, năm 1978, ông Ya Loan đã đưa gia đình từ trong thôn ra rẫy làm ăn. Ông xin phép chính quyền khai khẩn thêm đất hoang hóa để có diện tích canh tác. Sau biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, ông đã có trang trại gần bảy ha, cố gắng tìm tòi đọc sách báo, nghe đài và tích cực tham dự các chương trình hướng dẫn của khuyến nông viên, học kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và chăn nuôi, dành dụm tiền đầu tư, một hồ nuôi cá rộng một ha, hằng năm thu được khoảng 4-5 tấn cá thịt. Hai ha ruộng cất lúa nước hai vụ, thu hoạch bình quân được 24 tấn/năm. Diện tích còn lại trồng rau, đậu, bắp và trồng cỏ nuôi trâu, bò, dê; chăn nuôi gia cầm. Là người con của núi rừng Tây Nguyên, ông Ya Loan hiểu giá trị của rừng và rất yêu quý thiên nhiên. Gia đình ông là một trong những hộ của xã đi đầu nhận khoán quản lý bảo vệ 36 ha rừng. 'Tiếng lành đồn xa', nhiều bà con xa gần đến học hỏi kinh nghiệm phương pháp xây dựng mô hình kinh tế trang trại gắn với phát triển rừng bền vững. Ya Loan và vợ đều hướng dẫn nhiệt tình kinh nghiệm và phổ biến những kiến thức về thổ nhưỡng, cũng như chọn cây trồng, vật nuôi năng suất; chất lượng, giá trị cao. Là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, ông còn tham gia dạy tiếng dân tộc cho cán bộ của tỉnh; phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con ở thôn buôn. Ya Loan cùng với một số anh chị em trí thức dân tộc Chu Ru trong tỉnh được mời tham gia Hội đồng biên soạn giáo trình dạy tiếng dân tộc Chu Ru cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Lâm Đồng. Đây là đề án do liên Sở Nội vụ - Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì theo chương trình khung của Bộ Nội vụ về đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình ông cũng là điểm đến hằng năm của Đoàn cán bộ giảng dạy, sinh viên Khoa Lịch sử thuộc Trường đại học Đà Lạt và Khoa Kinh tế - Trường Chính trị TP Hồ Chí Minh đi nghiên cứu, tìm tư liệu về lịch sử dân tộc Chu Ru. 'Tôi được mời tham gia phản biện khóa luận của Thạc sĩ Đặng Trọng Hồ - Giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt về đề tài Phát huy mặt tích cực của luật tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng để bảo tồn giá trị văn hóa'. - Ông kể. Bà con lối xóm vui mừng vì gia đình Ya Loan đã biết nghe theo Đảng, theo Bác Hồ, lo làm ăn ngày càng đầy đủ, ấm no, con cái được học hành, là tấm gương tốt cho nhiều người noi theo. Với những thành tích nhiều năm lao động vượt khó vươn lên, Ya Loan đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu 'Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi'... Là đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, ông bộc bạch: 'Thành tích của mình còn ít lắm, phải noi theo các tấm gương điển hình tại Đại hội. Bà con dân tộc thiểu số Chu Ru và các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên luôn biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn Bác Hồ đã đem lại cuộc sống cho đồng bào chúng tôi được như ngày hôm nay'.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/trang-tr-i-tren-n-ng-1.284630