Trang phục phim cổ trang Việt đang ... thiếu chuẩn?

Hiện tại từ phim ảnh, truyện tranh, trang phục của các đoàn nghệ thuật truyền thống … đều không chuẩn nên lâu dần người dân hiểu sai, hiểu không đúng về trang phục của cha ông.

Chúng ta không có chuẩn?

Có lẽ vấn đề phục trang trong phim cổ trang Việt đã được đề cập tới quá nhiều với biết bao nhận định, phân tích mà đa phần là chê bai. Có thể nói rằng, gần như tất cả những phim cổ trang khi ra mắt, không ít thì nhiều đều bị dư luận lên tiếng phản đối, không đồng tình về chuyện trang phục. Có những lời chê thuyết phục, có những nhận định còn gây nhiều tranh cãi nhưng tất cả đều cho thấy, phục trang là vấn đề nóng bỏng của phim cổ trang Việt hiện nay.

Quả thật, hình ảnh Lion King (nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Mỹ) xuất hiện trên bổ tử của một viên quan nhà Nguyễn (trong phim Mỹ nhân, ra mắt năm 2013) hay một bộ phim nói về ông vua Việt Nam nhưng nhìn ngỡ đâu là một bộ phim Trung Quốc (bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long) đáng bị lên án vì cách làm cẩu thả và rất thiếu chuyên nghiệp. Thực tế có những bộ phim dù được đánh giá khá cao về khâu thiết kế trang phục nhưng vẫn không thiếu lời xì xào.

Phim Mỹ nhân từng gây bão vì có hình nhân vật hoạt hình Vua sư tử trên bổ tử của quan phục

Phim Mỹ nhân từng gây bão vì có hình nhân vật hoạt hình Vua sư tử trên bổ tử của quan phục

Điển hình là phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể ra mắt mới đây. Nhiều người cho rằng trang phục bộ phim đẹp, sử dụng nhiều kỹ thuật may thêu cổ truyền của Việt Nam như: thêu ruy băng, thêu chỉ và được làm mới bằng chất liệu, màu sắc và họa tiết để bắt kịp xu thế thời trang thế giới. Nhưng cũng có ý kiến chê trang phục không thuần Việt và không phản ánh đúng nét văn hóa của người Việt thời xa xưa.

Trong khi đó, hiện chúng ta không có hoặc có rất ít tư liệu để phân định được tính đúng sai của trang phục. Bởi như mọi người đều biết, ngoài trang phục triều Nguyễn ra, chúng ta tìm được rất ít những tư liệu về các triều đại trước đó như: Lê, Trần, Lý ....

Vả lại công việc phục chế lại những bộ trang phục cổ cần dựa trên việc đối chiếu không chỉ các nguồn tư liệu trong nước mà còn tham chiếu với tư liệu, trang phục của các nước đồng văn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để đưa ra mẫu phục dựng và phỏng dựng gần đúng nhất với trang phục thực tế. Việc này ngay cả những người nghiên cứu chuyên sâu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nói gì tới những đoàn làm phim.

Trang phục trong phim Mỹ nhân kế

Trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin, họa sỹ Cù Minh Khôi, Hội phó hội Đại Việt Cổ Phong (nhóm chuyên phục dựng văn hóa cổ), thành viên tư vấn trang phục phim Phật hoàng Trần Nhân Tông cho biết: “Sở dĩ gần như phim cổ trang Việt nào cũng vấp phải tranh cãi về trang phục là bởi chúng ta hiện nay chưa có chuẩn. Chúng ta phục dựng lại trang phục cổ nhưng hình dáng chúng ra làm sao vẫn còn mông lung quá? Hiện tại từ phim ảnh, truyện tranh, trang phục của các đoàn nghệ thuật truyền thống… đều không chuẩn nên lâu dần người dân hiểu sai, hiểu không đúng về trang phục của cha ông.

Tôi lấy ví dụ nhỏ là cách quấn tóc của người xưa. Các cụ ta vấn tóc vào tấm khăn lụa, vấn thành từng vòng trên đầu rất đẹp. Nhưng các diễn viên ngày nay chỉ lấy một cái chụp (trông giống với những vòng tóc vấn) rồi chụp lên đầu là xong. Ngay những chi tiết nhỏ như vậy thôi để thấy, chính chúng ta làm người dân hiểu mù mờ về cách ăn mặc truyền thống. Lâu dần thì mỗi người hiểu và làm một phách. Không chuẩn là ở chỗ đó và tranh cãi cũng từ đó mà ra”.

Mấu chốt nằm ở đâu?

Thực tế nhiều bộ phim được đầu tư khá hoành tráng về trang phục. Chẳng hạn bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể được đạo diễn Ngô Thanh Vân đầu tư 2 tỉ đồng. Trong khi dù không công bố chi phí riêng (trong tổng số 25 tỉ đồng làm phim), nhưng bộ phim Thiên mệnh anh hùng cũng được khán giả và giới chuyên môn đánh giá khá cao về phục trang.

Hoặc như phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long (chi phí làm phim lên tới khoảng 100 tỉ đồng), việc đầu tư trang phục cũng được chăm chút từng ly từng tý. Ấy nhưng tất cả đều không làm khán giả hài lòng.

Cảnh trong phim Anh chàng vượt thời gian

Nhà nghiên cứu trang phục cổ Trần Quang Đức nhận định: “Một bộ phim lịch sử thành công là kết hợp thành quả nghiên cứu của nhiều lĩnh vực. Sự chuyên nghiệp và chính xác trong trang phục thôi là chưa đủ. Bởi ngoài phục trang, còn có bối cảnh sinh hoạt, không gian văn hóa, phong tục, ngôn ngữ... Nếu phim có kịch bản tồi, không gian văn hóa sai lạc, và chúng ta khiên cưỡng giữ cái quan niệm về vẻ đẹp thuần Việt để đưa vào phim thì sẽ chỉ mang lại những sản phẩm xộc xệch, méo mó mà thôi”.

Trong khi đó họa sỹ Cù Minh Khôi nhận định: “Tôi cho rằng có hai vấn đề ở đây. Thứ nhất việc thuê đội ngũ thiết kế trang phục có đúng đắn hay không? Nhiều phim thì trang phục nhìn giống hệt trang phục Trung Quốc. Một số phim thì lại cách tân quá đà. Vì thế vai trò của đội ngũ tư vấn trang phục là rất quan trọng. Thứ hai là việc định hướng truyền thông đã phù hợp hay chưa.

Họa sỹ Cù Minh Khôi

Hiện nay, chuyện quảng bá văn hóa nghệ thuật của chúng ta dễ dãi quá. Nó tạo cho khán giả cái nhìn không chuẩn xác, ai hiểu kiểu gì cũng được. Vì thế khi đưa vấn đề ra, người khen người chê là đương nhiên. Tôi cho rằng cần phải chuẩn hóa lại các họa tiết, hoa văn, trang phục, bối cảnh ... của nước ta xưa (dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nhóm Đại Việt Cổ Phong của chúng tôi đang từng bước thực hiện). Khi mọi người đều biết cái nào là của Việt Nam, cái nào là của Trung Quốc thì tranh cãi sẽ giảm”.

Trang phục Việt khác trang phục Trung Quốc rất nhiều

Nhà nghiên cứu trang phục cổ Trịnh Bách chia sẻ: “Việc trang phục, đặc biệt là của tầng lớp quan lại người Việt xưa chịu ảnh hưởng từ các triều đại bên Trung Quốc là khá nhiều. Tôi lấy ví dụ, phần cột dọc ở dưới gấu áo bào của vua nhà Thanh rất khác vua nhà Nguyễn mặc dù nhìn qua tưởng giống nhau. Nói vậy để thấy, nếu chúng ta để ý tới từng chi tiết nhỏ thì trang phục người Việt khác trang phục Trung Quốc rất nhiều”.

P. Thiệu - N. Thắm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/trang-phuc-phim-co-trang-viet-dang-thieu-chuan-a301510.html