Trang bị kỹ năng sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) cho trẻ vị thành niên – thanh niên, Trung tâm Chăm sóc SKSS Thanh Hóa đã phối hợp tuyên truyền tích cực trong nhà trường giúp học sinh nhận thức đúng về kỹ năng SKSS.

Để trẻ vị thành niên quyết định đúng về SKSS

Bác sỹ Lê Thị Nguyệt – Trưởng khoa Chăm sóc SKSS vị thành niên, Trung tâm Chăm sóc SKSS Thanh Hóa - cho biết: Chăm sóc SKSS cho tuổi vị thành niên – thanh niên là rất cần thiết, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.

Các em học sinh ở lứa tuổi này còn thiếu hụt về kiến thức SKSS, chưa hiểu rõ cơ thể của bản thân. Vì vậy, các em cũng thiếu kiến thức để bảo vệ, chăm sóc cơ thể mình. Tại nhà trường, các môn học như: Sinh học, Giáo dục công dân đã cung cấp những kiến thức cơ bản về SKSS, tuy nhiên những giờ học chủ yếu là lý thuyết. Để vận dụng và hiểu biết thực tế về SKSS, nhiều em chưa nắm được sự thay đổi tâm sinh lí giải phẫu. Vì vậy, các em thiếu kỹ năng chăm sóc, thiếu hiểu biết về cơ thể, đặc biệt là sự thay đổi của cơ thể khi đến tuổi dậy thì… Chính vì vậy, nhiều trường hợp các em ở lứa tuổi vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, bị xâm hại tình dục…

Để giúp các em trong tuổi vị thành niên có đủ kiến thức về SKSS, nhằm phòng tránh và hạn chế những tai biến, rủi ro có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần học tập và tương lai của các em, Trung tâm Chăm sóc SKSS Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức truyền thông cho các em học sinh từ cấp THCS đến TH chuyên nghiệp, sinh viên.

Trên thực tế, do còn thiếu hụt về kiến thức nên các em còn e dè, ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, với hình thức truyền thông phong phú, kết hợp giải đáp trực tiếp với tranh ảnh sinh động, đưa các em vào tham gia đóng các tình huống, giải quyết tình huống… đã thu hút sự chú ý của các em, khuyến khích các em hào hứng và tích cực tìm hiểu. Các hình thức truyền thông được tổ chức đa dạng trên các thông tin như: Tổ chức sinh hoạt nhóm theo chủ đề giúp các em tự khám phá và có thể tham gia vào các hoạt động từ đó bổ sung những điều các em còn thiếu hụt; nâng cao kỹ năng sống giúp các em đưa ra quyết định sáng suốt trong lĩnh vực SKSS vị thành niên, đúng hành động, đúng thời điểm.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm Chăm sóc SKSS Thanh Hóa đã phối hợp, tham gia cùng các đơn vị tuyên truyền về SKSS cho nhiều đối tượng: Phụ nữ tại các địa phương, học sinh các trường THPT, các nữ tù nhân tại trại giam… Ngoài ra, tại Trung tâm cũng đã thành lập câu lạc bộ “Búp sen xanh”, thành viên là các nhân viên, bác sỹ tại Trung tâm với các phòng tư vấn kín để tư vấn cho đối tượng trẻ vị thành niên khi đến Trung tâm.

Cần được quan tâm đúng mức

Để tăng cường công tác truyền thông về SKSS vị thành niên, theo kế hoạch từ năm 2010 - 2020, Trung tâm Chăm sóc SKSS Thanh Hóa đã phối hợp với liên ngành gồm UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Đoàn Thanh niên thành lập các câu lạc bộ SKSS vị thành niên tại các cơ sở như trạm y tế, trường học. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 5 câu lạc bộ, 4 điểm dịch vụ. Trong khi đó, kinh phí cho các câu lạc bộ cũng nhỏ giọt, công cụ hỗ trợ cho công tác truyền thông còn thiếu thốn nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ.

Bác sỹ Lê Thị Nguyệt cho biết thêm: Chương trình chăm sóc SKSS vị thành niên được triển khai từ năm 2010 nhưng chưa đồng bộ trong phối hợp tổ chức. Một số đơn vị còn e dè, chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều đơn vị nhận thức rõ được tầm quan trọng khi trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết về SKSS đã tham gia nhiệt tình, điển hình như huyện Cẩm Thủy, đã tổ chức triển khai đồng loạt cho tất cả học sinh khối THCS và THPT.

Trang bị kiến thức về SKSS cho trẻ vị thành niên là cần thiết và rất quan trọng, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ dẫn đến những hậu quả như thiếu kiến thức về vệ sinh thân thể, mang thai ngoài ý muốn; tâm sinh lí thay đổi với những sang chấn về tâm lí, nếu người lớn không chia sẻ, lứa tuổi này sẽ dễ có những hành động tiêu cực. Vì vậy, bên cạnh trang bị kiến thức SKSS cho trẻ vị thành niên, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm đến truyền thông về vấn đề này cho phụ huynh học sinh. Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tổ chức truyền thông cho các bậc phụ huynh để quan tâm đúng mức đến con cái, giúp các em trưởng thành tự tin khỏe mạnh (đặc biệt là đối với các em dậy thì sớm).

Bác sỹ Lê Thị Nguyệt chia sẻ: “Để đạt được thành công trong công tác truyền thông về SKSS vị thành niên, cần có sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo tỉnh, các ngành, cơ quan chức năng. Cần cụ thể hóa Đề án về chăm sóc SKSS vị thành niên để có nguồn kinh phí nhất định cho công tác truyền thông này; mở rộng các câu lạc bộ tại các trường để công tác tư vấn thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, cần phải có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các ngành có liên quan trong tổ chức tuyên truyền về SKSS vị thành niên. Từ thực tế hiện nay, các đơn vị chưa chủ động trong tổ chức truyền thông về vấn đề này, đặc biệt, chưa ý thức được tầm quan trọng của SKSS vị thành niên. Vì vậy, đề nghị ngành Giáo dục nên đưa vấn đề này vào chương trình giáo dục ở cấp THCS và THPT với một số tiết trong chương trình ngoại khóa để tăng cường kỹ năng SKSS cho học sinh”.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/trang-bi-ky-nang-suc-khoe-sinh-san-cho-tre-vi-thanh-nien-2439336-b.html