Tràn ngập không khí trung thu ở Phố Cổ Hà Nội

(BVPL) - Mới chỉ vào đầu tháng 7 (âm lịch) nhưng không khí trung thu đã tràn ngập khắp Phố Cổ Hà Nội. Đặc biệt là phố Hàng Mã, Hàng Lược tràn ngập đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn lồng, đến những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh,...

(BVPL) - Mới chỉ vào đầu tháng 7 (âm lịch) nhưng không khí trung thu đã tràn ngập khắp Phố Cổ Hà Nội. Đặc biệt là phố Hàng Mã, Hàng Lược tràn ngập đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn lồng, đến những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh,...

Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm Rằm Tháng Tám (âm lịch). Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.

Vào dịp này, người lớn có thể cùng uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là "phá cỗ."

Rước đèn đêm Trung thu, đã là tục lệ và nguồn vui của mọi người, nhất là thiếu nhi. Tục lệ này có từ Trung Hoa cổ xưa. Thời nhà Tống (960-1269), chuyền lan một huyền thoại là: có con cá chép vàng, tu luyện thành tinh, thường hóa phép thành người, để trêu và lừa phụ nữ. Thấy thế, ông Bao Công bày cho mọi nhà mang đèn Cá Chép và nhiều loại hình con gia súc, gia cầm khác, treo trước cửa nhà, để cá quỷ không dám đến nhũng nhiễu, làm hại. Từ đó, trung thu đến, nhà nhà thả cá chép xuống ao hồ và treo nhiều loại đèn, có đèn hình cá chép và cho trẻ rước đèn Ông Sao vui chơi dưới vầng trăng tỏa sáng tươi đẹp.

Được du nhập vào Việt Nam từ thời Lý. Nhưng phải đến Cách mạng tháng 8 thành công và nhất là từ năm 1947, khi Bác Hồ gửi thư Trung thu cho thiếu nhi cả nước, Tết Trung thu mới thực sự trở thành tết của tất cả trẻ em và được tổ chức vui chơi tưng bừng, rộn ràng, phấn khởi, vừa mang nhiều nguồn vui, vừa có ý nghĩa xã hội, đời sống… khi toàn xã hội, gia đình tận tình chăm sóc trẻ em.

Sinh thời, hàng năm, Tết Trung thu về, Bác Hồ đều gửi thư cho thiếu nhi. Bác còn đến một số nơi vui chơi, tặng quà, đón trăng cùng các cháu. Đó là tấm lòng yêu dấu thấu tình của Bác, của tất cả người lớn với lớp măng non của dân tộc-người kế nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.

Một số hình ảnh không khí trung thu:

Trung thu của thiếu nhi được thu nhỏ lại trong lời bài hát “Rước Đèn Tháng Tám”: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng. Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu.”

Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.

Anh Thư

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-su-xa-hoi/201709/tran-ngap-khong-khi-trung-thu-o-pho-co-ha-noi-2570872/